Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

18:00
Gã hoạn lợn

           Phòng nông nghiệp huyện có hơn chục người. Phần đa toàn là những kỹ sư hoặc tốt nghiệp cao đẳng nông lâm nghiệp. Thế mà đột nhiên lại có một cử nhân ngành sử học được đưa về biên chế vào bộ phận chuyên phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác chăn nuôi, thú y. Khi được thông báo tiếp nhận cô nhân viên mới này về bộ phận của mình kỹ sư Khoa rất ngạc nhiên và bức xúc. Anh phản đối thì ông trưởng phòng vỗ vai tặc lưỡi:
          - Con bé này là cháu ông phó chủ tịch tỉnh đấy!
          - Nhưng là một người không đúng chuyên ngành đã đào tạo thì về phòng nông nghiệp biết làm được việc gì?
          - Ôi dào! Cần gì đúng chuyên ngành... nó về đây chỉ là kiếm một chỗ đậu tạm để lấy biên chế là viên chức nhà nước thôi! Cậu đừng có lo, chờ vài hôm nữa sau đại hội, ông phó chủ tịch tỉnh lên chức chủ tịch là nó sẽ lập tức bay vút đi ngay ấy mà!
          - Thế thì bác cho cô ấy vào bộ phận khác nhé. Bộ phận chăn nuôi, thú ý không cần cán bộ nghiên cứu về môn lịch sử... - Kỹ sư Khoa nhấm nhẳng.
          Ông trưởng phòng hơi bực vì thái độ của kỹ sư Khoa. Ông sẵng giọng:
          - Các bộ phận khác đã đủ và dư người rồi! Bộ phận của cậu đang thiếu biên chế nên mới đưa về đấy chứ!
          - Nhưng… biết giao cho cô ấy công việc gì?
          - Thì... thì... cậu cứ giao cho cô ấy hàng ngày vệ sinh phòng làm việc, chùi rửa ấm chén, đun nước sôi cho các bộ phận trong toàn phòng không được à!
          - Nhưng đấy đâu phải là công việc chuyên môn chính! Chả lẽ lại bảo cô ấy đi nghiên cứu lịch sử hình thành của loài lợn, chiến công của loài chó hay quá trình tiến hóa của loài ngỗng à?
          Ông trưởng phòng bật cười, dịu giọng:
          - Đấy! Cậu cũng đã biết nghĩ ra việc để giao cho cô ấy làm rồi còn gì! Hì... hì... Mà thôi cậu đừng có băn khoăn suy nghĩ mãi, hao tâm mệt não. Bên phòng văn hóa thể thao còn có một thằng là kỹ sư hóa chất, phòng công nghiệp còn có hai đứa vừa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mới về nhận công tác đấy! Toàn là loại “CCCC” cả thôi, hiểu không!
          Thế là bộ phận chỉ đạo chăn nuôi, thú y có thêm một cô cử nhân đại học chuyên ngành nghiên cứu về lịch sử. Cô bé này tuy không thật xinh đẹp nhưng cũng ưa nhìn. Cô có nước da trắng như bột lọc, tính tình tuy hơi đành hanh nhưng cũng có vẻ chịu khó. Cô ta vừa học xong đại học tổng hợp chuyên ngành sử, được phân công về nhận công tác ở một tỉnh miền núi Tây bắc nhưng sợ khổ và không muốn đi xa nhà. Hàng ngày cô cử nhân lịch sử đến cơ quan sớm hơn mọi người để đun nước sôi cho các bộ phận. Cô đi từng phòng làm việc thu về mười cái phích rồi đun một nổi nước sôi to đổ đầy xong lại đem chia về các phòng. Hết giờ làm việc thì cô ta lại đi từng phòng để thu phích và tráng rửa ấm chén, đổ bô đựng bã chè. Còn trong giờ hành chính chủ yếu cô ta ngồi đan len và chờ ông trưởng phòng sai vặt việc chuyển thư từ, công văn, gọi người lên họp hành, hội ý... Kỹ sư Khoa rất bực vì tự dưng bộ phận của mình lại có thêm một nhân viên làm tạp vụ chung cho toàn cơ quan như thế trong khi người làm chuyên môn thì đang thiếu. Kỹ sư Khoa càng bực hơn khi một hôm tay phụ trách bộ phận kỹ thuật trồng trọt kéo anh cười cười bảo:
          - Cám ơn bộ phận của ông nhé!
          - Cám ơn vì việc gì?
          - Vì… từ ngày bộ phận của ông có một nhân viên chuyên trách việc đun nước sôi, vệ sinh chung cho cả phòng thì bộ phận của bọn mình cũng đỡ vất vả xì xụp đun nấu, cần nước sôi pha trà là có ngay. Thật thuận tiện quá…
          - Hừ… hừ…
          - Nhưng chúng tớ đề nghị ông phải chú ý tăng cường kiểm tra “trình độ chuyên môn” của nữ nhân viên mới này. Không hiểu nước sôi của bộ phận cậu cung cấp có đủ 100 độ hay không mà nhiều hôm uống vào đang họp mà cứ phải chạy đi đái rắt liên tục đấy… Ông là người phụ trách của cô ấy thì phải chịu trách nhiệm về chuyện này chứ? He he…
          Nghe tay phụ trách bộ phận trồng trọt nói như vậy kỹ sư Khoa tức đến nghẹn cả cổ họng nhưng không làm gì được hắn ta.
          Trong khi kỹ sư Khoa ghét cay ghét đắng cô nhân viên mới thì ngược lại cô ta lại có vẻ rất thích anh. Có lẽ là vì anh đẹp trai và thông minh, tài giỏi. Nhiều đề tài nghiên cứu về con giống, thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của kỹ sư Khoa được đánh giá cao, ứng dụng có hiệu quả. Uy tín của anh trong các hợp tác xã toàn huyện rất cao. Có tin đồn là khi ông trưởng phòng đến tuổi về nghỉ hưu anh sẽ được đề bạt thay thế. Ông trưởng phòng từ lâu đã rất tín nhiệm, tin tưởng và có ý định nâng đỡ, giới thiệu anh. Một hôm, anh gọi kỹ sư Khoa lên gặp. Rót cho anh một chén nước chè nóng ông bảo:
          - Ông chủ tịch tỉnh khen cậu lắm…
          - Ơ… làm sao mà ông ấy biết em là ai mà khen ạ?
          Ông trưởng phòng nháy mắt nhìn anh kỹ sư:
          - Này! Tớ hỏi thật nhé, cậu thích cô Thoa rồi hả?
          - Thích gì mà thích! - Kỹ sư Khoa bực: - Mà sao lần trước bác bảo là khi ông phó chủ tịch tỉnh lên chức chủ tịch thì cô ấy sẽ “bay vút ngay đi” cơ mà?
          - Nhưng bây giờ thì cô ấy sẽ không bay đi đâu nữa! Cô ấy sẽ ở lại lâu dài làm cán bộ ở phòng nông nghiệp đấy…
          - Sao lại thế được ạ?
          - Thế mà vẫn được đấy! Mà cậu đừng có ác cảm với cô ấy. Chính nhờ cô ấy luôn nói tốt, ca ngợi cậu nên ông chủ tịch tỉnh mới biết đến tài năng của cậu. Thời cơ ngàn năm có một đấy hiểu không?
          Nhìn vẻ mặt nhăn nhó đến thảm hại của kỹ sư Khoa, ông trưởng phòng an ủi:
          - Ở đời có những điều mình muốn cũng chả được, không mong mà nó vẫn cứ đến. Cái cô Thoa này có cái ô to, lại mê mẩn cậu. Thôi thế cũng là điều tốt. Vài hôm nữa tớ nghỉ hưu, cậu có ông chủ tịch nâng đỡ, thay chức trưởng phòng của tớ chả hay quá à?
          Kỹ sư Khoa bật dậy:
          - Em không cần ai nâng đỡ kiểu ấy! Thế thì sao ông ấy không để cho cô ấy lên mà làm trưởng phòng nông nghiệp luôn cho rồi…
          - Cậu ngồi xuống đi! - Ông trưởng phòng vẫn nhỏ nhẹ: - Cậu đừng có hấp tấp dại dột thế. Đúng là nếu cậu mà không thay tớ làm trưởng phòng thì cô ấy sẽ làm trưởng phòng đấy hiểu không?
          Kỹ sư Khoa trố mắt không hiểu. Ông trưởng phòng ngậm ngùi:
          - Tôi với cậu đều là dân chuyên làm khoa học thật thà, nhiệt tình với công việc chuyên môn thuần tuý mà không thấu hiểu hết những góc khuất, trúc trắc của cuộc sống, không biết những thủ thuật ở chốn quan trường. Cậu không biết chứ cánh tay của cô bé này dài lắm. Cô ấy mê cậu, có ý giúp cậu. Nếu cậu mà nhủng nhẳng lảng ra là hỏng bét hết cả đấy…- Ngừng một lát như để anh kỹ sư ngấm cái điều triết lý vừa nói, ông trưởng phòng bảo: - Từ tháng sau bộ phận của cậu phải bố trí, sắp xếp lại công việc, cô Thoa chỉ làm nửa buổi thôi còn nửa buổi chiều là cô ấy đi học đấy!
          - Cô ấy học cái gì nữa thế?
          - Cô ấy sẽ đi học đại học tại chức, ngành nông nghiệp...
          Kỹ sư Khoa há hốc miệng kinh ngạc. Thì ra quyết tâm ở lại làm cán bộ lâu dài tại phòng nông nghiệp huyện của cô Thoa là có thật. Kỹ sư Khoa đứng dậy chào ông trưởng phòng. Trước khi ra về anh định nói với ông trưởng phòng một điều gì đó nhưng lại thôi. Anh bước đi dọc theo con mương nước nhỏ về nhà nghỉ mà lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Anh nghĩ đến việc nhất định phải xin chuyển công tác đi nơi khác khi ông trưởng phòng về hưu. Bởi chắc chắn anh có ở lại thì sẽ khó làm việc nếu không lên được chức trưởng phòng. Thực ra anh chả ham hố gì cái chức trưởng phòng này. Có điều là nếu sau hơn một năm cái cô cử nhân đại học sử kia trở thành một kỹ sư nông nghiệp mà lên làm lãnh đạo thì anh không thể nào hợp tác được.
          Mấy ngày sau không hiểu làm sao mà cô Thoa biết khá chi tiết về buổi nói chuyện của anh kỹ sư với ông trưởng phòng. Cô hơi buồn. Nhất là khi thấy thái độ lạnh nhạt, coi thường của kỹ sư Khoa đối với cô. Nhưng cô Thoa vẫn hy vọng. Cô đã có một dự định khác.
          Cuối giờ làm việc hôm đó trời sắp mưa. Mây đen ùn ùn kéo đến nên bầu trời tối sập lại. Mọi người đã ra về hết nhưng kỹ sư Khoa vẫn còn cắm cúi mải mê ở phòng làm việc. Anh phải hoàn thành nốt bản báo cáo khoa học về dự án bảo tồn nguồn gien và phát triển đàn lợn cỏ bản địa có chất lượng tốt ở một xã ven chân núi Tam Đảo. Lúc anh định ra về thì cơn mưa to sầm sập đổ xuống. Tiếng sét đánh long trời, chớp loé lên lằng nhằng. Có tiếng như là cây đổ, đá lở ầm ầm trên núi. Anh kỹ sư vừa định rời bàn làm việc ra khép lại cánh cửa cho gió khỏi đập thì cô Thoa bước vào. Cô Thoa bao giờ cũng là người cuối cùng rời khỏi cơ quan vì còn phải làm các công việc tạp vụ của mình.
          Thấy cô Thoa vào, anh kỹ sư hỏi:
          - Cô chưa về à?
          - Em đang định về thì trời mưa to quá… mà… mà em thì sợ sấm sét lắm anh ạ!
          Kỹ sư Khoa hơi lo lo vì khu cơ quan vắng vẻ quá. Anh cảnh giác đứng dậy bảo:
          - Vậy thì cô ở lại rồi về sau nhé! Tôi về trước đây!
          - Nhưng trời còn đang mưa to lắm anh ạ!
          - Không sao! Tôi có áo mưa rồi.
          Nói đoạn, anh thu vội vã đống giấy tờ nhét vào cái cặp. Khi anh vừa với tay định lấy cái áo mưa treo trên vách thì có một tiếng sét nổ vang. Mặt đất chuyển rung. Đèn điện vụt tắt. Tiếng cô Thoa rú lên vẻ hoảng hốt. Kỹ sư Khoa nhào lại phía bàn làm việc định mở ngăn kéo tìm cái bật lửa và cây nến thì chạm ngay phải cô Thoa. Cô Thoa vội ôm chặt lấy anh kỹ sư. Kỹ sư Khoa hoảng quá ú ớ kêu không lên lời. Cô Thoa thở hổn hển và cũng kêu những tiếng không rõ ràng. Kỹ sư Khoa luống cuống gỡ hai cánh tay cô Thoa đang ôm riết rất chặt lấy mình. Bàn tay của anh chạm ngay vào cặp vú mềm mại căng tròn của Thoa. Anh giật mình vì hình như đó là da thịt thật chứ không phải là qua một lớp vải. Kỹ sư Khoa vội rụt ngay tay lại như vừa chạm vào than bỏng. Nhưng cô Thoa thì lại cứ cố chà sát ấn khuôn ngực của mình vào tay anh. Khi kỹ sư Khoa còn đang cố giằng thoát ra khỏi vòng tay của cô gái thì điện bỗng bật sáng. Kỹ sư Khoa hốt hoảng khi nhìn thấy cô Thoa đã mở phanh hết cả ngực áo ra. Cô không mang áo ngực, cũng không thấy cái thứ đó rơi xuống đất. Thì ra cô đã có ý định từ trước khi vào phòng của anh kỹ sư. Cô cũng không lấy tay che ngực khi ánh điện bật sáng. Làn da của cô trắng như bột lọc dưới ánh đèn điện nê-ông xanh lét.
          Rất nhanh, kỹ sư Khoa gạt cô gái sang một bên rồi lao ra khỏi phòng giống như một tên ăn trộm bị bắt quả tang phải tháo chạy thoát thân.
          Cô Thoa đứng như trời trồng giữa phòng một lúc rồi mới lặng lẽ cài lại khuy áo…
          Tái bút: Tác giả rất tiếc là phải kết câu chuyện mà chưa làm rõ được vì sao từ một kỹ sư nông nghiệp giỏi như Khoa lại trở thành một gã làm nghề hoạn lợn rong? Bởi vì thằng cháu nội yêu quý lại đòi bế và chơi với nó. Thế là tôi lại có lý do tạm dừng câu chuyện ở đây để kéo thêm một phần nữa rồi. Hi…
                                                                         Hà Nội, tháng 3-2012
(Theo blog Trọng Bảo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét