Cuộc sống luôn biến đổi hàng ngày cùng
những vấn đề đặt ra để con người giải quyết, vượt qua. Trí tuệ con người cũng
là sự phát triển vô tận. Con người Việt Nam ta được cả thế giới khâm phục
không chỉ là truyền thống, ý chí đấu tranh quật cường bảo vệ chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ suốt hàng ngàn năm qua mà còn là sự cần cù, trí thông minh,
sáng tạo trong công cuộc dựng xây cuộc sống.
Tuy nhiên, sức sáng tạo của con người đôi khi lại bị gông bó trong cái nền tư
duy đóng chặt, cứng nhắc. Xin nói về một vài câu chuyện gần đây đáng để ta
suy nghĩ.
Câu chuyện cháy xe
Đã hơn 1 năm nay, chuyện cháy xe đã trở thành “chuyện thường
ngày” trên cả nước. Hậu quả để lại tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng ai cũng
biết là không hề nhỏ. Nó còn để lại tâm lý bất an trong hàng triệu người tiêu
dùng. Rất may, cuối cùng thủ phạm đã được “điểm tên, chỉ mặt”: đó là xăng pha
methanon (cũng có thể gọi là xăng rởm). Nhưng vì sao với bao cơ quan quản lý,
cơ quan khoa học của Trung ương, ròng rã hàng năm trời điều tra, xác minh,
nghiên cứu, cuối cùng cũng chỉ đưa ra được một kết luận chung chung khiến cả
xã hội hoang mang, không còn biết trông cậy vào đâu. Những nghiên cứu, lập
luận họ đưa ra quá đúng, không có gì sai về trách nhiệm công vụ: 64,5% vụ cháy
nổ phương tiện đã được xác định nguyên nhân, trong đó 30,25% do chập điện,
15,1% do sự cố kỹ thuật, 9,8% do sơ suất, 4,63% do tai nạn giao thông, 4,32%
do đốt và còn 35,5% chưa rõ nguyên nhân. Tuyệt nhiên ở đây không thấy sự xuất
hiện của “Thị Xăng”. Nhiều người (nhất là quản lý ngành Công Thương, Doanh
nghiệp xăng dầu) đã thở phào nhẹ nhõm: thì ra oan cho “Thị Xăng” quá! Không
“oan” sao được khi mà kết quả kiểm nghiệm mẫu xăng dầu của các xe cháy và
nhiều đại lý đều đạt “tiêu chuẩn quy định"? Kiểu tư duy “đóng” khiến
người ta chỉ cần nghĩ đến như vậy. Không ai đặt thêm câu hỏi: vậy còn chập
điện, sự cố kỹ thuật do đâu, tại sao gần đây mới xảy ra, mà lại xảy ra với
nhiều hãng xe máy, ô tô khác nhau? Và lại càng không ai dám đặt câu hỏi nghi
vấn đến xăng nữa bởi “tiêu chuẩn quy định” của xăng dầu như một cái tem pháp
lý bất khả xâm phạm! May thay các nhà nghiên cứu của Đại học Bách khoa TP HCM
đã vượt qua được cái tư duy “đóng”, dám nghi ngờ cái "tiêu chuẩn chất
lượng" đã được cơ quan Nhà nước ban hành. Họ đã đi xa hơn nguyên
nhân vì sao xe chập điện, vì sao có sự cố kỹ thuật, cuối cùng đều đi đến gặp
“Thị Xăng” methanon! Để chắc chắn hơn, họ đã có thêm một nghiên cứu thống kê
về methanon: Thì ra từ năm 2010 đến nay lượng methanon nhập khẩu tăng đột
biến: năm 2008: 52.000 tấn; năm 2009: 66.000 tấn; năm 2010: hơn 90.000
tấn; năm 2011: hơn 80.000 tấn. Giá 1 lít chất này chỉ bằng nửa lít
xăng. Bạn có thể hiểu được lợi nhuận thế nào khi methanon được pha chế từ 15
đến 30%. Đó là chưa kể từ xăng A83 khi pha chế methanon sẽ “biến” thành A92!
Các nhà khoa học có được
thành quả nghiên cứu trên là bởi họ đã có tư duy “mở”.
Câu chuyện y tế
Dịch tay chân miệng ở trẻ em xảy ra đã khá lâu và cho đến hôm nay vẫn chưa có
dấu hiệu “thuyên giảm”, nhiều trẻ em đã chết vì căn bệnh này.
Còn nhớ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh, tiến sỹ Nguyễn Văn Khải đã có thử
nghiệm là dùng nước ô zôn để sát trùng tại vết thương và vệ sinh môi trường
lây nhiễm. Phương pháp này tuy không phải là phương thuốc trị gốc căn bệnh
nhưng đã có tác dụng nhất định bởi vi rút gây bệnh tay chân miệng dễ dàng bị
nước ô zôn tiêu diệt. Điều quan trọng là thứ nước này không gây độc hại hay
phản ứng phụ với cơ thể, nó góp phần làm sạch môi trường tồn tại của vi rút
(vốn là nguyên nhân chính gây ra sự lây lan nhanh, rộng). Nhưng, một tiến sỹ
“ngoài ngành” lại "vượt mặt" ngành Y tế trong chữa bệnh thì thật
khó chấp nhận! Thế là hàng loạt ý kiến “phản pháo” lại phương pháp chữa trị
này của tiến sỹ Khải. Ý kiến nghe “gai người” và
có "sức nặng" nhất đó là: “không thể đưa trẻ em ra làm vật thí
nghiệm”! Lòng nhiệt huyết, vô tư của tiến sỹ không biết có bị
“nguội” đi không, nhưng từ đó không thấy ông đả động đến chuyện này nữa. Và...
dịch bệnh thì vẫn đang lan rộng, nhiều trẻ em không bị “làm vật thí nghiệm”
nhưng đã từ giã cõi đời.
Với kiểu tư duy “đóng” như
trên, không biết đến bao giờ dịch tay chân miệng sẽ được kiểm soát. Phải
chăng nó đã trở thành căn bệnh “mãn tính” của ngành Y tế?
Câu chuyện giao thông
Đánh thuế cao, tăng lệ phí trước bạ, lệ phí biển số… lượng xe cộ vẫn cứ tăng
chóng mặt. Đường sá ngày thêm ách tắc. Cũng đúng thôi, vì đời sống, thu nhập
của dân ta ngày một phát triển.
Lại thêm các giải pháp mới và những đề xuất mới: Điều chỉnh giờ học, giờ làm,
phân làn, tăng thêm và tăng cao các loại phí, lệ phí, quỹ: Bảo trì đường bộ,
Hạn chế phương tiện, Hạn chế xe vào nội đô vv và vv… Tuy nhiên, tắc vẫn hoàn
tắc!
Những cách giải quyết trên suy cho cùng bởi cách tư duy của cơ quan quản lý vẫn
luôn cho rằng người dân và phương tiên giao thông là "thủ phạm", là
nguyên nhân của sự ách tắc giao thông ở các thành phố lớn hiện nay!
Nhưng, liệu lượng xe (nhất là ô tô) ở nước ta đã là nhiều chưa với một quốc
gia gần 90 triệu dân? Và tại sao ta phải hạn chế khi phương tiện giao thông
không chỉ là phương tiện giao thông, nó còn là công cụ của sự phát triển kinh
tế?
Tại sao ta không nhìn nhận câu chuyện ách tắc giao thông ở góc nhìn khác, đó
là quy hoạch, phát triển đô thị. Một khi các trường đại học chất lượng cao,
các bệnh viện y tế hàng đầu, các trung tâm thương mại, kinh tế… hội tụ tại
một điểm thì đường sá có mở rộng đến đâu rồi thì đường vẫn cứ tắc như thường!
Một tư duy mở không bao giờ coi người dân là “thủ phạm” của những vấn đề xã
hội. Họ phải là đối tượng hướng đến để phục vụ, đó mới là lối thoát cho sự
phát triển.
Nhớ lại câu chuyện lịch sử
Còn nhớ cách đây hơn 30 năm, ta đã phải nhập những loại lương thực cứu đói
như bột mỳ, ngô, lúa mạch và cả bo bo - loại thực phẩm chủ yếu dùng trong
chăn nuôi!
Vẫn đất đai ấy, vẫn những con người ấy, bây giờ ta đã trở thành nước xuất khẩu
gạo hàng nhất nhì thế giới. Nếu không có tư duy mới, cứ cứng nhắc trong cái
“cũi” tư duy bao cấp liệu ta có được những thành quả trong nông nghiệp và
thành quả của cả nền kinh tế như ngày hôm nay?
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét