Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012


Doanh nghiệp, công nhân điêu đứng


Kinh tế trì trệ đã và đang đẩy các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất cả nước rơi vào cảnh ảm đạm, đìu hiu, vắng ngắt. Cùng với đó, hàng nghìn công nhân mất việc, phải lang thang khắp nơi kiếm sống qua ngày.

Co cụm, giải thể ồ ạt
Hà Nội có hàng chục KCN từ Sài Đồng (Gia Lâm) đến Bắc Thăng Long (Đông Anh), Nam Thăng Long (Từ Liêm), Yên Nghĩa (Hà Đông), Nội Bài… Những năm trước, đâu đâu cũng thấy hoạt động rầm rộ, sôi động và đầy khí thế. Mỗi dịp tan ca, công nhân từ các nhà máy ùa ra đông như kiến, tràn xuống đường huyên náo cả một vùng. Tuy nhiên, những tháng gần đây, tới đâu cũng chỉ thấy một sự im lặng, đìu hiu đến lạ thường.



“Hàng chưa bán được, thiếu vốn quay vòng trước mắt, công ty phải sử dụng vốn huy động trong dân với lãi suất cao để tái sản xuất nên lợi nhuận chẳng được là bao”


Ông Dương Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hợp Thịnh (Phù Khê, Bắc Ninh)

Tại cụm công nghiệp vừa và nhỏ của H.Từ Liêm, Hà Nội hầu như không thấy bóng dáng công nhân làm việc, rất nhiều nhà máy và xưởng sản xuất đóng cửa im ỉm. Một số lao động nhàn rỗi ngồi uống trà đá giải khát, số khác vừa cười đùa vừa đá cầu. Chị Nguyễn Thị Tam, bán nước trong KCN cho biết, thời gian trước có tới cả nghìn công nhân lao động, không khí sôi sục, nhưng mấy tháng qua bỏ việc nhiều nên khu này trở nên vắng vẻ. “Kinh tế khủng hoảng, nhà nước không bơm tiền nên các doanh nghiệp (DN) chết, công nhân cũng chết theo, trà đá, nhân trần dạo này ngày nào cũng ế”, chị Tam hóm hỉnh phân tích kinh tế vĩ mô.
Sáng 26.4, chúng tôi có mặt tại KCN Sài Đồng B (Long Biên, Hà Nội). Sức sống của một KCN được coi là đầu đàn cách đây 1 năm dường như đã tê liệt, không còn cảnh băng rôn tuyển dụng treo đầy đường, cũng chẳng thấy dáng lao động đi tìm việc. Nằm kế ngay Công ty Orion-Hanel đã phá sản cách đây hơn 3 năm hoang tàn, cỏ dại mọc đầy là Công ty điện tử Daewoo - Hanel nhà xưởng đã đóng từ lâu, khóa cửa han gỉ, vắng ngắt. Nhìn quanh, chỉ thấy một vài nhân viên bảo vệ được thuê trông coi nhà xưởng. Đại diện phòng nhân sự cho hay công ty đã làm xong thủ tục cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng từ chối cho biết lý do đóng cửa, ngừng sản xuất.
Nằm cách KCN Sài Đồng B chừng hơn chục cây số, KCN thực phẩm Hapro tọa lạc tại xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội có quy mô 64 ha cũng trầm lắng không kém. Hàng loạt nhà máy chế biến thực phẩm hoạt động èo uột, các khu xưởng sản xuất đồ nhựa, gia dụng cũng vắng bóng công nhân, lao động. Ông Nguyễn Sỹ Hải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại nhựa Hòa Phát cho biết, suốt từ đầu năm đến nay đa phần các công ty nằm trong KCN đều phải hoạt động cầm chừng, do đầu ra không có, lãi suất ngân hàng lại cao, một số khác không chịu được phải đóng cửa. Trước kia công ty ông Hải với đơn hàng sản xuất đồ nhựa gia dụng ổn định luôn thường trực vài trăm công nhân, lao động lương tháng bình quân 4 triệu đồng/người, nay đã cắt giảm xuống chỉ còn vài chục. “Từ đầu năm đến nay đơn hàng bập bõm, làm không ăn thua. Nếu lãi vay cứ cao như thế này tôi cũng không biết mình chịu được đến bao giờ”, ông Hải buồn rầu nói.
Một khu nhà xưởng tại Khu công nghiệp Hapro (Gia Lâm, Hà Nội) đã đóng cửa, ngừng sản xuất - Ảnh: Anh Vũ
Công nhân bị sa thải
Được ông Hải cho số điện thoại, chúng tôi liên lạc với anh Việt Cường (quê ở H.Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) - một công nhân từng làm việc trong xưởng của nhựa Hòa Phát. Giọng buồn rầu - Cường kể lại, từ khi nghỉ việc ở công ty, anh thuê nhà rộng 15m2 ở cùng 6 lao động khác tại khu Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, phải lang thang đi treo pano, áp phích cho một công ty quảng cáo. “Cũng bữa đực, bữa cái, hôm nào họ gọi thì đi, mỗi ngày được dăm chục nghìn kiếm ăn qua ngày thôi anh”, Cường nói.
Tiếp tục cuộc hành trình khảo sát sự sống của các DN, từ Gia Lâm chúng tôi rẽ qua quốc lộ 1A mới về Bắc Ninh - một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều khu, cụm công nghiệp và khu chế xuất cũng đang rơi vào cảnh rất trầm lắng, ảm đạm sau nhiều năm phát triển rực rỡ. Nhưng điều đáng buồn, mảnh đất Kinh Bắc vốn nổi tiếng với hàng trăm làng nghề quy mô tới cả triệu USD này cũng lâm vào cảnh khốn cùng - làng nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ Phù Khê, thị xã Từ Sơn điển hình trong số đó. Ông Dương Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hợp Thịnh ở Phù Khê  tâm sự, trước kia, công ty luôn duy trì cả trăm thợ làm đồ gỗ mỹ nghệ theo đơn đặt hàng. Trong đó, hơn 70% đơn hàng phục vụ thị trường Trung Quốc, gần 30% thị trường nội địa. Nhiều thời điểm đơn đặt hàng Trung Quốc nhiều làm không kịp phải đặt nhờ các cơ sở khác làm, nhưng từ cuối năm 2011 đến nay giảm hẳn. Công ty đã cắt giảm bớt 1/3 nhân lực so với trước mà nhiều khi vẫn không có việc phải chuyển sang làm hàng tự do. “Hàng chưa bán được, thiếu vốn quay vòng trước mắt, công ty phải sử dụng vốn huy động trong dân với lãi suất cao để tái sản xuất nên lợi nhuận chẳng được là bao”, ông Sơn buồn rầu nói.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó chủ tịch UBND xã Phù Khê giãi bày, Phù Khê vốn là địa phương có nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ lâu đời với hơn 90% số hộ làm nghề và 80% sản phẩm của làng nghề xuất khẩu sang Trung Quốc. Những năm trước nghề này đã đem lại sự phồn thịnh cho nhiều gia đình, thậm chí còn tạo nên cả lứa triệu phú nông dân. Nhưng từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường tiêu thụ chính của làng nghề là Trung Quốc bị thu hẹp. Mặc dù một số DN đã giới thiệu hàng sang một số nước khác nhưng hiệu quả không cao. Vì thế, không ít DN và hộ sản xuất của làng nghề rơi vào tình trạng điêu đứng. “Nhiều cơ sở phải ngừng sản xuất, cơ sở nào có tiềm năng lắm thì cũng chỉ duy trì sản xuất cầm chừng”, ông Khanh nói.
DN tại các KCN, chế xuất hoạt động co cụm, cầm chừng, các công ty tư nhân, trách nhiệm hữu hạn còn bi đát hơn khi phải giải thể hàng loạt. Bố cáo giải thể, thanh lý hàng tồn kho, dây chuyền máy móc được đăng tải liên tiếp. Ông N.T.Đ - Giám đốc Công ty Alibaba có trụ sở tại P.Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, năm ngoái xoay xở vốn của anh, em họ hàng trong gia đình mới duy trì các đơn hàng linh kiện máy móc, đồ gia dụng… từ Hàn Quốc về, cố gắng cầm cự được đến nay. Thế nhưng, hiện tại hầu như công ty không dám nhập bất cứ lô hàng nào, vì không còn vốn và thực tế hàng nhập về cũng không tiêu thụ nổi. “Công nhân của công ty đã nghỉ việc gần hết, hiện nay hầu như không còn hoạt động, sắp tới nếu không có gì thay đổi chắc cũng phải đóng cửa, giải thể công ty”, ông Đ. rầu rĩ nói.
Số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đều
Theo UBND tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay đã có gần 900 công nhân trong các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh nghỉ việc. Đây chỉ là con số thống kê lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, còn trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều... Ban Quản lý các KCX-KCN ở TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay các DN liên tục cắt giảm lao động vì đơn hàng hạn chế. Số lao động bị cắt giảm đến nay khoảng 3.000 người. Người mất việc tăng nhưng số việc làm mới được tạo ra lại có xu hướng giảm.
Còn ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, trong quý 1, số người đóng bảo hiểm thất nghiệp giảm tới 33.643 người so với năm 2011. Số tiền mà các DN nợ tiền bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ với khoảng 7%, tương đương 1.400 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều DN nợ kéo dài lên đến 3 - 4 tháng. Trong khi đó, số người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp lại tăng đều qua từng tháng. Cụ thể, trong tháng 2 có 3.964 người, đến tháng 3 con số này đã tăng vọt lên 8.324 người và trong 3 tuần đầu của tháng 4 là gần 11.000 người.
C.Nhân - Q.Thuần
Anh Vũ - Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét