Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012


 09:07
Nhà nước phải tiết kiệm để phục vụ dân


TP - “Nhà nước phải sử dụng tiết kiệm để phục vụ người dân, không nên dùng quá nhiều tiền ngân sách để phục vụ quan chức và cơ quan nhà nước”.

TS Lê Đăng Doanh nói như vậy trước việc Bộ GTVT vừa duyệt Đề án Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành đến năm 2020 và định hướng 2030 với tổng kinh phí lên tới hơn 223 nghìn tỷ đồng.
Tiền lấy từ đâu?
Đề án đã được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phê duyệt và công khai trên trang điện tử của Bộ GTVT từ tháng 4. Theo tính toán ban đầu, để đáp ứng cho mục tiêu hiện đại hoá ngành GTVT, cơ quan này cần hơn 223 nghìn tỷ đồng để tập trung cho các hạng mục, dự án như: hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực...
Theo đề án, riêng việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn của các cơ quan trực thuộc, ước tính cần khoảng 12.170 tỷ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ 2012 - 2015 cần 7.950 tỷ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỷ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỷ đồng.
Số tiền đầu tư này nhằm xây dựng trụ sở mới cho một số cục chưa có trụ sở làm việc, nâng cấp trụ sở làm việc của các đơn vị đã xuống cấp. Ngoài ra, cần đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng, phát triển đội tàu biển cho Tổng Cty Hàng hải Việt Nam, đến năm 2030.
Đồng thời, cần hơn 80.000 tỷ đồng để phát triển đội máy bay của Vietnam Airlines lên 181 chiếc vào năm 2020 (gồm 70 máy bay sở hữu, 101 máy bay thuê), trong đó giai đoạn 2012-2015 cần hơn 43.000 tỷ đồng để có đội máy bay 112 chiếc (57 chiếc sở hữu, 55 chiếc thuê).
Bộ GTVT dự kiến trong vòng 3 năm tới, sẽ hoàn thành việc xây dựng mới, cải tạo trụ sở làm việc của các đơn vị trong ngành và hoàn thành việc đưa vào sử dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành. Về nguồn vốn dự kiến để thực hiện đề án, 40% là vốn ngân sách, còn lại 60% sẽ được huy động từ các nguồn khác.
Bộ GTVT nói gì?
Trao đổi với PV Tiền Phong, Vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư (đơn vị tổng hợp và chủ trì đề án), ông Nguyễn Hoằng, nói: “Về việc xây trụ sở làm việc, chúng tôi căn cứ theo quy định của nhà nước về tiêu chuẩn chế độ, làm việc. Ví dụ một cán bộ cần bao nhiêu mét vuông để tiện làm việc.
Trong tương lai, phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mà để trụ sở làm việc xập xệ coi sao được. Kinh phí xây các trụ sở các đơn vị thuộc bộ khoảng 10.988 tỷ đồng và phải tự cân đối.
Riêng chi phí xây trụ sở Bộ GTVT khoảng 1.000 tỷ đồng, không sử dụng ngân sách nhà nước. Hơn nữa, việc chuyển trụ sở bộ đi đâu, bằng hình thức nào đều phải căn cứ vào quyết định cho phép của Thủ tướng”.


"Trong tương lai, phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mà để trụ sở làm việc xập xệ coi sao được. Kinh phí xây các trụ sở các đơn vị thuộc bộ khoảng 10.988 tỷ đồng và phải tự cân đối".


Vụ trưởng vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT Nguyễn Hoằng

Nhưng bộ ngành nào cũng muốn hiện đại hoá như Bộ GTVT thì ngân sách nhà nước sao chịu nổi?
 “Đây chỉ là định hướng và sẽ thực hiện từng phần khi có điều kiện. Hơn nữa, đây cũng là nhu cầu bức thiết. Cứ thử tưởng tượng xem, tương lai sẽ quản lý cả mạng lưới đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường sông; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại..., nhưng con người và bộ máy thuộc Bộ GTVT lại lạc hậu thì không thể hiệu quả”, ông Hoằng nói.
Theo ông Hoằng, bản chất của đề án này là tổng hợp định hướng phát triển của các doanh nghiệp, đơn vị hành chính thuộc Bộ GTVT. Căn cứ đề án này, các đơn vị, doanh nghiệp (thuộc bộ) xây dựng kế hoạch chi tiết, sau đó trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không phải có đề án chung này bắt buộc triển khai ngay. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp từ lâu đã có sẵn chiến lược phát triển của đơn vị mình như hàng không, hàng hải...
Chuyên gia lo ngại
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh nói: “Tôi lấy làm lo ngại về việc số tiền chi cho xây dựng trụ sở là quá lớn và nếu như các bộ đều chi xây trụ sở như vậy thì ngân sách nào có thể chịu được. Điều này, rất mâu thuẫn với việc Bộ GTVT đòi hỏi người dân phải nộp rất nhiều loại phí, trong khi ngân sách vẫn chi nhiều.
Trong điều kiện thu ngân sách giảm, khó khăn, Nhà nước phải sử dụng tiết kiệm để phục vụ người dân, không nên dùng quá nhiều tiền ngân sách để phục vụ quan chức và cơ quan nhà nước”.
Theo TS Lê Đăng Doanh, về nguyên tắc, Nhà nước chỉ dùng ngân sách đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, có tính chất phục vụ lợi ích công, chứ không thể nào Nhà nước lại đi đầu tư cho máy bay, tàu thủy…


“Tôi lấy làm lo ngại về việc số tiền chi cho xây dựng trụ sở là quá lớn và nếu như các bộ đều chi xây trụ sở như vậy thì ngân sách nào có thể chịu được. Điều này, mâu thuẫn với việc Bộ GTVT đòi hỏi người dân phải nộp rất nhiều loại phí, trong khi ngân sách vẫn chi nhiều”


TS Lê Đăng Doanh

Nếu cứ dùng tiền ngân sách đầu tư cho doanh nghiệp như thế thì vô cùng lắm. Chỗ này phải tách bạch rõ ràng, và phải có cách tiếp cận hiện đại với khái niệm đầu tư công.
 “Đầu tư cho DN thì DN phải có phương án về vốn, không thể dùng tiền ngân sách.
Mặt khác, bản thân DN phải xây dựng phương án kinh doanh, trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng và có lãi.
Nếu cứ dùng tiền ngân sách đầu tư cho DN như vậy, thì không biết chúng ta sẽ có bao nhiêu Vinashin nữa? Điều ấy, thì không nền kinh tế nào chịu đựng được”, ông Doanh nói.
“Việc Bộ GTVT gộp chung rất nhiều nội dung vào một đề án là không khoa học. Ở đây, Bộ GTVT phải tách bạch, hạng mục nào đầu tư bằng tiền ngân sách phải tách riêng. Ví dụ, phần xây trụ sở bộ riêng, còn phần đầu tư cho DN phải tách riêng và không thể lấy tiền ngân sách để đầu tư được” - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh
Theo Tiền phong
Để thực hiện Đề án trụ sở làm việc trên, theo tôi Bộ GTVT cần có thêm vài “Đề án thu phí” khác để tạo nguồn thu, chẳng hạn như phí Bảo trì đường thủy nội địa, phí Bảo trì đường biển, phí Bảo trì đường không vv!!!...
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét