Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

VIETNAM AIRLINES BỊ “MẤT MÁU” ĐỘT NGỘT, CẦN “BƠM” VỐN KHẨN CẤP!

Cập nhật lúc 07:45             
Theo ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, dự kiến cả năm 2020 doanh thu của hãng giảm khoảng 50.000 tỷ đồng, lỗ gần 20.000 tỷ đồng. Mặc dù đã cắt giảm mọi chi phí có thể, hãng vẫn lỗ khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng.

Riêng phần tiền hoàn vé cho khách mua vé trước dịch ông Hiền cho biết đó là con số rất lớn. “Từ giữa tháng 2 đến tháng 3, Vietnam Airlines phải hoàn lại 4.000 tỷ đồng, hãng gần như bị “mất máu” rất đột ngột” - ông Hiền cho hay.
Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines cũng thông tin, hàng tháng hãng mất tới 2.100 tỷ đồng chi phí cố định, trong đó chủ yếu là thuê máy bay với số tiền 1.300 tỷ đồng và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa máy bay, nhân công.
Nếu không được Chính phủ “bơm” vốn thì tới tháng 8 Vietnam Airlines sẽ cạn kiệt dòng tiền 
Hiện nay, Vietnam Airlines đang khôi phục nhanh thị trường nội địa, trong tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua sản lượng cung ứng ra thị trường và khách vượt so với năm trước. Tuy nhiên, doanh thu bình quân vẫn giảm 50% do doanh thu từ thị trường quốc tế chưa thể khai thác trở lại, trong khi đó thị trường quốc tế chiếm tới 65% doanh thu của Vietnam Airlines.
“Nếu không có bơm vốn của Chính phủ thì tháng 8/2020 hãng sẽ hết tiền” - Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines khẳng định và cho biết hãng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 0%.
“Đây là lãi suất mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ” - ông Hiền nói.
Vietnam Airlines cũng đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Nhà nước sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hoặc giao SCIC/doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng.
Về trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021 - 2025.
Mặc dù đưa ra kiến nghị nói trên nhưng Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines cho biết đang gặp những vướng mắc về pháp lý khi vận dụng theo các quy định của luật pháp hiện hành, do vậy cần phải có các quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để xử lý phù hợp với tình huống khẩn cấp.
Ông Hiền cho rằng, hàng không là ngành tác động trực tiếp đến nhu cầu đi lại, đời sống của người dân và ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của nhiều ngành kinh tế khác. Nhà nước cứu Vietnam Airlines chính là cứu “đứa con” của mình do Nhà nước nắm giữ 86% vốn. Điều này cũng giống như với các hãng khác sẽ phải xin hỗ trợ từ cổ đông.
“Vietnam Airlines không xin bơm tiền Nhà nước mà vay sẽ trả. Hãng thừa khả năng trả do cân đối tổng tài sản trên 70.000 tỉ đồng” - ông Hiền nhấn mạnh.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), hàng không thế giới sẽ bị giảm doanh thu 419 tỷ USD, dự kiến các hãng hàng không lỗ 84 tỷ USD, đến năm 2021 vẫn lỗ 16 tỷ USD, Tới giữa năm 2022, ngành hàng không mới quay trở về được “thể trạng” như năm 2019.
Cần phải nói thêm rằng, trên thế giới đã có nhiều hãng hàng không tuyên bố phá sản và dừng hoạt động do thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19. Tại Việt Nam, hàng không quốc gia dự kiến cần 9 tỷ USD.
Ở khu vực Đông Nam Á, Hãng hàng không quốc gia Thái Lan (Thai Airways) từng đệ đơn lên Chính phủ xin phá sản, tuy nhiên Chính phủ nước này sau đó đã đồng ý với kế hoạch tái cấu trúc để cứu hãng hàng không này.
Chính phủ Nhật Bản đã triển khai gói giải cứu tương đương 22% doanh thu của hãng hàng không với 89 tỷ USD, Singapore là 11 tỉ USD. Tại Việt Nam, hàng không dự kiến cần gói hỗ trợ 9 tỷ USD.
(Theo Dân Trí) Châu Như Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét