Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012


23:03
Thiếu kiểm soát, xã hội sẽ rơi vào bẫy “lựa chọn cái xấu”

SGTT.VN - Nếu ai đó có thể bỏ tiền đầu tư vào quan hệ để tạo ra cho mình một lớp vỏ bọc, trông giống như người đã mất công tu học nhiều năm để tích luỹ kiến thức thì quan hệ và tiền tệ (để bôi trơn) sẽ đi trước trí tuệ.

Mẹ tôi từng là một giảng viên lâu năm về văn học nước ngoài, nay đã gần 80 tuổi, nhưng thỉnh thoảng vẫn hướng dẫn học sinh cao học. Có lần, một sinh viên đã bảo vệ xong khoá luận đem tặng mẹ tôi một chùm nho, trông rất ngon. Tôi thấy quả nho to hơn hẳn so với nho tôi đã thấy ở bên Mỹ hoặc Úc, hỏi ra thì biết xuất xứ của nó là từ... Trung Quốc. Tôi để lại một phần cho bố mẹ. Sau đó, tôi đi vịnh Hạ Long chơi. Một tuần sau trở về, phần nho tôi để lại cho bố mẹ vẫn còn nguyên (chắc bố mẹ thấy tôi thích ăn nên muốn để dành). Nhưng có một điều rất lạ lùng là qua gần một tuần lễ, để ngoài tủ lạnh, thế mà những quả nho vẫn còn tươi nguyên như buổi đầu. Tôi nghĩ có lẽ người bán hàng đã phun chất bảo quản khiến vi khuẩn không thể xâm nhập làm quả nho bị nẫu, như đáng ra nó phải bị như vậy. Sau này, tôi thấy trên chợ và cả siêu thị bày bán rất nhiều loại hoa quả nhập từ Trung Quốc như táo, lê, đào, trông rất đẹp mắt, với giá rẻ hơn so với hàng cùng loại nhập từ Mỹ, Úc, New Zealand.
Giờ đây, ai cũng nói đến an toàn thực phẩm. Ai cũng nghe chuyện người trồng rau phun thuốc trừ sâu vào rau cho tươi ngay trước khi đem bán. Hay chuyện ngâm thịt ôi vào dung dịch để thịt có màu tươi trở lại. Báo chí ra rả những thông điệp cảnh báo, nhưng người có thu nhập thấp như công nhân, sinh viên... vẫn không có sự lựa chọn vì túi tiền của họ quá ít ỏi.
Vậy thị trường là dã man? Rằng người bán thi nhau dùng chất bảo quản và kiếm lời trên rủi ro gây ung thư cho người tiêu dùng? Trên thực tế, không phải ai đi bán hàng cũng vô đạo đức như vậy. Nhưng một khi đã có ai đó dùng chất bảo quản để biến thịt ôi thành thịt tươi thì người bán thịt tươi thật không thể cạnh tranh nổi với người bán thịt ôi. Vì thịt tươi thật dĩ nhiên đắt hơn và khó bảo quản hơn. Kết cục có thể rất tệ hại: trên thị trường sẽ chỉ còn toàn thịt ôi, nhưng trông tươi, nhờ chất tẩy hay chất bảo quản. Nói rõ hơn, những người bán hàng thật thà sẽ dần bị loại khỏi thị trường.
Nếu ai đó có thể bỏ tiền đầu tư vào quan hệ để tạo ra cho mình một lớp vỏ bọc, trông giống như người đã mất công tu học nhiều năm để tích luỹ kiến thức thì quan hệ và tiền tệ (để bôi trơn) sẽ đi trước trí tuệ. Nói rõ hơn, một khi ai đó đã dùng quan hệ và đồng tiền để tiến thân, thì người dùng trí tuệ để cống hiến sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều, vì sự cống hiến bằng trí tuệ cho xã hội không thể nhận thấy được ngay.
Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở thực phẩm. Rất nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế cũng có những vấn đề tương tự. Nếu ai đó có thể bỏ tiền đầu tư vào quan hệ để tạo ra cho mình một lớp vỏ bọc, trông giống như người đã mất công tu học nhiều năm để tích luỹ kiến thức thì quan hệ và tiền tệ (để bôi trơn) sẽ đi trước trí tuệ. Nói rõ hơn, một khi ai đó đã dùng quan hệ và đồng tiền để tiến thân, thì người dùng trí tuệ để cống hiến sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều, vì sự cống hiến bằng trí tuệ cho xã hội không thể nhận thấy được ngay. Ở kết cục tồi nhất, số đông còn lại trong các ngành giáo dục và y tế chỉ là những người có trình độ tầm tầm, ít trách nhiệm trong công việc. Và tiền bôi trơn, thay cho năng lực, sẽ tạo ra thu nhập cho họ.
Ở những xã hội phát triển, thì thị trường phải văn minh hơn, theo nghĩa, lồng trong cơ chế thị trường là các thể chế nhằm tránh cho xã hội bị rơi vào bẫy của sự lựa chọn cái xấu. Ví dụ ở Mỹ, thực phẩm chỉ được đem ra bán một khi đã được cơ quan giám định an toàn thực phẩm kiểm soát. Và những người làm trong cơ quan giám định phải có bằng cấp chuyên môn, cộng tiền lương tương xứng, để họ làm được việc và làm có trách nhiệm.
Nói như vậy, thì việc giám sát dịch vụ công như giáo dục, y tế, an toàn thực phẩm phải được đặt ra. Như vừa nêu trong ví dụ ở Mỹ, kết quả đó đòi hỏi hai điều kiện liên quan chặt với nhau:
(1) phải phân biệt được rõ người có bằng cấp thật, năng lực thật, với người có bằng cấp dỏm, năng lực tồi.
(2) quyền lợi phải được gắn liền với trách nhiệm. Khi đó, người có tâm, có năng lực, sẽ thực hiện trách nhiệm của mình với xã hội tốt hơn, và họ phải được hưởng tiền lương cao hơn. Người không có năng lực sẽ phải đối mặt với trách nhiệm cá nhân, mà họ không thể vận quan hệ, tiền tệ để rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm (hay trốn chạy khỏi trách nhiệm như ở vụ Vinalines).
Một khi chưa gắn được quyền lợi với trách nhiệm, mà vẫn để quan hệ, đồng tiền chi phối cái mà cá nhân được hưởng khi gặp thời và rũ bỏ trách nhiệm khi lỡ vận, thì cái tốt không thể nổi lên. Thị trường sẽ chỉ còn lại những cái xấu nhất.
TS Lê Hồng Nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét