Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012


 10:00

TS.Lê Đăng Doanh: "Tư lệnh Ngành" Đinh La Thăng nên trả lời công luận


(GDVN) - Trước khi Bộ trưởng Đinh La Thăng ký duyệt con số như thế thì Bộ trưởng có biết tình hình như thế này chưa, và đánh giá tình hình thực trạng của Vianlines như thế nào? Tôi giả định rằng bây giờ Chính phủ đồng ý “đổ tiền” vào Vinalines như đề án nêu thì việc đó sẽ đi đến đâu trong tình hình lỗ đầm đìa như hiện nay, rồi thì ông Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam được Bộ trưởng Đinh La Thăng bổ nhiệm đang lẩn trốn như một tên tội phạm chuyên nghiệp? 


Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về những sai phạm ở Vinalines, TS Lê Đăng Doanh nói: “Vụ Vinalines được Thanh tra Chính phủ kết luận và đưa ra công luận là một tiếng chuông báo động nữa cho tình hình quản trị doanh nghiệp có nhiều lỗ hổng và các yếu kém ở các Tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước của chúng ta.

Đó là điều hết sức đáng tiếc vì các tập đoàn và các tổng công ty được nhiều ưu cái, dược sử dụng nhiều vốn tín dụng và có nhiều ưu đãi trong việc tiếp cận các dự án về đất đai và các lĩnh vực khác. 

Trong trường hợp của Vinalines thì những sai phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng vì đã kéo dài và đã tiếp diễn qua nhiều vụ việc đơn lẻ. Điều đó thể hiện vai trò giám sát trong nội bộ Vinalines là hoàn toàn không có hiệu lực. Thứ hai, các dự án đầu tư như kết luận của Thanh tra Chính phủ được xây dựng một cách hết sức sơ sài và thông qua một cách dễ dãi rồi thực hiện. 

Ví dụ như việc mua nhiều tàu cũ tới mức mà không thể đăng ký theo luật của Việt Nam được mà phải đăng ký dưới cờ của nước ngoài rồi sau đó bị nước ngoài bắt vì tàu quá cũ, người ta không cho vận chuyển nữa. Tất cả những việc đó không những chỉ có hại về mặt kinh tế mà nó còn xấu cả thanh danh của thương hiệu Vinalines, một doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo ông Lê Đăng Doanh, Bộ Công an đã ra lệnh bắt và truy nã ông Dương Chí Dũng là điều hết sức cần thiết và phải làm để chứng tỏ sự nghiêm minh của pháp luật. "Nhưng rộng ra hơn, sau Vinashin, đến Vinalines, chúng ta thấy toàn bộ mô hình quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm của người chủ sở hữu vốn nhà nước, trách nhiệm giải trình về kết quả thực hiện, cái đó đối với người chủ sở hữu đích thực là nhân dân và các cơ quan dân cử là hết sức thiếu sót và có những cái sai kéo dài mang tính hệ thống. Vì vậy đã đến lúc phải xem xét lại toàn bộ hệ thống khung pháp lý cũng như là cơ chế quản trị và giám sát của các doanh nghiệp nhà nước", ông Doanh nói.
Mong Quốc hội nâng cao vai trò giám sát

“Tôi cũng rất mong các đại biểu quốc hội sẽ nâng cao vai trò giám sát tối cao của mình, có những chất vấn đòi phải làm nghiêm túc rút ra những kết luận cần thiết. Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hiện nay cần phải thực hiện hết sức mạnh mẽ và cơ bản tức là xem xét lại trên cơ sở nhìn thẳng vào thực tế, đánh giá đúng các sai phạm chứ không phải đánh giá một cách qua loa mà cho đến nay, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đưa ra chủ yếu là sắp xếp lại chứ không phải là có cải cách một cách cơ bản; xem xét lại về trách nhiệm, về chủ sở hữu, công khai minh bạch và việc thực hiện chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại”, ông Doanh bày tỏ quan điểm.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh nói tiếp: “Những sai phạm của Vinalines diễn ra trong một thời gian dài. Nếu chúng ta có những giám sát chặt chẽ thì đã không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như hiện nay. Cũng cần phải đặt ra câu hỏi đối với cơ quan quản lý là Bộ GTVT là tại sao Bộ quản lý mà để sai phạm kéo dài như vậy và kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc chứ có phải một nhiệm kỳ đâu? 
Vì vậy cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan trong vụ Vinalines. Các cơ quan có liên quan ở đây là Bộ GTVT, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về chủ sở hữu, về việc bổ nhiệm nhân sự. Tại sao ông Dương Chí Dũng có sai phạm và đang trong quá trình thanh tra như vậy lại được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng như vậy?

Một vấn đề nữa là tại sao ông Dương Chí Dũng biết trước để mà trốn trong khi những ngày trước đó còn đi làm việc bình thường. Đó là việc hết sức không bình thường. Phải chăng có lỗ hổng ở đâu đó? Hành vi của ông ấy (ông Dương Chí Dũng – PV) hoàn toàn là hành vi của một tên tội phạm nguy hiểm chứ một người cán bộ bình thường khi có sai phạm thì nghiêm chỉnh chịu trách nhiệm trước nhân dân? Vụ này phải xem xét trách nhiệm như thế nào vì tiền không thất thoát đi đâu cả mà nó vào túi của một số người nào đó”.

Vấn đề không nằm ở đầu tư vốn mà là tái cơ cấu
Liên quan tới con số 100.000 tỷ trong đề án Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Bộ GTVT để hiện đại hóa đội tàu biển của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đến năm 2030 do bộ trưởng Đinh La Thăng ký duyệt, TS Lê Đăng Doanh nói: “Theo tôi, vấn đề hiện nay của Vinalines không phải là đầu tư vốn mà là phải tái cơ cấu lại, xem xét, đánh giá thực trạng của Vinalines như thế nào.

Như vậy, việc đưa ra con số về đầu tư của Vinalines trong đề án được Bộ GTVT duyệt trong tháng 4/2012 vừa qua và tiếp đến là việc truy nã ông Dương Chí Dũng vì liên quan đến hàng loạt sai phạm tại tổng công ty này cho thấy 1 sự lạc hậu, và việc nắm tình hình của Bộ GTVT là 1 điều không thể giải thích được. Có lẽ Bộ GTVT nên có giải trình trước Quốc hội về việc tại sao lại có đề nghị như vậy và trách nhiệm của Bộ GTVT trong bê bối của Vinalines tới đâu và bây giờ nên làm gì. Bây giờ mà đưa ra con số đầu tư như vậy thì ai có thể chấp nhận được bây giờ. 
Bất kỳ người tỉnh táo nào cũng thấy không có bất kỳ một khả năng nào của Tổng công ty này để làm như vậy. Việc đưa ra một đề nghị trong một đề án như vậy trong khi phải chứng kiến cảnh phải đối mặt với những cáo buộc về tham nhũng thì là điều không thể giải thích được, nó không thể là một ưu điểm trong công tác quản lý của Bộ GTVT được. Tôi nghĩ Bộ trưởng Đinh La Thăng nên có lời giải thích với công luận về việc làm đó đúng trong thời điểm hiện nay. 

Trước khi Bộ trưởng Đinh La Thăng ký duyệt con số như thế thì Bộ trưởng có biết tình hình như thế này chưa, và đánh giá tình hình thực trạng của Vianlines như thế nào? Tôi giả định rằng bây giờ Chính phủ đồng ý “đổ tiền” vào Vinalines như đề án nêu thì việc đó sẽ đi đến đâu trong tình hình lỗ đầm đìa như hiện nay, rồi thì ông Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam được Bộ trưởng Đinh La Thăng bổ nhiệm đang lẩn trốn như một tên tội phạm chuyên nghiệp?

Với tuyên bố là “Tư lệnh ngành” của Bộ trưởng Đinh La Thăng thì ông Thăng nên giải thích với nhân dân về vấn đề này”. 
(Theo Giáo dục Việt Nam) Tuệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét