Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

10:01

Còn điều gì đó chưa rõ ràng?

Tại buổi họp báo chiều qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết sẽ chưa thu phí “Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” và phí “Lưu hành vào nội đô”. Mức phí sẽ được điều chỉnh thấp hơn và chỉ thu đối với 5 thành phố lớn. Số tiền dự kiến thu được khoảng 15 ngàn tỷ từ hơn 600 ngàn phương tiện cá nhân. Nghe những thông tin trên hẳn nhiều người chưa thể hết băn khoăn, nhất là những số liệu và đằng sau số liệu đó.
Khái niệm phương tiện cá nhân
Trước hết khái niệm “phương tiện cá nhân” được BT sử dụng, nhiều người sẽ nghĩ đây là những xe ô tô chỉ sử dụng cho mục đích cá nhân đi lại trên đường. Nếu vậy thì đương nhiên là nên hạn chế quá rồi còn gì, nhất là với những người chỉ dùng xe để đi tới công sở, đi du lịch đây đó… Nhưng, nếu chỉ số xe dùng vào mục đích như vậy tại 5 thanh phố lớn thì sao mà đến những hơn nửa triệu chiếc được? Khái niệm xe cá nhân được BT Thăng dùng thật tài tình! Liệu rằng xe của các cá nhân, đơn vị kinh tế tư nhân, các hãng tắc xi, vận tải tư nhân đang hàng ngày phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động liệu có nằm ngoài lượng “xe cá nhân” kia không? Nếu không tính lượng xe này và cả xe của các cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp kinh tế nhà nước mà lại thu được những 15 ngàn tỷ thì quả là việc cần làm ngay, không nên chậm trễ!
Sự bình đẳng
Vậy cứ coi những số liệu trên là đúng, chỉ có hơn 600 ngàn phương tiện cá nhân ở 5 thành phố lớn phải nộp 15 ngàn tỷ đồng tiền phí mỗi năm để góp phần “hạn chế phương tiện giao thông” cho cả nước thì câu chuyện về bình đẳng lại được đặt ra. Góp phần vào sự gia tăng phương tiện giao thông đâu chỉ có xe cá nhân? Lượng xe công, xe của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là bao nhiêu, ít hơn hay nhiều hơn 600 ngàn? Hiệu quả kinh tế mang lại cho nền kinh tế giữa xe cá nhân và xe công hiện nay là thế nào? Và những đơn vị, doanh nghiệp không phải đóng phí thì số lượng phương tiện sẽ giảm đi hay tăng lên. Một điều chắc chắn là nền kinh tế sẽ không còn sự cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước bởi con số 15 ngàn tỷ đồng phí sẽ góp phần “đè” kinh tế tư nhân xuống.
Sẽ diễn ra tình trạng lách luật
Như trên đã nói, chỉ thu phí hạn chế với xe cá nhân tại 5 thành phố lớn (tức là xe có đăng ký tại 5 thành phố này). Tôi tin rằng đến lúc đó, nhiều người thành phố sẽ về nông thôn mua xe để mang ra thành phố sử dụng nhằm tránh phải nộp phí. Hiện chưa có quy định nào cấm việc mua bán phương tiện cá nhân. Chính việc này sẽ gây thêm nhiều khó khăn, phức tạp trong việc quản lý phương tiện và việc thu phí cũng không dễ dàng. Mặt khác, liệu có xảy ra tình trạng các cá nhân tìm cách để có tấm đăng ký là xe của các công ty, doanh nghiệp nhà nước để trốn phí? Hệ lụy của việc này là sẽ xảy ra những tiêu cực rất khó kiểm soát.
Sự biện minh
Thu phí là chủ trương của Đảng, Quốc hội. Sau lời khảng định, BT Thăng đã viện dẫn các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tuy nhiên, các NQ của Đảng, QH chỉ là định hướng, là chủ trương. Nhiều người thoạt đầu cứ tưởng NQ yêu cầu phải thu các loại phí cụ thể nào, mức phí là bao nhiêu, nhưng không phải vậy. Chủ trương chỉ nêu cần có các biện pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng yếu kém về giao thông mà thôi. Từ Nghị quyết đến thực hiện bao giờ cũng có những khoảng cách. Mấy chục năm qua, Đảng ta chưa bao giờ ban hành những nghị quyết sai. Tuy nhiên trong thực hiện, không ít lần đã xảy ra sai phạm, thậm chí có những sai phạm nghiêm trọng. Một biện pháp hành chính được đưa ra không thể đồng nhất với chủ trương, chính sách của Đảng. Trước sự bức xúc của đại đa số người dân bởi một biện pháp không phù hợp thực tiễn, còn quá nhiều vấn đề đặt ra, thiết nghĩ cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng và bước đi phù hợp.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét