Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Hoá đơn tiền điện tăng "sốc": Kẽ hở trong việc ghi số điện

Cập nhật lúc 20:45

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đều cho rằng, tiền điện của các hộ dân thời gian qua tăng cao chủ yếu do thời tiết nắng nóng, phụ tải tăng cao… Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc ghi số điện của mỗi hộ dân mà EVN đang thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý, mập mờ.

Kẽ hở trong việc ghi số điện
Sau khi ngành điện thông báo hóa đơn tiền điện của tháng 5 đến các hộ sử dụng điện, đã có nhiều kiến nghị, thắc mắc của các khách hàng sử dụng điện sịnh hoạt về số tiền điện phải nộp trong tháng tăng cao, mặc dù tiền điện trong tháng đã có sự hỗ trợ giảm giá theo chỉ đạo của Bộ Công Thương do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong đó, có kiến nghị, thắc mắc và nghi ngờ về tính chính xác của công tơ điện, số liệu công tơ sai lệch khiến số tiền điện phải trả tăng cao, nhất là vấn đề không ấn định cụ thể ngày ghi số điện, khiến người dân không thực hiện được quyền giám sát.
Anh Đức Thành (một hộ dân sống ở Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhu cầu sử dụng điện của gia đình anh không hề tăng cao hơn vì thói quen sử dụng điều hòa và các thiết bị điện không thay đổi so với các tháng trước, nhân sự và thời gian sử dụng điện trong gia đình không biến động, nhưng thực tế,  tháng vừa rồi tiền điện cũng tăng gần 200% là rất khó thuyết phục (từ 1.162.000 đồng lên 2.100.000 đồng).


Việc ghi số điện theo phản ánh còn nhiều mập mờ. Ảnh: EVN

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Yến (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, việc ghi số điện của mỗi hộ dân mà EVN đang thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý.
Thứ nhất, trong trường hợp nhân viên đọc công tơ ghi chỉ số điện sớm hơn hoặc lệch ngày giữa các tháng, thì một phần tiền điện tháng trước (lẽ ra ở bậc thang thấp) sẽ bị tính vào tháng sau (ở bậc thang cao hơn). 
Thứ 2, nhân viên thu tiền điện ghi chỉ số công tơ ít hơn, tháng tiếp theo ghi đúng. Số tiền điện ghi thiếu của tháng trước cũng sẽ chuyển sang bậc thang cao hơn của tháng sau.
"Chính vì vậy, tôi đề nghị EVN cần ghi số điện của một hộ dân cụ thể vào một ngày ấn định trong tháng, đồng thời báo cho hộ dân cùng giám sát ghi chỉ số điện, kết quả có sự giám sát của người dân thì mới có giá trị, mới đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan", chị Yến nói.
Trên thực tế, ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác, một số công ty điện lực đã có thông báo về thời gian ghi công tơ điện và mời tham gia giám sát tới từng khách hàng. Tuy nhiên, ở một số quận, việc thông báo vẫn chưa cụ thể thời gian ghi chốt số công tơ điện trong tháng nên việc hóa đơn tăng đột biến khiến khách hàng băn khoăn".
Ghi chỉ số công tơ có chính xác?
Hiện tại, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế việc xảy ra sai sót trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. 
Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được EVN cho biết đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. 
Mặc dù EVN giải thích hiện nay việc ghi số điện đã được thực hiện bằng phần mềm, hoàn toàn tự động, tuy nhiên, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho biết, hiện nay  mới chỉ có 35% khách hàng sử dụng đồng hồ điện tử, 65% còn lại vẫn là đồng hồ cơ.
Vì vậy, vấn đề hoá đơn tiền điện tăng "sốc" vẫn bị nhiều khách hàng cho rằng còn nhiều mập mờ, chưa minh bạch.
(Theo Lao Động) CƯỜNG NGÔ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét