08:11
ĐẰNG
SAU CON SỐ “ĐẸP”
QĐND - Ngày 18-6, hầu hết các địa phương trong cả nước đã hoàn
thành việc công bố kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và bổ
túc THPT năm 2012 với các con số khá “đẹp". Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp
và đỗ loại giỏi ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều tăng so với năm ngoái. Đã
có hàng trăm trường THPT có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. Nếu kết quả này là
thực chất thì quả là học sinh của Việt Nam học giỏi đột biến vì năm 2007, năm
đầu tiên cả nước thực hiện phong trào “Hai không - Nói không với tiêu cực trong
thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT
của cả nước chỉ có 66%. Nhiều trường năm ấy có quá nửa số học sinh trượt tốt
nghiệp, trong đó có trường không có học sinh đỗ tốt nghiệp. Sau 5 năm, chẳng
lẽ lớp học sinh kế tiếp bỗng dưng học giỏi?
Đã có ý kiến
cho rằng, với một kỳ thi được tổ chức vô cùng tốn kém mà mỗi tỉnh chỉ “loại” được
vài chục thí sinh quả là không cần thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà
chỉ cần “xét tốt nghiệp” như đã làm với bậc tiểu học và trung học cơ sở. Thế
nhưng, thực tế hiện nay, nếu học mà không thi thì sẽ nảy sinh tâm lý “học cho
vui”. Nhà trường là môi trường để trang bị tri thức và rèn luyện ý thức cho
học sinh. Ý thức đó được rèn luyện qua cả quá trình dạy học, được thể hiện
trong các cuộc thi là một phần tất yếu. Cũng không nên hợp nhất hai kỳ
thi tốt nghiệp THPT và thi vào đại học vì hai cuộc thi này có tiêu chí
hoàn toàn khác nhau: Một bên là để công nhận có trình độ học vấn phổ thông,
còn một bên là để chọn người giỏi vào học tập nghiên cứu trong các ngành nghề
phù hợp.
Từ thuở xa xưa,
thi cử luôn là khâu quan trọng để đánh giá quá trình dạy và học. Thi cử nghiêm
túc thì người học sẽ phải nghiêm túc và ngược lại. Giáo dục, trước hết phải
dạy cách làm người. Trong con người, đức tính cần thiết nhất là sự trung
thực. Không thể chấp nhận những giáo viên mà đi tiếp tay cho sự giả dối của
học sinh. Nên chăng, cần phải phát động lại phong trào “Hai không” trong
ngành giáo dục. Có thể khôi phục lại hình thức “chấm chéo”, “đổi giám thị”
giữa các địa phương, sử dụng thanh tra thi ủy quyền từ Bộ Giáo dục và Đào
tạo, dùng công nghệ cao để giám sát việc thi cử…
Cũng trong ngày
18-6, Văn phòng Chính phủ đã công bố "Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020" được
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. Trong đó sẽ đổi mới kỳ thi tốt nghiệp
THPT, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng đảm bảo thiết thực, hiệu
quả, khách quan và công bằng; kết hợp kết quả kiểm tra đánh giá trong quá
trình giáo dục với kết quả thi. Đồng thời thực hiện định kỳ đánh giá về chất
lượng học tập của học sinh phổ thông nhằm xác định mặt bằng chất lượng và làm
căn cứ đề xuất chính sách nâng cao chất lượng giáo dục của các địa phương và
cả nước. Người dân có quyền hy vọng sự đột phá trong công tác giáo dục
của Việt
Đỗ Phú Thọ
Với những
kết quả đẹp như tranh của kỳ thi năm nay, thiết nghĩ đã đến lúc loại bỏ kỳ
thi này. Hãy trao quyền cho các nhà trường quyết định học sinh tốt nghiệp căn
cứ kết quả 3 năm học, làm như vậy sẽ có những cái lợi: Thứ nhất tiết kiệm cho
ngân sách Nhà nước và túi tiền của phụ huynh với con số không nhỏ (và cũng
một con số không nhỏ số tiền phụ huynh phải “chung chi” cho Hội đồng coi thi
ở không ít nơi); Thứ hai, sẽ góp phần từng bước loại bỏ sự dối trá của cả
thầy và trò thường phát triển đỉnh điểm trong các kỳ thi; Thứ ba, nâng cao
được ý thức học tập của học sinh, ý thức nâng cao chất lượng giảng dạy của
thầy giáo trong suốt quá trình 3 năm học và trách nhiệm của mỗi trường.
Thương Giang
|
Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét