22:15 Nếu là Bộ trưởng Thăng, tôi làm cách khác ! (VnMedia) - “Theo tôi để giải quyết vấn đề ùn tắc, nếu là tôi, tôi làm cách khác. Một là: phát triển hạ tầng. Việc này không thể làm ngay được. Bằng chứng như ở Thái Lan, tôi chứng kiến sự thay đổi rõ rệt”, GS Nguyễn Lân Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội các khoá X, XI, XII trao đổi với VnMedia. - Từng là đại biểu Quốc hội 3 khoá, ý kiến của GS. như thế nào về đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông vận tải đề xuất? Cá nhân tôi đồng ý với việc thu phí nhưng phải có phân biệt. Tôi lo ngại nếu thu xong nhưng không có hiệu quả thì sao?. Còn vấn đề phải có phân biệt là cần phải có phân biệt những người quá nghèo, những người có nhu cầu nhưng đi ít thì phải có phân biệt. Có thể có miễn cho một số trường hợp đặc biệt. Với tình trạng như hiện nay, nếu không giải quyết thì chỉ có trèo lên đầu nhau mà đi nhưng giải quyết như thế nào thì có nhiều quan điểm khác nhau. Tôi nghĩ rằng, những người có tiền đóng góp là tốt nhưng hy vọng việc người ta đóng cao để giảm số lượng xe là hơi ít vì người ta cần đi thì vẫn đi. Với những người có nhiều tiền, việc đóng góp không có vấn đề gì. Tôi nhận được rất nhiều điện thoại của người nghèo. Có một cô giáo rất đau xót khi nói với tôi rằng, cô bị tật ở tay không đi được xe máy nhưng cầm vô lăng thì không việc gì, vì thế cô đành phải mua một xe cũ 200 triệu. Lương của cô một năm được 40 triệu nhưng đang nuôi một đứa con học đại học, nếu bây giờ cô đóng 30 triệu tiền phí hạn chế xe cá nhân thì cả nhà còn 10 triệu. Cô muốn bán cái xe cũng không ai mua… cho nên tôi nghĩ rằng nếu đóng cũng phải tùy trường hợp. Theo tôi để giải quyết vấn đề này, nếu là tôi, tôi làm cách khác. Một là: phát triển hạ tầng. Việc này không thể làm ngay được. Bằng chứng như ở Thái Lan tôi chứng kiến sự thay đổi rõ rệt. Trước đây Thái Lan tắc đường kinh khủng nhưng khi đã xây dựng được đường trên cao thì vấn đề ùn tắc giải quyết được ngay nên chúng ta phải nghĩ tới giải pháp này. Trong thời điểm hiện nay, giải pháp trước mắt là phải phân luồng. Phân luồng không phải là treo cái biển ở trên cao, kẻ cái vạch dưới đất mà là có hàng rào hẳn hoi như đường Chùa Bộc vậy. Tuyến đường này nhỏ vậy nhưng nhờ có hàng rào ở giữa mà giao thông đi lại cũng khác hẳn và phải có xử phạt nghiêm minh. Phải phạt nghiêm người ta mới sợ và công an phải đứng chỗ đó thì mới được. Thứ ba là phải giáo dục ý thức giao thông. Tôi sang nước ngoài nhiều, tôi thấy một hình ảnh rất đáng khâm phục, tinh thần nhường nhau. Hai xe đi ngã tư thế nào cũng có một người giơ tay nhường đường và tôi có cảm tưởng họ tranh nhau nhường trước. Hay tại những vạch sang đường cho người đi bộ, dù người đi bộ vi phạm giao thông nhưng người ta đều dừng. Tuy nhiên, để làm được việc đó, trước hết công an giao thông phải làm gương, lấy lại uy tín, chỉ đứng ở ngã tư, không đứng ở những chỗ không cần thiết. Công an phải làm đúng. - Thưa Gs. là một người từng đi nước ngoài rất nhiều, ông có thấy nước nào mà một chiếc ô tô hay xe máy phải gánh nhiều loại phí như nước ta?. Thứ nhất là không có nước nào giao thông hỗn độn như nước ta cho nên nó không thành vấn đề. Tôi chỉ muốn ông lãnh đạo đi thăm Côn Minh (Trung Quốc) rất gần mình nên đi rất dễ. Thành phố này quá đẹp, không có một cái xe máy nào, xe buýt 2-3 phút một chuyến giá rất rẻ. Bên cạnh xe buýt là xe con. Vấn đề ở đây là tại sao ở nước ta giao thông hỗn loạn như vậy? Theo tôi đó là do việc nhập xe máy trước xe buýt. Khi đã nhập xe máy nhiều thì xe buýt không đi nhanh được thì họ sẽ quay lưng lại. Người ta cần đi làm, đi học đúng giờ nhưng xe buýt đi trong bối cảnh đầy đường xe máy thế này thì không đi nhanh được cho nên lỗi của ai thì phải làm rõ. Ai nhập xe buýt sau xe máy, trách nhiệm phải của ông này. Theo tôi đã đến lúc phải có biện pháp quyết liệt. Thí dụ có những đoạn đường phải cấm xe máy. Đường giao thông quá căng thẳng thì phải dùng biện pháp đó, nếu xe buýt đi nhanh thì người ta mới “chơi” với xe buýt. - Bàn về đề xuất thu phí hạn chế xe cá nhân của Bộ Giao thông đề xuất, một số ý kiến cho rằng không nên thu phí với xe đã có mà chỉ nên thu với xe sẽ có vì như thế sẽ hạn chế được lượng xe tăng lên, tránh ùn tắc. Ý kiến của GS về quan điểm này thế nào?. Tôi cho rằng ý kiến đó không đúng. Cơ quan tôi từng có người rất vất vả vì năm ngoái có tiền nhưng không được mua xe vì lệnh cấm mua cho nên không phải những anh mua sau sẽ bị phạt nặng, không nên. Có những nhu cầu cần thiết thì người ta vẫn phải sử dụng. Vấn đề đặt ra là nó liên quan tới toàn xã hội. Ví dụ, khi xây nhà cao tầng bắt buộc phải có chỗ để ô tô bên dưới. Khi cấp giấy phép về cửa hàng ăn uống phải kiểm tra xem có chỗ đỗ xe ô tô hay không. Hiện nay phải giải quyết ngay việc không có ô tô đỗ dọc đường. Ô tô cứ đỗ hai bên đường như vậy thì làm gì còn chỗ…. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết đồng bộ. Tôi xin nhắc lại, tôi rất muốn lãnh đạo đi thăm thành phố Côn Minh, suy nghĩ xem tại sao họ làm được mà mình không làm được còn như Nam Ninh hiện nay, cấm đăng ký xe mới thì họ lại phản ứng lại bằng cách đi mua các biển đăng ký cũ, lắp vào xe mới. - Thưa Gs. với tình hình giao thông hiện nay, liệu thu phí hạn chế xe cá nhân có giảm được ùn tắc?. Theo tôi chắc là không vì người ta có việc người ta vẫn phải đi. Thứ hai là số có xe hiện nay phần lớn là những người có tiền. Thế nên bây giờ người ta sẽ hỏi khi đóng phí đó rồi nếu không giảm được ùn tắc giao thông thì sao? Ông có chịu trách nhiệm hay không?. Ông là người đưa ra sáng kiến đó nhưng không hiệu quả, người ta nộp rất nhiều tiền vào rồi nhưng chắc chắn vẫn tắc. Theo tôi hiện nay nên tập trung vào việc phân luồng còn việc cấm taxi đi vào giờ cao điểm hiện nay rất sai vì không tắc chỗ này thì tắc chỗ kia cho nên biện pháp đó không đồng bộ. - Việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân tới đây sẽ được đưa ra Quốc hội bàn luận, từng là đại biểu quốc hội, ông gửi gắm ý kiến gì tới nghị trường?. Tôi hy vọng Quốc hội sẽ nói được tiếng nói của dân. Là đại biểu của dân Quốc hội phải lắng nghe ý kiến của dân. - Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!. Theo VnMedia |
Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét