16:12 Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2012: Chủ động kiềm chế lạm phát ở một con số (Chinhphu.vn) – Chiều ngày 1/4, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Thông tin tới đông đảo phóng viên báo chí, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình chung tháng 3 và quý I/2012 cho thấy, kinh tế vĩ mô đang ổn định và được kiểm soát đúng hướng. Chủ động điều hành ứng phó lạm phát Điều đó được thể hiện cụ thể qua một loạt các chỉ tiêu, chỉ số: Giá cả, thị trường khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2/2012; so với tháng 12/2011, CPI tháng 3 tăng khoảng 2,55%, là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, thanh khoản giữa các ngân hàng được giải quyết một bước căn bản, thanh khoản đối với nền kinh tế tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng có những bước cải thiện, lãi suất liên ngân hàng đều đã giảm. Xuất khẩu tăng cao, tỷ lệ nhập siêu thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu điều hành của cả năm và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ với các năm trước Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm nay tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Điều này gắn liền với việc nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Theo đó cũng cho thấy kinh tế vĩ mô tuy ổn định nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Mặc dù vậy, Bộ trưởng cho rằng, cần phải nhìn vào những tín hiệu và nếu phân tích sâu thì tình hình đang đi rất đúng hướng. Tuy quý I, chỉ số phát triển tăng trưởng chung của ngành công nghiệp, dịch vụ chậm hơn so với cùng kỳ nhiều năm nhưng từ tháng 3, tốc độ phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến tăng rất mạnh so với 2 tháng trước đó. “Điều này thể hiện một số chính sách của Chính phủ được điều hành kiên quyết từ cuối năm ngoái đến đầu năm 2012. Trong đó, việc điều hành xuất khẩu thể hiện ở kim ngạch không chỉ tăng cao mà đặc biệt là hàm lượng hàng hóa trong xuất khẩu, cụ thể là các mặt hàng thô giảm nhiều, ngược lại tỷ trọng hàng chế biến tăng cao, như điện tử, điện máy. Đây là tín hiệu rất tốt.”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói. Mặt khác, Bộ trưởng cho biết, tốc độ phát triển xây dựng cơ bản thấp. Đây chính là định hướng điều hành của Chính phủ không cho ứng vốn trước như mọi năm. Trong thời gian tới đây, khi điều hành phân bổ vốn theo đúng lộ trình của chương trình tái cơ cấu đầu tư công thì một loạt công trình được triển khai sẽ đẩy tốc độ xây dựng cơ bản tăng nhanh hơn, thúc đẩy sản xuất phát triển. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, “Quan trọng về điều hành vĩ mô chúng ta đã chuyển từ trạng thái thụ động ứng phó với lạm phát sang chủ động điều hành theo lạm phát mục tiêu và sẽ có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đã quyết nghị”. Xác định mục tiêu ưu tiên Về những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất là phấn đấu thực hiện duy trì tăng trưởng một cách hợp lý trong điều kiện phải kiềm chế được lạm phát, ổn định vĩ mô, trong đó lạm phát ở mức 1 con số, tăng trưởng khoảng 6%. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, để đạt được tốc độ tăng trưởng 6% và kiểm chế lạm phát ở mức 1 con số thì tổng phương tiện thanh toán cần tăng khoảng 15-17%, dư nợ tín dụng là 14-16%. Trong đó, chỉ tiêu cơ bản nhất là tốc độ tăng trưởng, muốn vậy phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nhưng vẫn phải giữ được cân bằng, không để lạm phát trở lại. Hiện nay tổng dự nợ tín dụng âm, điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thế (hiện có 2.200 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và có trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế). Theo Bộ trưởng, một số doanh nghiệp không tiếp cận được vốn của ngân hàng, một phần là do lãi suất cao nhưng cũng một phần vì ngân hàng phải xem xét khả năng của các doanh nghiệp, nếu phương án thu hồi vốn khả thi thì mới cho vay. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta đã thấy được những khó khăn nhưng cũng có cơ sở vững chắc, tin tưởng vào việc điều hành của Chính phủ để thực hiện các chỉ tiêu của Quốc hội đã đề ra trong năm nay. Tất cả các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát trong đó có những biện pháp về giá cả thị trường không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà còn theo lộ trình lâu dài để kinh tế vĩ mô ổn định, khắc phục được những căn bệnh lặp đi lặp lại như những năm trước đây và đạt được những kết quả vững chắc. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, về việc giãn thuế, trước đây Bộ Tài chính đã có đề xuất, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp góp ý những biện pháp giãn thuế vừa qua mới chỉ nhằm vào các doanh nghiệp có lợi nhuận chịu thuế, còn đối với các doanh nghiệp rất khó khăn chưa có lợi nhuận để được giãn thuế cũng cần có giải pháp về thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tái cơ cấu Vinashin để tiếp tục phát triển công nghiệp đóng tàu Về vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin là đảm bảo cho sự phát triển công nghiệp đóng tàu Việt Nam, tiến trình đã được Chính phủ thảo luận rất kỹ và có lộ trình cụ thể. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, vì việc tái cơ cấu nợ của Vinashin có liên quan đến các đối tác nước ngoài, các cơ quan trước đây cung cấp vốn cho Vinashin, do đó, trước hết, Tập đoàn Vinashin dưới sự hướng dẫn của Chính phủ đang thực hiện công tác này theo đúng lộ trình, chủ động, kết quả bước đầu đem lại những kết quả tích cực. Liên quan đến vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận rất cụ thể. Do đó, TP Hải Phòng và các bộ ngành liên quan cũng như các địa phương đang triển khai kết luận của Thủ tướng. TP Hải Phòng đã có báo cáo liên quan đến kế hoạch triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch đó, việc xử lý sẽ được hoàn thành từng bước, cụ thể sau 31/3, TP Hải Phòng sẽ có báo cáo kết quả lên Thủ tướng. Căn cứ vào đó, nếu thấy có vấn đề cần thiết, Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến. Đối với việc xem xét để giảm tội cho ông Đoàn Văn Vươn, Thủ tướng Chính phủ đã có kiến nghị đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và việc này sẽ được các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Mai Chi |
Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét