Chuyên gia: Chỉ cần một ‘quyết định
chính trị’, Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc
Cập
nhật lúc 10:33
Chuyên gia Bonnie Glaser, Cố vấn Cao cấp về Châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho VOA biết rằng trong nhiều năm qua Việt Nam đã “âm thầm” nỗ lực thu thập thông tin, bằng chứng, luôn ở tư thế sẵn sàng và chỉ cần có một “quyết định chính trị” được đưa ra thì sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông.
Chuyên gia Bonnie
Glaser, Cố vấn Cao cấp về Châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trao đổi trực tuyến với báo
giới hôm 27/05/2020 về chủ đề “An ninh Khu vực Biển Đông giai đoạn
Covid-19."
Tại cuộc trao đổi trực tuyến với báo giới do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức hôm 27/05 về chủ đề “An ninh Khu vực Biển Đông giai đoạn Covid-19,” trả lời câu hỏi VOA về việc Việt Nam có nên kiện Trung Quốc hay không, bà Glaser nói: “Tôi biết rằng trong nhiều năm qua Việt Nam đã âm thầm nỗ lực hết mình để tích lũy, thu thập thông tin và chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nếu có một quyết định chính trị được đưa ra bởi Việt Nam để tiếp tục xử lý hồ sơ này, tôi tin rằng họ đã sẵn sàng để làm như vậy.” Bà Glaser nhận định rằng đây là một điều quan trọng. Bà lý giải: “Điều này chắc chắn tùy Việt Nam quyết định thôi, quyết định về việc có nên và khi nào nên thực sự tiến hành khởi kiện. Và đến một lúc nào đó, nếu áp lực từ Trung Quốc đối với Việt Nam trở nên không thể chịu đựng được thì có lẽ Hà Nội sẽ xem xét đệ đơn khởi kiện.” Chuyên gia CSIS lập luận rằng giả sử như phán quyết của tòa quốc tuyên Việt Nam thắng kiện, dù phán quyết không thể thực thi, thì “Việt Nam chắc chắn sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ.” “Phán quyết sẽ thu hút sự chú ý của các quốc gia quan trọng trên thế giới trước hành động cưỡng bức mà Trung Quốc đang thực hiện.” “Nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các hành vi ứng xử của các quốc gia khác [đối với Trung Quốc]. Có lẽ nhiều quốc gia sẽ sẵn sàng tham gia, điển hình như hoạt động tự do hàng hải và lên tiếng chống lại các hành động cưỡng bức của Trung Quốc,” bà Glaser phân tích. Bà cũng nhắc lại trường hợp Philippines, mặc dù Philippines đã thắng kiện Trung Quốc năm 2016, và phía Trung Quốc bác bỏ phán quyết này, nhưng chính phủ mới được bầu dưới thời tổng thống Duterte đã quyết định không thúc đẩy việc thực thi phán quyết, thành ra việc thắng kiện không có tác động nhiều. Nhưng bà nhận định rằng “điều này có thể thay đổi trong tương lai.” Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông âm ỉ từ lâu đã đột ngột leo thang từ tháng 07/2019, sau khi Trung Quốc điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng đoàn tàu hộ tống vào hoạt động trong vùng biển chung quanh bãi Tư Chính. Vào vào ngày 06/11/2019, tại một hội nghị ở Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói Việt Nam sẽ ưu tiên chọn đàm phán, nhưng nếu đàm phán không mang lại kết quả, thì Việt Nam bắt buộc phải cân nhắc “những sự lựa chọn khác.” Hãng tin Reuters dẫn lời ông Lê Hoài Trung nói: “Chúng tôi hiểu rằng các biện pháp đó gồm tìm hiểu các tài liệu chứng minh, nhờ hòa giải, hàn gắn, thương thuyết, trọng tài và cả kiện tụng.” Sự kiện này được biết là lần đầu tiên Việt Nam đề cập đến khả năng khởi kiện. Chuyên gia về Biển Đông Bill Hayton của tổ chức Chatham House nhận định: “Đây là chuyển biến lớn về chính trị trong quan hệ Việt-Trung, nhưng có lẽ đó cũng là khả năng duy nhất còn lại đối với Việt Nam.” Hôm 30/03/2020, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã gửi một công hàm tới Tổng thư ký LHQ để trình bày một cách có hệ thống về lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý chính trên Biển Đông. Trước đó, vào ngày 12/12/2019, Trung Quốc đã gửi công hàm lên LHQ với nội dung phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của một quốc gia trong khu vực. Qua các phát biểu và công hàm chính thức qua lại theo kiểu “ăn miếng trả miếng” giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, một số ý kiến cho rằng “cuộc chiến ngôn từ” giữa hai nước đang có nhiều khả năng sẽ trở thành một cuộc chiến pháp lý chính thức khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng hoạt động khẳng định chủ quyền trong vùng biển tranh chấp. Vào cuối tháng 5/2020, một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng xã hội về việc Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đã thu hút hàng trăm ngàn lượt biểu quyết, và kết quả cho thấy gần tuyệt đại đa số (95%) ý kiến đồng tình. Về vai trò và sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông, chuyên gia CSIS cũng nhắc lại lập trường “trung lập” của Hoa Kỳ về các tranh chấp trên Biển Đông, nói rằng Washington “không đứng về bên nào” trong các tranh chấp này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng: “Sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông về cơ bản có thể ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược, chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.” Mới đây trong công hàm đề ngày 01/06/2020 gửi đến LHQ, Hoa Kỳ đã bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo trên Twitter hôm 02/06: “Hôm nay, Hoa Kỳ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển.”
Theo VOA
|
Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét