Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

21:00

 “Bội thực” xét nghiệm


ANTĐ - Một trong những điểm được quan tâm nhiều nhất sau kết quả thanh tra, kiểm tra tại 13 địa phương có nguy cơ bội chi quỹ BHYT vừa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) công bố là tình trạng lạm dụng xét nghiệm. Trực tiếp thâm nhập một số cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội mới thấy, tình trạng này đang diễn ra hết sức trầm trọng.

Chẩn đoán ho, làm 6 xét nghiệm
Bị ho dai dẳng suốt gần 2 tuần nay dù đã uống rất nhiều loại thuốc vẫn không đỡ, tôi quyết định tìm đến phòng khám đa khoa tai mũi họng B.A trên đường Giải Phóng, đối diện cổng chính BV Bạch Mai để khám. Phòng khám khá lớn nhưng vắng khách, chỉ có một bác sĩ trực cùng 5, 6 nhân viên làm nhiệm vụ đón tiếp và phụ việc. Sau khi mua phiếu khám với giá 30.000 đồng, tôi được đưa lên phòng khám tại tầng 2. Ông bác sĩ mặc áo bluse trắng nhưng không hề đeo biển hiệu yêu cầu tôi nằm xuống giường, bảo chị nhân viên đo huyết áp rồi ghi vào sổ theo dõi. Dù đã nói rõ là chỉ “khám xem vì sao ho kéo dài không đỡ” nhưng vị bác sĩ lại yêu cầu tôi kéo áo lên để khám từ… sau lưng, một hồi sau vị bác sĩ phán “cậu chủ quan để bệnh nặng quá rồi, ho kéo dài có thể dẫn đến viêm phổi chứ không chơi”.

Sau đó, vị bác sĩ đưa tôi trở xuống tầng 1 để chỉ định đi làm xét nghiệm. Chị nhân viên ngồi trực nhanh nhẹn viết các phiếu xét nghiệm rồi chuyển tập phiếu xét nghiệm cho một nhân viên y tá khác để người này dẫn tôi đi. Theo đó, tôi sẽ phải làm đầy đủ 6 loại xét nghiệm gồm: xét nghiệm tai mũi họng, xét nghiệm dịch đờm, siêu âm tim phổi, X-quang phổi, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng. Tổng giá trị 6 loại xét nghiệm là hơn 800.000 đồng. Hỏi tại sao chỉ khám sơ sơ xem ho ra sao mà phải làm nhiều xét nghiệm đến vậy, chị nhân viên trực trả lời một cách hết sức chuyên môn: “Ho là triệu chứng của bệnh, để biết được xem anh mắc bệnh gì thì phải đi làm đủ các xét nghiệm để bác sĩ căn cứ mà chẩn đoán”. Để tôi yên tâm, một nhân viên khác tiếp lời “anh cứ yên tâm, thực hiện tất cả xét nghiệm tại phòng khám luôn, chỉ khoảng 10 phút là xong chứ anh vào BV cũng vẫn phải đi làm các xét nghiệm này mà để làm được hết có khi mất vài ngày”. Nhẩm tính, nếu như thực hiện đủ các xét nghiệm, sau đó lại mua thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ thì chỉ một lần đi khám “bệnh ho” cũng tốn không dưới 1 triệu đồng…

Sau đó, chúng tôi đến một phòng khám đa khoa trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội). Phòng khám này có niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh rất cụ thể tại tất cả các tầng của tòa nhà, bảng giá tương đối hợp lý. Tuy nhiên, có một điểm chung mà rất nhiều bệnh nhân chúng tôi tiếp xúc tại phòng khám này cho biết, đó là dù vào khám bệnh gì cũng đều phải làm hàng tá xét nghiệm. Đăng ký khám bệnh với lý do ho nhiều, cảm cúm kéo dài, quả nhiên tôi được chỉ định cho đi làm một loạt xét nghiệm, từ xét nghiệm máu, nước tiểu đến chụp X-quang phổi…

Không chỉ các phòng khám tư mà tại các BV công, tình trạng lạm dụng xét nghiệm cũng đang phổ biến hết sức trầm trọng. Tại BV Đa khoa Phú Thọ, mới đây Đoàn kiểm tra của BHXH VN đã phát hiện BV cố tình chẩn đoán thật nhiều bệnh trên một bệnh nhân để có lý do cho việc làm các dịch vụ kỹ thuật. Do đó, tất cả các bệnh nhân khi vào viện đều phải làm các dịch vụ có giá thành cao. Thậm chí để tận thu, BVĐK Phú Thọ đã cho máy siêu âm hoạt động vượt quá công suất, thời gian siêu âm cho một bệnh nhân rất ngắn (1-3 phút), không đủ để thực hiện dịch vụ. Bất kể người lớn hay trẻ em, kết quả doppler đều rất giống nhau nên không có giá trị hoặc ít có giá trị về thăm khám và theo dõi chữa trị…

Không dễ giám sát

Đề cập đến vấn đề lạm dụng xét nghiệm tại các phòng khám tư, GS.TS Phạm Gia Khải, Viện Tim mạch Quốc gia cho rằng, việc các BV, phòng khám tư cho chỉ định quá nhiều thứ xét nghiệm có 2 nguyên nhân, có thể là do bác sĩ không đủ trình độ hoặc là do chạy theo lợi nhuận. Vẫn biết, để chẩn đoán chính xác bệnh cần căn cứ trên những kết quả xét nghiệm cụ thể, thậm chí cùng một loại bệnh nhưng vẫn phải làm đi làm lại nhiều xét nghiệm do diễn tiến của bệnh mỗi lúc khác nhau. Tuy nhiên theo ý kiến nhiều chuyên gia thì bản chất của việc chỉ định thừa thãi các xét nghiệm không cần thiết vẫn là do yếu tố lợi nhuận. Thực chất, với các BV công lập, việc “xã hội hóa” gây ra tình trạng lãng phí khi đơn vị nào cũng có máy xét nghiệm, mà máy mua về bằng tiền xã hội hóa thì đều phải mau chóng thu hồi vốn lẫn lãi nên đương nhiên phải tận dụng tối đa công suất. Tương tự, các phòng khám tư đầu tư máy móc cũng đều muốn thu về lợi nhuận tối đa.

Mới đây, tại buổi trả lời trực tuyến về giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã thừa nhận tình trạng lạm dụng xét nghiệm ở các cơ sở y tế công lập lẫn ngoài công lập đang diễn ra tràn lan và khó kiểm soát. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng phải có quy trình giám sát chặt chẽ, các cơ sở y tế phải có bộ phận giám sát, đồng thời Bộ Y tế cũng sẽ tính tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề lạm dụng xét nghiệm ở các BV. 
Nguyễn Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét