Sự thực khách quan
Cập nhật lúc 07:46
Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp
Quốc hội cho rằng, hàng loạt những “sai sót nhỏ” (cách diễn đạt tại quyết
định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán) của các cơ quan tố tụng tỉnh Long
An là vi phạm nghiêm trọng quy trình, thủ tục tố tụng.
Bị cáo Hồ Duy Hải trong
một phiên tòa. Ảnh: CTV
Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa có phiên
họp toàn thể để thảo luận về quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán
TAND Tối cao trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Đa số các ủy viên Ủy ban Tư pháp
đều thống nhất quan điểm: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ
quan tố tụng đã có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, có thể làm thay đổi
bản chất vụ án. Ủy ban Tư pháp thống nhất kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội
yêu cầu xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã xem xét,
thảo luận và cho ý kiến về toàn bộ quá trình tố tụng, từ điều tra, truy tố
đến xét xử vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Các thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội
cũng đã bàn, cho ý kiến về tính đúng đắn, sự hợp pháp trong quyết định giám
đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, hàng loạt
những “sai sót nhỏ” (cách diễn đạt tại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng
Thẩm phán) của các cơ quan tố tụng tỉnh Long An là vi phạm nghiêm trọng quy trình,
thủ tục tố tụng.
Bộ luật Tố tụng hình sự là để buộc các cơ quan tố tụng phải tuân
thủ nghiêm ngặt các trình tự, thủ tục, từ điều tra, truy tố đến xét xử. Có
như vậy mọi chi tiết, chứng cứ, tài liệu thu thập được trong hồ sơ vụ án mới
thể hiện sự thật khách quan, tránh gây oan sai, bỏ lọt tội phạm. Do vậy, vi
phạm tố tụng sẽ dẫn đến việc thu thập chứng cứ không đầy đủ, làm sai lệch hồ
sơ vụ án, từ đó đánh giá sai lầm không làm rõ được bản chất của vụ án. Hầu
hết các vụ án vi phạm tố tụng đều dẫn tới oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Với lý do trên, các thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội thống nhất
sẽ kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại quyết định
giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc
hội thực hiện quyền của mình được quy định tại Điều 404, Bộ luật Tố tụng hình
sự, thì Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phải có trách nhiệm báo cáo với
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và Hội đồng Thẩm phán phải mở phiên họp để
xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Trong vụ án này, nhiều chuyên gia luật, luật sư thể hiện quan
điểm không đồng tình với quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND
Tối cao. Bởi lẽ, quyết định giám đốc thẩm cho rằng, những vi phạm nghiêm
trọng tố tụng trong quá trình điều tra chỉ là những “sai sót nhỏ” không làm
ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Dư luận xã hội cũng chỉ mong muốn các cơ quan
tố tụng cần tuân thủ nghiêm túc quy định của luật để làm rõ sự thật khách
quan của vụ án, chứ không nói Hồ Duy Hải bị oan hay không oan.
Đòi hỏi của dư luận xã hội không phải là quá đáng và không phải
là không có cơ sở. Bởi lẽ, từng có những vụ án oan động trời khiến người bị
kết tội oan phải ngồi tù hàng chục năm, thậm chí có người mang thân phận tử
tù hơn 40 năm, cuối cùng mới được minh oan, xin lỗi. Có thể điểm sơ vài vụ án
oan lớn như: Vụ ông Huỳnh Văn Nén, vụ ông Trần Văn Thêm, vụ ông Nguyễn Thanh
Chấn... Ông Chấn thì phải ngồi tù oan cả chục năm trời, ông Thêm thì suốt hơn
40 năm bị treo lơ lửng trên đầu án tử, ông Nén là người tù “xuyên thế kỷ”...
Đặc biệt, cuối năm 2019, 3 cụ ông ở Vĩnh Phúc đã chính thức được
cơ quan chức năng xin lỗi công khai sau gần 40 năm mang tội giết người. Đau
xót ở chỗ là chỉ có 2 cụ ông nhận được lời xin lỗi của cơ quan tố tụng, còn
một cụ đã chết trong thời gian bị giam giữ. Còn có gì xót xa hơn khi bị khép
tội oan là giết chồng, giết cha? Ấy vậy mà bà Đặng Thị Nga (ở huyện Tuần
Giáo, tỉnh Điện Biên) và hai con trai đã phải chịu đựng điều kinh khủng đó
tới gần 30 năm trời đằng đẵng. Rất may là cuối cùng chân lý cũng đã sáng tỏ,
công lý được thực thi trả lại sự trong sạch cho gia đình bà Nga.
Có câu “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, bị kết án chính
xác, đúng người, đúng tội đã cảm thấy như vậy, thử hỏi nếu bị kết án oan thì
sẽ cảm thấy uất ức đến nhường nào. Song, đáng tiếc là có lúc, có nơi vẫn có
những cơ quan tố tụng làm việc tắc trách, vô cảm dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội
phạm. Đó là lý do có người đã chọn lấy cái chết để “thức tỉnh” các cơ quan tố
tụng (?!).
Trở lại câu chuyện Ủy ban Tư pháp Quốc hội kiến nghị Ủy ban
Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án tử tù
Hồ Duy Hải. Có thể sau khi buộc phải hủy án (do vi phạm tố tụng) để điều tra,
truy tố, xét xử lại từ đầu, Hồ Duy Hải vẫn bị xác định là có tội. Song, lúc
đó không chỉ có Hồ Duy Hải và gia đình phải “tâm phục, khẩu phục”, mà dư luận
xã hội cũng trút bỏ được mối nghi ngờ có sự khuất tất của các cơ quan tố
tụng. Đó là việc làm cần thiết.
(Theo Đại đoàn kết) LÊ ANH ĐỨC
|
Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét