Tùy
tiện mở thẻ ngân hàng, nhiều người mang nợ mà không hay
Cập nhật lúc 14:51
Nhiều người đồng ý mở thẻ ATM,
Visa tại các ngân hàng vì tưởng rằng nếu không sử dụng, thẻ sẽ tự hủy. Thế
nhưng sau đó, họ bị ngân hàng đòi nợ, liệt vào diện nợ xấu.
Thành
con nợ vì mở thẻ
Khi được nhân viên ngân hàng mời chào
mở thẻ ATM, thẻ tín dụng, không ít người gật đầu đồng ý với suy nghĩ “có mất
gì đâu, cùng lắm là tốn vài chục ngàn đồng phí duy trì”. Tuy nhiên, thực
tế không như vậy. Phản ánh đến Báo, chị M.B. (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết,
cách đây ba năm, nhân viên ngân hàng C. đến nài nỉ chị mở thẻ tín dụng. Thấy
được nhiều ưu đãi như miễn phí thường niên năm đầu, hoàn tiền khi chi tiêu
nên chị B. đồng ý mở thẻ. Thời gian sau, do không sử dụng, chị B. gọi điện thoại
đến tổng đài của ngân hàng, yêu cầu khóa thẻ.
“Nhân viên ngân hàng hẹn hôm sau gọi
điện thoại lại cho tôi để giải quyết nhưng không thấy. Do công việc bận rộn
nên tôi quên bẵng và cũng đinh ninh thẻ đã được khóa ba năm nay” - chị B.
kể.
Thế nhưng, cách đây vài ngày, chị B.
nhận được cuộc gọi của một công ty thu hồi nợ, xưng là đại diện của ngân hàng
C., yêu cầu chị B. thanh toán 3,7 triệu đồng tiền phí thường niên. Lúc này,
chị B. mới biết, thẻ của mình vẫn “hoạt động ngầm” suốt thời gian qua.
“Phí thẻ thường niên thường được thu
theo từng năm. Suốt ba năm qua, tôi không nhận được bất kỳ tin nhắn nào thông
báo về phí thẻ nên cứ nghĩ thẻ đã bị khóa. Tôi cho rằng, ngân hàng này
không minh bạch trong cách tính phí với khách hàng” - chị B. bức xúc.
Không ít khách hàng còn rơi vào nợ xấu
do thiếu phí duy trì. Cách đây hai năm, anh P.T.T. (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà
Nội) được mời chào mở thẻ tín dụng miễn phí. Sau khi nhận thẻ, anh T. không
dùng đến. Sau đó, anh nhận được điện thoại thông báo nợ hơn 1 triệu đồng tiền
phí duy trì. Anh T. đã thanh toán khoản nợ này nhưng mới đây, anh tiếp tục
nhận được thông báo từ công ty thu hồi nợ rằng mình còn 196 đồng đã quá hạn
thanh toán hai năm.
“Theo quy định của các ngân hàng, khi bị nợ xấu từ nhóm 2 trở lên khách hàng
sẽ không được vay vốn. Chỉ vì nợ 196 đồng mà tôi đã bị liệt vào nợ nhóm 5 (nợ
có khả năng mất vốn) trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Nếu muốn vay,
tôi phải tất toán hết nợ, chờ ít nhất 5 năm để CIC xóa thông tin nợ xấu khỏi
hệ thống” - anh T. nói.
Ngoài thẻ tín dụng, hiện nay, nhiều
người sở hữu ít nhất vài thẻ ATM trong ví. Mặc dù không dùng thẻ hoặc làm
mất thẻ nhiều năm nhưng khách hàng vẫn trở thành con nợ của ngân hàng chỉ vì
thẻ vẫn chưa đóng. “Thời sinh viên, tôi được giới thiệu mở thẻ ATM miễn phí
tại Ngân hàng Đông Á. Sau này, tôi chuyển sang dùng thẻ ATM khác và quên
luôn thẻ này. Mới đây, tôi nhận được cuộc gọi nợ phí thường niên 209.000
đồng. Nếu muốn hủy thẻ ATM này, tôi buộc phải đóng hết phí thường niên. Còn
nếu không hủy thẻ, phí sẽ tiếp tục phát sinh thêm. Thế là bỗng dưng tôi
trở thành con nợ” - một khách hàng tên Huyền kể với chúng tôi.
Khách
hàng thờ ơ, ngân hàng dễ dãi
Ông Nguyễn Thiện Giang - Giám đốc
VietABank chi nhánh TP.HCM - cho biết, về nguyên tắc, nếu thẻ chưa bị khóa và
hủy thì chủ thẻ vẫn phải đóng phí thường niên. Sau khi đóng phí, nếu
thiếu một đồng, vẫn bị tính nợ thông qua hệ thống quản lý nợ tự động. Do đó,
người dân cần rà soát lại xem thẻ của mình đã khóa hay chưa, bằng cách liên
hệ đến tổng đài ngân hàng để kiểm tra.
Việc khách hàng “bỏ quên” thẻ còn
do việc phát hành thẻ của các ngân hàng quá dễ dãi. Theo số liệu của Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối quý I/2020, có 103,13 triệu thẻ đang
lưu hành trên cả nước (số liệu này đã được trừ đi số thẻ “chết”). Trong khi
đó, hiện chỉ có khoảng 40 triệu dân có tài khoản ngân hàng, tức là mỗi
người dân đang nắm giữ khoảng 2-3 chiếc thẻ.
Việc phát hành thẻ thành công và số
lượng người sử dụng không tương xứng với lượng thẻ đã phát hành là do các
ngân hàng chạy theo chỉ tiêu về số lượng, cho phép nhân viên dùng đủ mọi cách
để khách hàng mở thẻ.
“Tôi đã có bốn thẻ tín dụng nhưng ngày
nào cũng nhận được cuộc gọi mời chào mở thêm thẻ. Vài người bạn của tôi kinh
doanh tự do, không chứng minh được thu nhập để mở thẻ tín dụng thì được gợi ý
nhờ ai đó đứng ra chuyển khoản đều đặn mỗi tháng 20 triệu đồng, liên tục
trong ba tháng để đủ điều kiện mở thẻ. Mới đây, để thu hút khách hàng mở
thẻ, các ngân hàng còn mở thêm nhiều tiện ích mới như cho phép rút tiền thẻ
tín dụng qua số hotline chỉ mất 1% phí/tổng số tiền rút so với mức phí 4% rút
tại cây ATM hoặc rút tiền rồi trả góp cố định theo tháng để chi tiêu” - thạc
sĩ Nguyễn Anh Toàn, chuyên gia kinh tế đầu tư, nói.
Việc phát hành thẻ tín dụng dễ dãi có thể
khiến khách hàng mất khả năng thanh toán, rơi vào vòng xoáy nợ nần, làm
gia tăng nợ xấu của ngân hàng. Năm 2011, nợ xấu từ thẻ tín dụng là 1.000 tỷ
đồng; đến cuối năm 2012, con số này tăng lên 2.000 tỷ đồng. Vài năm trở lại
đây, mặc dù số nợ xấu từ thẻ tín dụng không được công bố nhưng có ngân hàng
cho biết, nợ xấu từ thẻ tín dụng gần đây tăng gấp đôi do thu nhập của chủ thẻ
ngày càng giảm.
(Theo
Báo Phụ Nữ TP.HCM)
|
Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét