11:00
Bài
học liêm sỉ cho công chức?
(Dân
trí) - Những người có chức, có quyền mà vẫn tham lam, nhận biếu xén này nọ,
thậm chí những người đến nhờ cậy, quà cáp cho họ còn đang phải chật vật lo
miếng ăn thì thật đau lòng vì con người đối với nhau như thế thì không còn gì
là liêm sỉ nữa.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đó là câu nói của ông Vũ Quốc Hùng,
nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi trả lời phỏng vấn một tờ
báo điện tử. Không dừng ở đấy, ông Hùng còn nói rất nhiều về sự liêm sỉ và
đặt cả vấn đề giáo dục tính liêm sỉ cho công chức và quan chức. Ông Hùng nói
nguyên văn là những người có chức, có quyền mà vẫn tham lam, nhận biếu xén
này nọ, thậm chí những người đến nhờ cậy phải quà cáp trong khi họ còn đang
phải chật vật lo miếng ăn thì thật đau lòng vì con người đối với nhau như thế
thì không còn gì là liêm sỉ nữa.
Điều ông Hùng lo nhất là tuy số người trọng liêm sỉ có nhiều nhưng số người vô liêm sỉ cũng… không ít và đáng lo nhất là trong số đó có một bộ phận cán bộ có chức quyền.
Cách đây ít lâu, mình có đọc một cái
truyện cười hiện đại kể chuyện một sếp đi thăm Vịnh Hạ Long, không may ngã
xuống biển. Thấy vị sếp tay chân chới với, mọi người giơ tay ra và kêu ầm
lên: Đưa tay đây, đưa tay đây… Thật ngạc nhiên, càng kêu to thì vị sếp càng
thu tay lại. Bỗng cậu thư ký bước đến, đưa chiếc gậy xuống rồi nói nhỏ một
câu, vị sếp bỗng cầm chặt lấy cây gậy để mọi người kéo sếp lên thuyền. Có
người hỏi, cậu thư ký nhỏ nhẹ: Các bác không biết tính sếp em. Ông là chúa
ghét hai từ “đưa ra” và thích nhất hai từ “cầm lấy” nên em nói khẽ rằng: Thủ
trưởng ơi, cầm lấy…!
Thực ra những điều ông Hùng nói không mới, thậm chí cũ, rất cũ. Từ thời Nhà Lý, đã có một vị quan nổi tiếng bởi sự thanh liêm, chính trực là cụ Tô Hiến Thành. Vị Thái úy đời vua Lý Anh Tông ngoài việc giúp vua đánh giặc mở mang bờ cõi, giữ gìn độc lập cho non sông, đất nước ông còn là tấm gương sáng về sự trunh thành và lòng ngay thẳng.
Sử sách kể rằng khi ông lâm bệnh, tham
tri chính sự Vũ Tán Đường sớm tối hầu hạ, còn quan đại thần Trần Trung Tá vì
bận việc nước không đến được. Thái hậu hỏi: “Khi ông chết ai là người đáng
thay ông?”. Tô Hiến Thành không do dự trả lời đó là Trần Trung Tá. Thái hậu
ngạc nhiên bảo Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ ông, tại sao không đề cử? Tô Hiến
Thành trả lời: Thái hậu hỏi người thay thế tôi chứ có hỏi người hầu hạ tôi đâu?
Cách đây mấy năm, bác Dương Trung Quốc
tặng mình cuốn Từ thụ yếu quy, một cuốn sách bàn về những nguyên tắc chủ yếu
của việc không nhận và nhận quà biếu. Tác phẩm này là của danh nhân Đặng Huy
Trứ, một vị quan suốt đời chỉ đau đáu nỗi lo giữ gìn đạo lý chốn quan trường.
Trong cuốn sách của mình, cụ Đặng Huy Trứ đề ra 104 điều cấm quan lại không
được nhận quà, trong đó chỉ có 5 điều được nhận. Trong tác phẩm này, mình
thích nhất đoạn:
“Của cải đối
với người ta cũng như dầu mỡ đối với đồ vật: đã dây bẩn thì không thể gột
sạch. Huống chi ta lấy một thì dưới lấy mười, ta lấy mười thì dưới lấy hàng
nghìn. Ta được vừa miệng thì dân bị hút máu. Ta được bảnh bao thân hình thì
dân bị lột da. Ta được đầy túi thì dân phải cầm nhà đợ ruộng. Ta có khỏan đải
bạn bè thì vợ con dân chỉ còn húp cháo. Nghĩ như thế, há không giữ chữ thanh
liêm hay sao?”.
Chao ôi, người xưa thì thế, người nay
thì sao? Phải chăng, cần giáo dục sự liêm sỉ cho công chức như ý kiến của bác
Vũ Quốc Hùng?
Bùi Hoàng Tám
|
Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét