TS
Lê Hồng Sơn: Nên đóng cửa hay bán trường chuyên?
Cập nhật lúc 10:46
Người ta còn chạy chọt làm đẹp học bạ cho con ngay từ khi học tiểu
học; khi tuyển vào trường chuyên ,yếu tố tiêu cực không phải là hiếm.
Đó là quan điểm của TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục
Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp trước đề xuất đóng cửa hoặc bán trường Amsterdam
Hà Nội.
Để rộng đường dư luận, báo Đất Việt xin đăng tải bài viết
thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Sau khi được biết ý kiến của TS Nguyễn Đức Thành, nguyên
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), của GS.TS Phạm Tất
Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và một số ý kiến khác về những bất
cập, hạn chế của hệ thống trường chuyên ở Việt Nam hiện nay, bản thân tôi
cũng giật mình, suy ngẫm khá nhiều điều về vấn đề này.
Quả thật, tôi là dân trường chuyên. Trong gia đình tôi có
hai người là học sinh trường chuyên là tôi và cậu em ruột của tôi. Vì thế mà
chúng tôi đã có một tình cảm khá sâu đậm với trường chuyên, đó là niềm tự hào
và là một dấu ấn rất đặc biệt của thời học sinh cấp 3 của chúng tôi.
Cá nhân tôi cũng đã nhận thấy trong một số năm gần đây
những biến tướng, tiêu cực xuất hiện khá phổ biến trong hệ thống các trường
chuyên trên toàn quốc. Đấy là một thực tế khó phủ nhận. Những tiêu cực, biến
tướng, lạm dụng ít hay nhiều đều tồn tại ở hệ thống trường chuyên của các
tỉnh. Không chỉ ở trường chuyên Amsterdam Hà Nội như vài ý kiến đã nêu. Có
thể nói trường chuyên ngày xưa khi chúng tôi còn theo học với trường chuyên
bây giờ có khá nhiều điểm khác nhau khá cơ bản.
Nhìn nhận đánh giá thế nào về vai trò của trường chuyên
phải có cái nhìn khách quan, toàn diện chứ không thể đơn thuần phủ nhận,
xổ toẹt những cống hiến, đóng góp của trường chuyên cho hệ thống giáo dục -
đào tạo, vườn ươm cho những người có năng khiếu, có tố chất vượt trội của
tuổi học trò trong thời kỳ trước đây, và đặc biệt là cơ chế và giải pháp nào
cho hệ thống trường chuyên hiện nay? Tôi muốn góp tiếng nói của mình trong
dòng các quan điểm đánh giá và cũng mong muốn đưa ra giải pháp về trường
chuyên hiện nay với tư cách là một cựu học sinh trường chuyên.
Thứ nhất, mô hình trường
chuyên hiện nay chỉ là một trong khá nhiều vấn đề cần phải xem xét lại trong
ngành giáo dục - đào tạo của Việt Nam. Nhìn nhận một cách khách quan, toàn
diện trong hệ thống giáo dục - đào tạo của Việt Nam hiện nay, lâu nay dư luận
đã đặt vấn đề, nêu lên khá nhiều những bất cập, thậm chí nhiều tiêu cực, hạn
chế. Vậy bàn mãi, nói mãi tới giờ mà vẫn chưa có được giải pháp căn cơ, giải
quyết tận gốc rễ của vấn đề.
Thậm chí có một số vấn đề khá cơ bản được coi như những căn
bệnh mãn tính, khó khắc phục. Chỉ cần nói đến thế thì mọi người sẽ nhớ đến
hàng loạt những ý kiến nêu ra những bất cập, hạn chế, thậm chí yếu kém, tiêu
cực trong hệ thống giáo dục - đào tạo của Việt Nam trong một số năm gần
đây.
Theo nhìn nhận và đánh giá của tôi cũng như của nhiều
người mà tôi biết, đáng tiếc là hàng loạt vấn đề nêu trên dù được nói đến từ
rất lâu rồi, nhưng những biện pháp để khắc phục, hạn chế, để giải quyết những
bất cập, thiếu sót chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí có những hạn
chế, thiếu sót ngày càng trầm trọng hơn đặc biệt là tiêu cực, tham nhũng vặt
trong hệ thống giáo dục - đào tạo ở nước ta.
Tôi có cảm giác như nó là cả hệ thống có sự cấu kết, liên
hệ khá chặt chẽ, buộc những người trong cuộc bị lôi kéo ngay vào trong cơ chế
tiêu cực đó. Nếu không sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Vấn đề này tôi không cần
phải nói nhiều, các phụ huynh, học sinh đều đã hiểu và thấm cơ chế tiêu cực,
cơ chế tham nhũng vặt trong hệ thống giáo dục đào tạo. Đặc biệt có một vấn đề
lớn đó là chuẩn đầu vào và chất lượng đầu ra của các nhánh trong hệ thống
giáo dục, đào tạo hiện cũng là vấn đề lớn, gây nhức nhối, bất bình trong xã
hội.
Chuẩn đầu vào đang bị nhiều tác động tiêu cực và nhiều sức
ép làm cho chuẩn này ngày càng bị hạ thấp. Nhiều trường hợp trúng tuyển vào
để được đào tạo có tiêu chuẩn thấp đến đáng quan ngại. Đặc biệt, chất lượng
đầu ra theo nhìn nhận của tôi và của nhiều người, ngày càng bị hạ thấp ở một
số nơi, một số trường.
Những tiêu cực, hạn chế, thiếu sót này từ đâu ra, phải nói
thẳng là có nguyên nhân từ cả hệ thống, từ tất cả các yếu tố, các nhân tố
tham gia vào đây, bao gồm từ nhận thức của xã hội, của các nhà quản lý,
của người học, gia đình người học, nhà trường và cả giáo viên “những kỹ sư
tâm hồn” trong hệ thống đào tạo này. Một số người coi nhà trường, nơi đào tạo
như bát cơm, manh áo để tồn tại, kiếm sống. Đặc biệt chuẩn đầu ra hiện nay
còn gần như đã vào được là không khó khăn lắm cũng ra được và cũng có tấm
bằng như ai. Mặc dù tiêu chuẩn chất lượng của một bộ phận không nhỏ những
người đang sở hữu những tấm bằng đó đang bị hạ thấp một cách đáng sợ, đáng lo
lắng.
Vấn đề kiểm định, đánh giá chất lượng đầu ra của các hệ
thống giáo dục - đào tạo cũng đang là một nỗi băn khoăn, day dứt lớn của cả
xã hội mà từ khá lâu rồi chúng ta chưa nâng cao được, chưa khắc phục được. Ở
góc độ tổng thể, tôi thấy, một trong những nguyên nhân rất cơ bản là chúng ta
lúng túng trong việc xác định cơ chế chuyển đổi từ tập trung - bao cấp trước
đây sang cơ chế thị trường định hướng XHCN trong hệ thống giáo dục - đào tạo.
Rất rõ ràng là sau bao nhiêu năm trăn trở tìm các giải pháp, thì hiện nay vấn
đề chất lượng và cơ chế đào tạo trong hệ thống giáo dục- đào tạo vẫn là một
nút thắt chưa giải quyết được một cách thấu đáo, triệt để theo chủ trương,
mong muốn của những người lãnh đạo cũng như mong muốn của cả xã hội.
Theo tôi, chủ trương và quan điểm đã khá rõ nhưng giải
pháp thì vẫn lúng túng như “gà mắc tóc”. Trong hệ thống giáo dục- đào tạo của
nước ta cũng phải thừa nhận rằng có một số điểm sáng, điểm tích cực nhưng
những điểm sáng, điểm tích cực đó còn khá hạn chế, khá cá biệt. Trong tổng
thể đó, thì hệ thống trường chuyên của Việt Nam tồn tại từ mấy mươi năm nay,
cũng phải được đặt ra để thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng một cách
thật khách quan, toàn diện để đề ra giải pháp phù hợp với điều kiện hiện nay
là vấn đề rất đáng quan tâm. Cá nhân tôi rất hoan nghênh ý kiến của TS Nguyễn
Đức Thành và GS.TS Phạm Tất Dong cũng như một số ý kiến khác.
Thứ hai, thật khách quan
và trung thực mà nói, thì đã có thời kỳ hệ thống trường chuyên, đặc biệt là
hệ thống trường chuyên tại các tỉnh phía Bắc trong thời kỳ xây dựng miền Bắc,
đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chủ trương xây dựng và
duy trì hệ thống trường chuyên trong những năm đó là hoàn toàn đúng đắn, giữ
vai trò rất tích cực trong phát hiện, đào tạo những học sinh có "năng
khiếu", có tố chất vượt trội cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cả xã hội đều ghi nhận và thừa nhận vai trò của hệ thống trường chuyên trong
thời kỳ này.
Nhìn rộng ra, cũng giống như việc Đảng và Nhà nước xây
dựng hệ thống trường để nuôi dạy và giáo dục con em cán bộ miền Nam trên đất
Bắc, việc xây dựng các trường mang tên Nguyễn Văn Trỗi ở trên một số tỉnh
miền Bắc cũng như gửi sang một số nước bạn để nuôi dạy, giáo dục đào tạo con
em cán bộ miền Nam và một số những trường chuyên chuyên biệt khác nhằm đào
tạo một lực lượng kế cận phục vụ cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, đấu tranh
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một thành công đáng ghi nhận.
Có thể nói, nhờ có hệ thống này mà nhà nước ta đã nuôi
dạy, đào tạo được một lực lượng không nhỏ cán bộ tương lai phục vụ cho sự
nghiệp chung. Riêng trong hệ thống trường chuyên, ngay trong trường chuyên
của tỉnh tôi mà tôi là một học sinh, một thực tế rất đáng ghi nhận, là học
sinh của các trường cấp 2, cấp 3 khi được tuyển chọn đều là những học sinh có
năng khiếu, có tố chất vượt trội để tham gia thi học sinh giỏi ở huyện, tỉnh
và toàn miền Bắc. Đây là cơ chế được thực hiện một cách rất tự nhiên và khách
quan,trung thực nhằm lựa chọn những học sinh có năng khiếu, có tố chất vượt
trội để tham gia vào các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi. Đặc biệt là lựa chọn
học sinh giỏi của tỉnh và của toàn miền Bắc trong thời kỳ đó.
Theo nhìn nhận của cá nhân tôi, thời kỳ này không có những
yếu tố tiêu cực, những tác động vì lợi ích cá nhân trong việc tuyển chọn, lựa
chọn những học sinh có năng khiếu, có tố chất vượt trội vào hệ thống trường
chuyên hay đi thi học sinh giỏi. Những yếu tố “nhân tạo”, những tác động tiêu
cực vì lợi ích cá nhân thì hầu như cả xã hội lúc đó không quan tâm đến và
cũng không thực hiện trên thực tế.
Chúng tôi tham gia thi học sinh giỏi và được lựa chọn,
triệu tập học vào các trường chuyên một cách hết sức tự nhiên từ chất lượng
của từng học sinh một. Tôi nhớ khi đó, đi thi học sinh giỏi huyện hay học
sinh giỏi tỉnh, thậm chí thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, việc học thêm,
luyện thêm cũng rất hạn chế. Thầy giáo bộ môn chỉ gọi các học sinh trong đội
tuyển đến nhà để bồi dưỡng một số buổi. Thầy không hề lấy một đồng xu nào của
người học. Thậm chí gia đình thầy còn luộc những rổ khoai, sắn cho học sinh
ăn cho đỡ đói khi cùng thầy luyện thi.
Chỉ đến khi tham gia vào đội tuyển của tỉnh để thi học
sinh giỏi toàn miền Bắc (toàn quốc bây giờ) thì chúng tôi mới được tỉnh tập
trung để luyện thi trong một thời gian khá ngắn. Việc lựa chọn người tham gia
vào đội tuyển thi học sinh giỏi ở cấp độ cao nhất ấy cũng rất vô tư, khách
quan, rất tự nhiên theo tố chất thật sự của từng học sinh. Đấy là những kỷ
niệm rất đẹp, rất trong sáng của chúng tôi khi tham gia vào đội tuyển thi học
sinh giỏi các cấp của thời kỳ đó.
Xin khẳng định lại là cơ chế tuyển chọn, luyện thi của các
học sinh trong đội tuyển của nhà trường, của huyện, của tỉnh đều rất trong
sáng, rất tự nhiên, rất trung thực, rất vô tư kể cả thầy lẫn trò.
Những năm gần đây thì tình hình lại khác rồi. Hiện tượng
người ta chạy chọt, lo cho con để được tham gia thi học sinh giỏi, người ta
chạy chọt, lo cho con đoạt giải là một thực tế không thể phủ nhận. Thậm chí
người ta còn chạy chọt lo cho con làm đẹp học bạ ngay từ khi học tiểu học,
khi được tuyển vào trường chuyên thì yếu tố “nhân tạo”, yếu tố tiêu cực cũng
không phải là hiện tượng cá biệt. Tôi được biết, con em một số nhân vật có
quyền, một số gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, người ta quan tâm để
bằng mọi cách được tuyển chọn vào trường chuyên. Hậu quả là, ngay trong
trường chuyên, vẫn tồn tại những học sinh có tố chất bình thường, không có
năng lực vượt trội gì cả.
Thậm chí, dư luận còn nói nhiều đến việc, người ta
đã đặt giá cụ thể cho các trường hợp vào trường chuyên A, chuyên B, chuyên C,
kể cả lớp chọn 1, chọn 2, hay chọn 3 thì có giá như thế nào? Giá cả được công
khai ở mức độ nhất định, phần lớn xã hội đều biết, phần lớn phụ huynh đều biết
và những ai muốn được tham gia vào cơ chế đó thì chỉ cần bỏ tiền ra, chỉ cần
sử dụng một số mối quan hệ đặc biệt sẽ được đáp ứng. Nói không quá và
cũng không ngoa rằng cơ chế tuyển chọn trường chuyên với khá nhiều trường hợp
cũng giống như món hàng mua bán ở chợ, bị thị trường hóa.
Tôi biết khá nhiều trường hợp cụ thể như thế này. Với tư
cách là cựu học sinh trường chuyên cấp tỉnh thời kỳ trước đây, tôi khá băn
khoăn và cũng khá buồn. Xã hội thì người ta nói hiện tượng này như một chuyện
hài và một thực tế đương nhiên phải chấp nhận theo cơ chế thị trường khi muốn
đưa con em vào trường chuyên.
Thứ ba, những ý kiến
phản ánh của cả TS Nguyễn Đức Thành và GS.TS Phạm Tất Dong khá thuyết phục,
theo tôi nguyên nhân chính là ở chỗ tình hình, điều kiện đã có những thay đổi
cơ bản, cần xem lại mô hình này. Sự thay đổi của cơ chế đã được đọc vị, nhưng
đây là một quá trình, một thời đoạn mang tính lịch sử để chuyển đổi từ cơ chế
“xã hội chủ nghĩa bao cấp” sang “cơ chế thị trường định hướng XHCN”. Cần một
thời gian khá dài để thay đổi trong phạm vi tổng thể và toàn diện của cả xã
hội, trong đó lĩnh vực giáo dục – đào tạo và đặc biệt cơ chế với trường
chuyên.
Trường chuyên thời chúng tôi còn theo học khác với trường
chuyên bây giờ khi mà bị cơ chế thị trường, những tác động tiêu cực mang tính
“nhân tạo” chi phối khá nhiều. Sự thay đổi này không phải một chốc, một lát
mà là cả một quãng thời gian dai dẳng. Học sinh vào được trường chuyên như
những năm 70, 80 của thế kỷ trước được tuyển chọn theo những tiêu chuẩn, yếu
tố hình thành tố chất, năng lực tự nhiên. Việc tuyển chọn học sinh giỏi
vào đội tuyển các kỳ thi học sinh giỏi các cấp cũng được các trường chuyên
thực hiện một cách rất tự nhiên, trung thực, trong sáng.
Như tôi đã nói, thời chúng tôi còn theo học là một cơ chế
hoàn toàn tự nhiên, rất đẹp đẽ, rất đáng tự hào đối với các học sinh trường
chuyên. Còn bây giờ thì sao? Các ý kiến mà công luận đã phản ánh cho ta thấy
một sự thay đổi khá cơ bản so với trước. Tích cực vẫn còn, trong sáng, tự
nhiên vẫn còn nhưng việc chăm lo một cách “nhân tạo” cho học sinh có học bạ
đẹp ngay từ cấp tiểu học, ngay trong quá trình học, ngay trong quá trình tham
gia thi tuyển là một thực tế.
Như đã nói, việc xác lập những tiêu chí, tiêu chuẩn về
thành tích học tập cũng như năng lực vượt trội của học sinh đã được chăm lo
ngay từ trước khi vào trường chuyên và kể cả ngay trong thời gian học tại
trường chuyên. Cơ chế gửi gắm, cơ chế ưu tiên đặc biệt cũng làm thay đổi bản
chất của học sinh được lựa chọn vào trường chuyên. Cơ chế bao cấp vẫn tồn
tại, nhưng bên cạnh đó những trường chuyên đã biết sử dụng các cơ chế riêng,
đặt ra học phí cao làm cho những học sinh có tố chất thực sự, nhiều trường
hợp dù muốn cũng không thể theo học một cách thuận lợi.
Cá biệt một số nơi, trường chuyên trở thành địa chỉ của
con em gia đình giàu có, có điều kiện kinh tế, có quyền lực trong giới lãnh
đạo của địa phương. Những trường hợp có tư chất thực sự, có nhân tố vượt trội
thực sự chỉ còn là một bộ phận đan xen trong đó.
Nói như vậy để thấy rằng cơ chế và điều kiện đã thay đổi
một cách cơ bản, từ cơ chế tập trung bao cấp phục vụ duy nhất một mục tiêu đó
là: phục vụ Nhà nước và xã hội đơn thuần trước đây chuyển sang cơ chế thị
trường có sự tác động kể cả tích cực lẫn tiêu cực từ khá nhiều lực lượng
khác, thế lực khác trong xã hội vào hệ thống trường chuyên.
Như có ý kiến đã nói, mục tiêu, động lực học trường chuyên
cũng khác xa ngày xưa. Phân tích ở trên cũng thấy, tình hình đã thay đổi một
cách cơ bản về cơ chế, về phương thức quản lý cũng như động cơ, mục đích học
trường chuyên của học sinh. Vậy, tại sao chúng ta vẫn duy trì cơ chế tồn tại
từ mấy chục năm nay? Rõ ràng, cơ chế này không còn phù hợp và như có người đã
nói là cơ chế này đã lạc hậu so với điều kiện mới.
Thứ tư, như trên đã
nói, mục đích của trường chuyên, cơ chế quản lý, sự tác động của nhà nước
theo cơ chế bao cấp đối với trường chuyên, động cơ và mục đích học trường
chuyên của học sinh và gia đình học sinh theo học trường chuyên đã có những
thay đổi cơ bản. Những mục đích ban đầu của trường chuyên hình thành từ những
năm 70, 80 của thế kỷ trước hiện không còn thích hợp, không còn có giá trị
thực tế nữa. Thực chất, trường chuyên không còn là địa điểm chỉ được sử dụng
để đào tạo những “nhân tài”, những học sinh có tố chất vượt trội, có năng lực
đặc biệt nữa, mà đã bị khá nhiều các yếu tố khách quan, chủ quan chi phối vào
đây. Không ít trường hợp lớp chuyên, trường chuyên chỉ còn là một tập hợp
những tập thể học sinh có tố chất, năng lực khác nhau thậm chí có khi là
“thượng vàng, hạ cám”.
Còn mục đích để bằng các thủ đoạn khác nhau được tuyển
chọn theo học các trường chuyên đã khác trước khá nhiều. Nhiều học sinh được
gia đình tạo điều kiện cho vào đây chỉ với mục đích duy nhất là hướng tới đi
du học nước ngoài và sau đó, có mục đích rõ ràng là định cư, làm việc ở nước
ngoài chứ không đơn thuần là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân như mấy mươi
năm trước đây.
Cá biệt có nhiều lớp 11, lớp 12 của trường chuyên, số học
sinh theo học đã bị vãn đi, đã thiếu vắng khá nhiều do các học sinh đã được
gia đình tạo điều kiện, đưa đi đào tạo tiếp ở các nước mà một trong những
tiêu chuẩn để được lựa chọn, được chấp thuận đi đào tạo ở nước ngoài đó là
“học sinh trường chuyên” có danh tiếng nào đó.
Tôi không phản đối và không có ý bài bác khi học sinh và
gia đình học sinh có những mục đích như đã nói ở trên. Tuy nhiên, vấn đề là
trước thực tế đó, Nhà nước cần phải suy nghĩ cơ chế quản lý và cơ chế ưu
tiên, ưu đãi cho các trường chuyên nên như thế nào cho phù hợp? Trường chuyên
không còn là những điển hình nhằm mục đích đào tạo nhân tài, đào tạo người có
năng lực thực sự, có tố chất vượt trội một cách tự nhiên như thời kỳ đầu.
Trên thực tế mấy năm gần đây, việc tuyển chọn học sinh vào trường chuyên đã
bị nhiều cơ chế tiêu cực tác động. Những học sinh có tố chất vượt trội, có
năng khiếu thực sự cũng không hề dễ có thể vào được trường chuyên do cơ chế
tiêu cực đan xen, lấn át.
Bộ mặt của giáo dục tại các địa phương đối với một số
trường chuyên đang bị nhạt nhòa, mất giá trị thực tế. Ý kiến cho rằng
mục đích này của trường chuyên trở lên phù phiếm, học sinh có năng lực vượt
trội, đặc biệt khó vào trong khi những học sinh trí tuệ bình thường, không có
gì đặc biệt, vượt trội lại có thể lọt được vào học tại trường chuyên cũng là
một thực tế. Ý kiến này rất xác đáng, rất đáng ghi nhận và suy ngẫm.
Thứ năm, với những phân
tích thực trạng như đã nêu trên, thì vấn đề suy nghĩ và tìm ra giải pháp phù
hợp trong cơ chế quản lý, duy trì các trường chuyên như thế nào là một vấn đề
không đơn giản. Ý kiến cho rằng nên giải tán hoặc bán trường chuyên cũng có
nội dung hợp lý nhất định của nó. Tuy nhiên, tôi cho rằng ý kiến này khá nóng
vội và cực đoan.
Tôi rất đồng tình với ý kiến rằng trong tình hình mới phải
có cơ chế quản lý mới, chính sách tài chính mới cho các trường chuyên. Cơ chế
đầu tiên mà tôi nghĩ tới là phải có lộ trình thích hợp bỏ cho được cơ chế bao
cấp một cách vượt trội đối với các trường chuyên, có giải pháp thích hợp để
đưa các trường chuyên về vị thế bình đẳng với các trường công lập khác trong
hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay.
Đi theo cơ chế này, đương nhiên là phải tạo lập cơ chế tự
lập, tự chủ đối với các trường chuyên, loại bỏ cho được cơ chế tài chính ưu
ái đặc biệt bằng ngân sách nhà nước đối với các trường chuyên. Đương nhiên
như tôi đã nói phương thức và lộ trình cần phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp.
Nếu không có cơ chế và lộ trình phù hợp mà lại tạo ra những “cú sốc” đối với
loại hình trường này là rất cần thận trọng, cần nghiên cứu kỹ làm sao để
tránh cho được những “cú sốc”.
Đây là việc của các cơ quan và các nhà quản lý, hoạch định
chính sách của Nhà nước ta. Cần phải làm thế nào để dần dần xóa cho được
những “ốc đảo thiên đường” là các trường chuyên tại các địa phương như hiện
nay để bị lợi dụng, lạm dụng và tác động tiêu cực là việc cần làm ngay.
Cần xác định cho được cơ chế chính sách trong điều kiện
mới, bỏ bao cấp, khẳng định vai trò tự chủ, tự hạch toán, chống tiêu cực,
chống nhận thức sai lệch trong xã hội, trong các phụ huynh học sinh và kể cả
giáo viên "trường chuyên" đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách,
cơ chế đồng bộ nhằm giúp giải quyết thực trạng bất cập, bất hợp lý của hệ
thống trường chuyên hiện nay.
(Theo Đất Việt)
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra
văn bản, Bộ Tư pháp
|
Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét