Công an TP.HCM đang điều tra
Cashwagon, khách hàng bị 'đòi nợ' phải làm sao?
Cập nhật lúc 15:37
Nhiều
khách hàng của Cashwagon lúng túng khi nhận tin nhắn 'đòi nợ' từ Cashwagon,
trong khi Công an TP.HCM đang điều tra Cashwagon cho vay qua app 'có dấu hiệu
tín dụng đen'. Nếu rơi vào trường hợp này, phải làm sao ?
Chị L.T.K.H (ngụ Bình Dương) đến tòa soạn Báo Thanh
Niên phản ánh thông tin "Cashwagon cho vay nặng lãi".
Ảnh: Trác Rin
Sau
khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài điều tra Thâm nhập đường dây “tín dụng đen”
qua app (khởi đăng từ 1.6), Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM đã
vào cuộc điều tra, đang làm rõ hoạt động cho vay nặng lãi, khủng bố tinh
thần, đe dọa khách hàng của Công ty Cashwagon.
Lo
lắng vì tin nhắn Cashwagon
Hàng
trăm bạn đọc Báo Thanh Niên tiếp tục gửi thông tin về tòa soạn đặt chung câu
hỏi "Thời điểm Cashwagon đang bị điều tra, vậy khách hàng có cần đóng
tiền lãi, đóng trả tiền gốc đã vay của Cashwagon không?"
“Mình
có khoản vay 3,5 triệu đồng, hạn thanh toán vào ngày 9.6. Mình ra thanh toán
ở cửa hàng tiện lợi nhưng nhân viên nói đã ngưng hợp tác với Cashwagon. Ngày
20.6, mình nhận được cuộc gọi từ số 024999903xx, nhắc thanh toán vì quá hạn,
mà cũng chẳng biết số tiền là bao nhiêu. Mình liên hệ với tổng đài thì không
ai nghe máy. Bây giờ mình thật sự hoang mang, sợ bị phạt tiền nữa thì chết
mất”, bạn đọc tên Nghĩa phản ánh.
Bạn
đọc Kim Chi cho biết: “Mình có khoản vay 4 triệu đồng, cả gốc lẫn lãi đến
ngày 11.6 phải thanh toán là 5.76 triệu đồng. Nhưng vì thấy công an đang điều
tra và phong tỏa tài khoản của công ty Cashwagon nên mình không biết phải làm
sao. Nếu trả trong thời điểm này thì sợ vẫn mang nợ, mà không trả thì sợ lãi
chồng lãi. Hôm đến ngày trả nợ, vẫn có tin nhắn yêu cầu trả nợ. Nhưng là số
điện thoại cá nhân, không phải của công ty. Bây giờ mình không biết phải làm
sao...”.
Trước
đó, sau khi đọc loạt bài điều tra của Báo Thanh Niên, chị L.T.K.H (26 tuổi,
ngụ Bình Dương) đã đội mưa đến tòa soạn để phản ánh việc Công ty Cashwagon
cho vay với lãi suất "cắt cổ".
Cụ
thể, ngày 19.4, chị H. vay của công ty này 4 triệu đồng trong vòng 30 ngày.
Đến hạn thanh toán, chị đóng tiền gia hạn 1,76 triệu đồng. Đến ngày 19.6
(thời điểm công ty này bị Công an TP.HCM phong tỏa tài sản, điều tra về hành
vi cho vay nặng lãi, khủng bố đe dọa khách hàng - PV), hệ thống gọi điện tự
động vẫn gọi nhắc nợ.
“Ngày 22.6, tôi vào ứng dụng MoMo (bạn
đọc thanh toán lãi cho Cashwagon thông qua ứng dụng ví điện tử MoMo - PV) thì
phát hiện, khoản tiền tất toán hơn 6 triệu đồng. Vụ việc vẫn đang được cơ
quan công an điều tra nên tôi không rõ đóng tiền vào thời điểm này thì có bị
làm sao không?”, chị H. cho hay.
Ví
MoMo nói gì?
Liên
quan đến thông tin bạn đọc phản ánh "ứng dụng ví điện tử MoMo vẫn mở cửa
nhận thanh toán các khoản lãi, gốc cho Cashwagon", đại diện Ví MoMo, ông
Nguyễn Bá Diệp (Phó chủ tịch, đồng sáng lập) trả lời: "MoMo là đơn vị
cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, và thực hiện các hoạt động thanh
toán, chuyển tiền theo yêu cầu của khách hàng và hợp đồng với đối tác. Đối
với vụ việc mà báo Thanh Niên đặt câu hỏi, công ty đang theo dõi chặt chẽ và
chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, MoMo
đều đặt việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng là ưu tiên hàng đầu trên cơ sở
tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật".
Trao
đổi với PV Thanh Niên, anh N.Q.D (27 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng cho
biết những ngày qua, hệ thống gọi tự động liên tục thông báo vào điện thoại
của anh với nội dụng: “Công ty Lendtech, đối tác của Cashwagon gọi thông báo
khách đến hạn thanh toán nợ. Nếu thanh toán không đúng hạn sẽ phát sinh thêm
các phí phạt…”.
Làm
sao để không... phạm luật?
Về
việc khách hàng có tiếp tục đóng lãi cho Cashwagon khi công ty này đang bị
phong tỏa, bị điều tra về hành vi “cho vay lãi nặng”, luật sư Lê Văn Hoan
(Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa
đổi bổ sung năm 2017 thì việc cho vay trong giao dịch dân sự mà mức lãi suất
gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự,
thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về
hành vi này; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi
phạm, thì người cho vay bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng.
Anh D. đến Công an TP.HCM tố cáo
Cashwagon.
Ảnh: Trác Rin
Về
mức lãi suất được quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự trong trường hợp các
bên có thỏa thuận về lãi suất, thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt
quá 20%/năm của khoản tiền vay, còn nếu các bên có thoả thuận về việc trả
lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, thì lãi
suất được xác định bằng 10%/năm
"Phần
lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn quy định thì mức lãi suất
vượt quá không có hiệu lực", luật sư Hoan khẳng định.
“Giao
dịch vay tài sản giữa người vay với công ty cho vay qua app nếu bên cho vay
không phải là công ty tài chính, không có chức năng cho vay, thì giao dịch
này không phải là hợp đồng tín dụng. Trong trường hợp này, hợp đồng vay tài
sản được điều chỉnh bởi bộ luật dân sự”, luật sư Hoan cho hay. Cũng theo luật
sư Hoan, theo nghị quyết 01/2019 của HĐTP TAND tối cao hướng dẫn, đối với hợp
đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng có lãi, lãi suất hợp pháp
khi mức lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại
Điều 468 của bộ luật dân sự 2015.
“Nếu
mức lãi suất cao hơn mức lãi suất do pháp luật quy định thì phần vượt quá
không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất quy định được trừ
vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại
sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay”, luật sư Lê Văn Hoan
nhấn mạnh.
Ngoài
ra, theo luật sư Hoan, do hiện nay chưa thể xác định được mức lãi suất, số
tiền mà người vay đã trả cho bên cho vay là bao nhiêu? Vượt mức lãi suất theo
quy định của pháp luật như thế nào? do đó người vay có thể không cần tiếp tục
đóng lãi, gốc để chờ kết quả xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường
hợp này, “nạn nhân” cần thông báo, phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ số
tiền vay, đã trả để xác định quyền, nghĩa vụ còn lại của mình (nếu có).
Luật
sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng vì vụ việc Cashwagon
"đang được cơ quan điều tra làm rõ" và nếu bên vay vẫn muốn tiếp
tục thanh toán, trả lãi hoặc gốc nhưng không thể thanh toán qua app hoặc ngân
hàng, thì trước hết người vay phải gửi email đến công ty hoặc sao chụp các
nội dung thông tin chuyển trả tiền gốc hoặc lãi nhưng bị trả ngược trở về.
Theo
luật sư Vũ đây là cách để người vay lưu giữ các căn cứ khẳng định nguyên nhân
việc không thể thanh toán là do lỗi bên công ty, nhằm tránh phát sinh nghĩa
vụ lãi phạt hoặc lãi chồng; đồng thời đây sẽ là căn cứ để tính thời gian kết
thúc tính lãi nếu giao dịch các bên vẫn có hiệu lực.
Dù Công an TP.HCM đang điều tra
Cashwagon, việc đòi nợ của app cho vay tiền vẫn diễn ra... Ảnh
chụp màn hình
Công
an nói gì ?
Chiều
25.6, PC02 cho biết cơ quan này hiện vẫn đang điều tra, làm rõ đường dây tín
dụng đen qua app của Cashwagon.
Lãnh
đạo PC02 cho biết, Công an TP.HCM kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cho vay
lãi nặng lãi qua app . Đặc biệt, Công an TP.HCM nhấn mạnh người dân tuyệt đối
không vay tiền theo thông tin quảng cáo của các đối tượng. Nếu lựa chọn hình
thức vay tiền online thì phải vay của đơn vị có uy tín.
Các
trường hợp vay tiền lãi cao không có khả năng chi trả, cơ quan chức năng
khuyên nên đến cơ quan công an gần nhất trình báo, tố cáo hành vi cho vay
nặng lãi của các đối tượng để được điều tra, xử lý theo đúng quy định, tránh
những việc đáng tiếc xảy ra như bị tạt sơn, hù dọa người thân và nạn nhân.
Cũng
theo lãnh đạo PC02, đã có nhiều đơn tố cáo về hành vi cho vay lãi nặng qua
app, qua web, cơ quan công an đã lập chuyên án, và hiện đang điều tra làm rõ
vai trò từng người trong "đường dây" Cashwagon.
Việc
cho vay lãi suất hàng chục % là không đúng với pháp luật, vượt mức lãi suất
Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định. Hiện vụ việc đang được PC02 thụ lý và
xử lý theo quy định. PC02 cũng kêu gọi các nạn nhân trong đường dây cho vay
nặng lãi qua app Cashwagon cần đến PC02 tố cáo để cơ quan điều tra, xử lý
hành vi theo đúng quy định pháp luật.
Một
nguồn tin của PV Thanh Niên từ PC02 khẳng định các khách hàng vay tiền từ app
của Cashwagon thời điểm hiện tại "không cần phải đóng tiền gốc và
lãi".
Theo
nguồn tin, vì vụ án "Cashwagon cho vay qua app" đang trong quá
trình điều tra, phải đợi kết quả điều tra để xác định việc cho vay có đúng
quy định pháp luật hay không, lúc đó mới biết "nạn nhân" phải trả
bao nhiêu tiền gốc và lãi.
(Theo Thanh
Niên Online) Trác Rin-Phan Thương-Ngọc Lê
|
Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét