Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Thành viên Ủy ban Tư pháp có quan điểm như thế nào về vụ án Hồ Duy Hải?
 
Cập nhật lúc 14:58

 Trong ngày 16/6/2020, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để xem xét toàn bộ vụ án Hồ Duy Hải, trong đó trọng tâm là xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.


Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án
 
Thành viên Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến về quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp về vụ án Hồ Duy Hải là do gia đình Hồ Duy Hải gửi đơn, các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cũng có đơn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vụ án này, sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vào ngày 8/5 vừa qua.

Đặc biệt, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể xem xét vụ án này. Đây cũng là yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền các cấp. Theo đó, các thành viên Ủy ban Tư pháp xem xét tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, nhưng đặc biệt xem xét quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án.
 
Ủy ban Tư pháp xem xét về tính đúng đắn của quyết định giám đốc thẩm, tính phù hợp pháp luật của quyết định này, phiên họp không có sự tham gia của các cơ quan tố tụng.


Nhiều vật chứng tại hiện trường không được thu giữ theo quy định.

Theo nguồn tin riêng của Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thống nhất về các nội dung: Kháng nghị của VKSND tối cao là đúng thẩm quyền, có căn cứ pháp luật.

Nguồn tin cũng cho biết, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thống nhất ý kiến về việc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chánh án TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền, quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ủy ban Tư pháp đã từng chỉ ra những thiếu sót, vi phạm

Đây không phải là lần đầu tiên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp để đánh giá về vụ án này. Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, thực hiện giám sát về tình hình oan, sai. Trong đó, có nghiên cứu một số vụ án cụ thể để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội, bao gồm vụ án Hồ Duy Hải. Đoàn giám sát của Quốc hội đã có Báo cáo số 870 ngày 20/5/2015 về kết quả giám sát về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật".

Trong báo cáo này, đoàn giám sát đánh giá về vụ án Hồ Duy Hải có những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử. Trái với ý kiến của các cơ quan tố tụng mà như Chánh án TAND tối cao khi trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 13/3/2015), cho rằng, không có căn cứ kháng nghị thì đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm: Phải xem xét hai bản án kết tội Hồ Duy Hải có đủ căn cứ không?
 

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, vụ án có nhiều thiếu sót, vi phạm.

Theo đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, những vụ án khác chỉ cần 1 trong 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm theo luật định là có thể kháng nghị, trong khi vụ Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố hoặc xét xử; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Tại Báo cáo số 239/BC-UBTP, ngày 4/11/2016 về việc “Báo cáo kết quả nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” ở Long An. Nội dung báo cáo chỉ rõ: Vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án, thể hiện ở vi phạm nghiêm trọng về khám nghiệm hiện trường và quy định về thu thập, đánh giá chứng cứ, thiếu sót trong trưng cầu giám định.

Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án. Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải chưa được xem xét, đánh giá kỹ dẫn đến kết luận trong bản án về thời gian Hồ Duy Hải có mặt ở Bưu điện Cầu Voi là chưa thuyết phục. Kết luận trong bản án sai với kết luận giám định. Bản án phúc thẩm phản ánh không đúng về phiên tòa sơ thẩm. Bản án kết luận dựa trên sự "suy diễn chết người" của kết luận điều tra và cáo trạng.

Một điểm nữa, theo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp là cơ quan điều tra, cơ quan chức năng đều lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội, mà không phản ánh trung thực, khách quan những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội. Từ đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra kiến nghị: Đây là vụ án rất nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, bản án lại đưa đến việc tước đoạt mạng sống của một con người, cần xem xét lại một cách thật thận trọng, để có thể hoàn toàn yên tâm có đủ căn cứ kết tội.


Cơ quan tố tụng sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội, không phản ánh trung thực, khách quan những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội.

Trong nội dung Báo cáo số 239 có kiến nghị: Để bảo đảm thận trọng trong việc nghiên cứu và đề xuất, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20/10/2016, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban Tư pháp khóa XIV về kết quả nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý đối với vụ án.

Theo đó, Ủy ban Tư pháp đã nhận được 35 ý kiến, trong đó: Đa số ý kiến (24 ý kiến) tán thành với Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, cho rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án có nhiều sai lầm, vi phạm nghiêm trọng và có đầy đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm. Đồng thời, đây cũng là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, được dư luận quan tâm và hình phạt áp dụng đối với bị cáo là tử hình – hình phạt nặng nhất, tước đoạt sinh mạng sống của bị cáo, do đó, cần thận trọng.

Ủy ban Tư pháp cho rằng: Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án.

Một số ý kiến (7 ý kiến) tán thành Báo cáo ý kiến của liên ngành cơ quan tư pháp Trung ương, cho rằng quá trình giải quyết vụ án có một số thiếu sót nhưng không làm sai lệch bản chất vụ án, không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm.

Một số ý kiến khác (4 ý kiến) đề nghị: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp với các cơ quan tư pháp Trung ương để đánh giá tính chất và mức độ của những vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án đã được Đoàn giám sát chỉ ra; xem xét các vi phạm này có thể điều tra lại hay không, làm rõ mâu thuẫn trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa. Thành viên Ủy ban Tư pháp tại phiên họp đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.


Ngày 22/11/2019, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSNDTC-V7, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và Bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Theo nội dung Kháng nghị, trong vụ án Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục điều tra, tố tụng. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng. Cần khắc phục sai sót để bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật.


Ngày 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải được Tòa phúc thẩm tuyên vào tháng 4/2009.  Tuy nhiên, quyết định giám đốc thẩm một lần nữa tạo nên dư luận trái chiều về vụ án Hồ Duy Hải, dù vụ án đã xảy ra cách đây 12 năm. Trong những ngày qua, vụ án Hồ Duy Hải cùng một loạt các vụ án gây tranh luận khác đã trở thành điểm nóng tranh luận giữa các đại biểu trong và ngoài ngành Tòa án.
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 15/6, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trải qua quá trình tố tụng, nhiều cấp đã được liên ngành thẩm định và trong đoàn giám sát oan, sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét về vụ này. Qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước quyết định, bây giờ câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không. Sau khi tóm tắt vụ án, ông Nguyễn Hòa Bình trình bày một loạt chứng cứ để chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội, trong đó có việc Hải mô tả chính xác những đồ vật có tại hiện trường, trong phòng của nạn nhân. "Nếu không có mặt tại hiện trường thì không thể mô tả được. Bưu điện là nơi công cộng, bên ngoài ai cũng có thể biết, nhưng trong phòng ngủ thì không có mặt trong hiện trường là không biết" - ông Bình nói.
Chánh án TAND tối cao cũng dẫn giải nhiều diễn biến hành vi do Hải khai "có sự phù hợp với kết quả giám định", cũng như việc Hải nhận diện được con dao, cái thớt hôm gây án thông qua dao, thớt là vật thay thế được mua ngoài chợ vì không thu thập được vật thật ở hiện trường...

 
1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.
  
Theo Bảo vệ Pháp luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét