Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Quận Tây Hồ, TP Hà Nội: Con dâu “khai tử” bố mẹ chồng để “cướp” tài sản

Cập nhật lúc 14:07 

 

Cụ Đỗ Văn Hợp và vợ là cụ Nguyễn Thị An (đều 89 tuổi), ở số 60 ngõ 399 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ bức xúc vì bị con dâu cùng với sự “tiếp tay” của công chứng viên Nguyễn Thanh Tú, Phòng Công chứng số 3 TP Hà Nội và UBND phường Nhật Tân “khai tử” để chiếm đoạt tài sản thừa kế,...

Theo cụ Hợp, ông Đỗ Mạnh Tiến, con trai cụ chết năm 2005 vì mắc bệnh hiểm nghèo. Ngày 11/8/2006, bà Vũ Thị Viễn (vợ ông Tiến) đến Phòng Công chứng số 3 TP Hà Nội để làm thủ tục nhượng quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế. Tại đây, bà Viễn khai người thừa kế của ông Tiến chỉ có bà Viễn và 2 con là (Đỗ Thị Mai, Đỗ Thị Thanh Hoa), còn cụ Hợp và cụ An, bố mẹ của ông Tiến, bà Viễn khai đã chết. Văn bản công chứng về nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thửa kế số: 186.2006/KNDSTK, ngày 11/8/2006 do Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú kí. Sau đó, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế, trong đó có thông tin cụ Hợp, cụ An đã chết.
Trước đó, năm 1998, cụ Hợp và cụ An có hứa chia cho ông Tiến 185m2 đất (120m2 đất ở, 65m2 đất vườn), thửa số 70+70A tờ bản đồ số 19 thuộc tổ 7 cụm 1 phường Nhật Tân (số mới 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ). Tuy nhiên, hai cụ vẫn chưa sang tên mảnh đất trên cho ông Tiến (mảnh đất vẫn đứng tên cụ Hợp và cụ An).
Năm 2015, bà Viễn kí hợp đồng chuyển nhượng nhà đất số 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân cho ông Nguyễn Nghĩa và bà Hoàng Thùy Linh. Lúc này cụ An, cụ Hợp mới “tá hỏa” và làm đơn gửi các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Sau khi làm Văn bản công chứng về nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thửa kế; hợp đồng chuyển nhượng bị vỡ lở, bà Viễn cũng “bặt vô âm tín”(!?).


Cụ An, cụ Hợp đến UBND phường Nhật Tân đòi lại quyền lợi.
Cụ Hợp cho biết: “Khi Phòng Công chứng số 3, UBND phường Nhật Tân thấy chị Viễn khai, tôi và vợ tôi đã chết thì phải đi xác minh chứ? Vợ chồng tôi chết thì phải có giấy chứng tử? Phải chăng ông Nguyễn Thanh Tú, công chứng viên Phòng Công chứng số 3, ông Nguyễn Văn Thành, nguyên cán bộ tư pháp UBND phường Nhật Tân cố tình “tiếp tay” cho chị Viễn để làm giấy tờ cướp mảnh đất của vợ chồng tôi?”
Ngày 13/2/2018, Sở Tư pháp TP Hà Nội có Thông báo số 17/TB-STP về kết quả giải quyết tố cáo. Theo đó, công chứng viên Nguyễn Thanh Tú thực hiện công chứng Văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế số công chứng: 186.2006/KNDSTK, khi bà Vũ Thị Viễn trình bày bố mẹ chồng (cụ Hợp và cụ An) đã chết nhưng không cung cấp được Giấy chứng tử… Ngoài ra, thời gian trong Phiếu yêu cầu công chứng của bà Viễn đề ngày 11/8/2006, cùng ngày công chứng viên thực hiên công chứng Văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thửa kế số:186.2006/KNDSTK là không phù hợp, bởi Thông báo về việc khai nhận di sản của Phòng Công chứng số 3 là ngày 4/7/2006 (trước thời gian ghi trong Phiếu yêu cầu Công chứng). Như vậy, công chứng viên Nguyễn Thanh Tú chưa thực hiện đầy đủ nguyên tắc khi thực hiện công chứng... khi tiếp nhận thông báo có nội dung “cha, mẹ của ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết”. Phường Nhật Tân với trách nhiệm là cơ quan đăng kí và quản lí hộ tịch tại địa phương thiếu việc kiểm tra thông tin nên không phát hiện, để phản ánh cho cơ quan thực hiện công chứng về nội dung không chính xác trong thông báo.
Việc công chứng Văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thửa kế số: 186.2006/KNDSTK ngày 11/8/2006 bỏ sót người được hưởng di sản thừa kế như đã nêu trên thuộc trách nhiệm công chứng viên Nguyễn Thanh Tú… và một phần trách nhiệm thuộc về phường Nhật Tân. Hiện công chứng viên Nguyễn Thanh Tú đã thôi việc, không thuộc quản lí của Sở Tư pháp TP Hà Nội. Do vậy không có cơ sở để xem xét xử lí công chứng viên Nguyễn Thanh Tú theo quy định pháp luật về công chức.
Đáng ra ở tuổi 89, cụ Hợp, cụ An được hưởng hạnh phúc bên gia đình, con cháu. Nhưng hiện hai cụ vẫn phải lặn lội khắp nơi để kêu cứu, để chứng minh mình vẫn còn sống. Đúng là chuyện lạ giữa Thủ đô, người đang còn sống mà không một cơ quan nào thừa nhận!? Ngày 25/6 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp đòi nhà ở; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, cụ An, cụ Hợp là người có liên quan. Với tinh thần thượng tôn pháp luật chắc chắn một bản án đúng pháp luật sẽ được tuyên, cũng như việc cụ An, cụ Hợp còn sống sẽ được Tòa trả lại danh dự cho các cụ.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội:
Trong vụ việc này, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã có kết luận nội dung tố cáo của cụ Hợp và cụ An, liên quan đến những sai phạm trong việc công chứng Văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế của công chứng viên Nguyễn Thanh Tú là có cơ sở. Do việc công chứng có thiếu sót gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của hai cụ. Tuy nhiên, hiện vụ việc đang được TAND TP Hà Nội giải quyết, do đó việc kết luận đối với Văn bản công chứng phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật. Cụ thể, nếu có căn cứ xác định Văn bản khai nhận di sản thừa kế không đúng quy định pháp luật, thì Tòa án sẽ có quyền tuyên hủy Văn bản công chứng theo yêu cầu của đương sự, đồng thời yêu cầu công chứng viên bồi thường thiệt hại, trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu.
Theo quy định tại Điều 70 Luật Công chứng về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh và các Sở Tư pháp trong công tác quản lí nhà nước về công chứng thì Sở Tư pháp chịu trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lí nhà nước về công chứng tại địa phương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định...
Do đó, trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực công chứng thì Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết theo đúng quy định pháp luật, trường hợp có dấu hiệu hình sự thì Sở Tư pháp cần có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền
(Theo Ngaymoionline.com.vn) Hoàng Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét