Đường
9 đoạn và yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc
Cập nhật lúc 15:30
Yêu sách Tứ Sa là mới hay đã thay thế yêu sách đường 9
đoạn đã bị phán quyết Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016 bác bỏ? Câu
hỏi này cần được làm rõ.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chia sẻ quan điểm
với Tuần Việt Nam:
Đường 9 đoạn
lần đầu được đưa lên diễn đàn Liên hợp quốc trong công hàm ngày 7/5/2009
của Trung Quốc để phản đối hồ sơ chung ranh giới ngoài thềm lục địa của
Malaysia và Việt Nam trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc
(CLCS).
Yêu sách không có phạm vi rõ ràng
Yêu sách Tứ Sa
được nhắc đến rộng rãi trong các công hàm của Trung Quốc từ tháng 12/2019 đến
nay liên quan đến cuộc chiến công hàm về đệ trình một phần ranh giới thềm lục
địa phía Bắc của Malaysia lên CLCS ngày 12/12/2019. Yêu sách Tứ Sa là mới hay
đã thay thế yêu sách đường 9 đoạn đã bị phán quyết Tòa trọng tài vụ kiện
Biển Đông năm 2016 bác bỏ? Câu hỏi này cần được làm rõ.
Trước hết,
Trung Quốc vẫn nhất quán yêu sách không có phạm vi rõ ràng về “chủ quyền
không thể tranh cãi trên tất cả các đảo trong Biển Đông.và các vùng nước kế
cận và được hưởng các quyền chủ quyền và tài phán trên các vùng nước thích
ứng cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng”.
Trong năm 2009,
Trung Quốc đưa ra bản đồ 9 đoạn để minh chứng cho yêu sách của mình
mà không có sự giải thích nào. Đã có nhiều cách giải thích từ các học giả.
Con đường này có thể được coi là biên giới quốc gia, yêu sách toàn bộ
các đảo và đặt tất cả vùng nước trong phạm vi của nó dưới chế độ nội
thủy. Đây có thể chỉ là yêu sách các đảo trong phạm vi
của đường và vùng nước kế cận chỉ các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa mà các đảo đá được hưởng theo Công ước.
Tòa trọng tài
vụ kiện Biển Đông cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy Trung Quốc có các
quyền lịch sử đối với tài nguyên trong các vùng nước thuộc phạm vi đường
9 đoạn và nếu có thì các quyền lịch sử này cũng đã bị thay thế bới các
quy định về các vùng biển của Công ước Luật biển 1982. Tòa bác bỏ yêu sách
vùng nước trong phạm vi đường 9 đoạn và không đề cập tới yêu sách
đảo trong đó.
Ba công thức trong cuộc chiến công hàm
Trong cuộc
chiến công hàm 2019-2020, Trung Quốc không đề cập đến
đường 9 đoạn, đối tượng phân tích và bác bỏ của phán quyết mà
sử dụng 3 công thức phát biểu.
Thứ nhất là
công thức “Trung Quốc có chủ quyền trên Nam hải chư đảo, bao gồm Đông
Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa; Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp
giáp lãnh hải trên cơ sở Nam hải chư đảo; Trung Quốc có vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa trên cơ sở Nam hải chư đảo; Trung Quốc có các
quyền lịch sử tại Biển Đông”. Đây là công thức được nêu trong
công hàm ngày 12/12/2019 gửi Malaysia.
Yêu sách này
nêu khái niệm Nam hải chư đảo, bao gồm cả quần đảo Macclefield đang chìm
dưới nước. Khái niệm này đã được nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc
năm 2014, Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc năm 2016 và trước đó
trong luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992. Nó được
gọi bằng tên Tứ Sa (Four Sha) trong trao đổi với quan chức Bộ Ngoại giao
Mỹ năm 2017 nên được một số học giả cho là quan điểm mới nhằm hợp pháp hóa
yêu sách của Trung Quốc sau phán quyết Biển Đông 2016 bằng cách sử dụng ngôn
ngữ gần giống với các thuật ngữ UNCLOS.
Khái niệm này
cũng không kém phần không rõ ràng như đường 9 đoạn. Bằng cách
sử dụng số ít thay cho số nhiều trong câu “Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh
tế và thềm lục địa trên cơ sở Nam Hải chư đảo”, hoàn toàn có thể giải thích
Trung Quốc có thể vẽ đường cơ sở quần đảo cho cả Nam Hải chư đảo chứ không
phải chỉ cho từng quần đảo như đã làm với Hoàng Sa.
Công thức thứ
hai đề cập riêng từng quần đảo như trong công hàm ngày 23/3/2020 đáp lại
Philippines, Trung Quốc lại chỉ nêu yêu sách Nam Sa cùng bãi cạn Hoàng Nham
(Hyangyan Dao) và vùng nước kế cận.
Công thức thứ
ba sử dụng cả tên Nam Hải chư đảo và tên quần đảo riêng biệt như Tây Sa
(Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) như trong công hàm
ngày 17/4/2020 đáp lại Việt Nam: “Trung Quốc có chủ quyền trên Tây Sa, Nam Sa
và các vùng nước kế cận... Chủ quyền Trung Quốc trên Nam Hải chư đảo và
các quyền và lợi ích biển của chúng đã được thiết lập trong quá trình
thực tiễn lịch sử lâu dài và nhất quán với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương
Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982” hay như Nam
Hải chư đảo bao gồm Nam Sa (Trường Sa) trong công hàm gửi Indonesia ngày
2/6/2020 và ngày 18/6/2020: “Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Hải chư đảo
(bao gồm Nam Sa quần đảo - Trường Sa của Việt Nam) và các vùng nước
kế cận.
Trên cơ sở Nam
Hải chư đảo, Trung Quốc có vùng nước nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải,
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc có các quyền lịch sử tại
Biển Đông. Chủ quyền Trung Quốc trên Nam Hải chư đảo và các quyền và lợi ích
biển của chúng đã được thiết lập trong quá trình thực tiễn lịch sử lâu dài và
nhất quán với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước
Luật biển 1982”... Các công thức này ngụ ý khả năng vẽ đường cơ sở quần đảo
cho riêng từng quần đảo hay mỗi thực thể có những vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa riêng.
Biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp
Dù theo công
thức nào thì Nam Hải chư đảo thực chất là yêu sách đường 9 đoạn
song thay vì yêu sách vùng nước dựa trên cơ sở quyền lịch sử trong
đường 9 đoạn, Trung Quốc đã kết hợp cách giải thích sai trái Công
ước Luật biển để đòi cho các đá, thậm chí các bãi nửa nổi nửa chìm, các thực
thể luôn chìm có quyền có các vùng biển 200 hải lý và thềm lục địa, tạo chồng
lấn với các nước khác và nhằm mục tiêu bác bỏ phán quyết.
Yêu sách Tứ Sa
thực chất chỉ là bổn cũ soạn lại. Nó cũng mù mờ không kém gì
đường 9 đoạn. Song cách giải thích cực đoan về các vùng biển từ
đường cơ sở quần đảo vẽ cho Tứ Sa cho phép Trung Quốc mở rộng quyền lực ra cả
các vùng nước bên ngoài đường 9 đoạn.
Chính vì vậy
Trung Quốc không nói có tranh chấp với Indonesia ở vùng biển ngoài Natura nơi
đường 9 đoạn có thể chạm nhẹ vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia
xác định phù hợp với Công ước Luật biển mà sử dụng từ “chồng lấn tại một số
phần biển với Indonesia”.
Trung Quốc đang
tiếp tục chiến thuật biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp và cố tình
tạo quan điểm mù mờ, không giải thích nhằm kích động đối phương, tạo vấn đề
mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa sự hiện diện và thiết lập hai
khu vực hành chính mới ở Biển Đông. Các hành động này đều trái với Hiến
chương Liên hợp quốc và Công ước Luật biển 1982.
Đường 9
đoạn hay Tứ Sa thì vẫn là một và các nước xung quanh Biển Đông cần hết
sức cảnh giác với các bước đi mới của Trung Quốc.
(Theo VietNamNet) Nguyễn Hồng
Thao
|
Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét