TS
Nguyễn Đức Thành: Nên đóng cửa hoặc bán trường Amsterdam
Cập nhật lúc 14:41
Vị chuyên gia đề xuất đóng cửa hoặc bán lại trường Amsterdam cho tư
nhân vì tiêu tốn nhiều nguồn lực nhưng lại không đạt được mục đích.
Sau khi Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành -
nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học
Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm nên đóng cửa trường THPT chuyên Hà Nội -
Amsterdam hoặc bán cho tư nhân thông qua đấu giá. Đề xuất của ông nhận được
nhiều phản hồi.
Nêu ra 5 lý do, ông Thành tái khẳng
định lại quan điểm vẫn nên đóng cửa hoặc bán trường Amsterdam cho tư nhân.
Thứ nhất, nếu coi mục
đích của trường chuyên là để đào tạo ra những người ưu tú để đi thi học sinh
giỏi quốc tế thì hiện tại trường Amsterdam nói riêng và nhiều trường chuyên
trên cả nước nói chung đều không đạt được mục đích này, không làm được việc
này và học sinh có vẻ cũng không thích theo đuổi các giải đó.
Nếu vậy thì có cần thiết phải xây dựng tốn kém một hệ
thống dàn trải các trường chuyên trên khắp cả nước như hiện nay để theo đuổi
mục đích đó không?
Mặt khác, có rất nhiều “môn chuyên” hầu như không có giải
thi đấu quốc tế nào, như môn Địa chẳng hạn. Thế thì, vì sao phải tài trợ cho
các học sinh học môn đó cao hơn các học sinh trường công khác?
Thứ hai, nếu coi mục đích của trường chuyên là để đào tạo ra “nhân
tài”, thì mục đích này cũng chưa thuyết phục. Bởi theo ông Thành, nhân tài
không thực sự bộc lộ ở những năm học phổ thông và với việc nhồi nhét, thách
đố, tạo sức ép... lên một đứa trẻ để tìm ra một số tố chất đặc biệt ở bậc học
này rồi xem đó là "nhân tài" thì các trường phổ thông khác cũng có
thể làm được.
Theo quan sát của TS Nguyễn Đức Thành, tỷ lệ những nhân tài
thực thụ trong trường Amsterdam và các trường chuyên không có nhiều. Vì thế,
không có gì bảo đảm những đứa trẻ được tuyển và học tại trường Amsterdam hay
trường chuyên là “nhân tài”, dù có thể học giỏi hơn các bạn cùng lứa (vì được
đầu tư nhiều hơn do trường nhận được ngân sách cao hơn).
Tuy nhiên, có một điều hệ trọng hơn rất nhiều được ông
Thành nêu ra là việc nhà nước thực sự đã bỏ tiền ra để phát hiện và bồi dưỡng
“nhân tài”, và tiền ấy là của những người dân bình thường đóng góp, thì những
“nhân tài” ấy phải có nhiệm vụ phục vụ nhân dân, những người đã đóng tiền
cho anh ăn học, bằng cách này hay cách khác. Còn nếu không, thì chi
tiền cho nhân tài làm gì? Bản thân những người có tài, họ đã tự lo liệu cho
cuộc sống của họ dễ dàng hơn những người bình thường rồi. Sao lại đầu tư thêm
cho họ bằng tiền của người kém tài hơn và rồi để họ muốn làm gì thì làm?
Ông Thành nói rõ, nhiều người vẫn viện dẫn là các nước họ
có những trường đặc biệt để rèn luyện những người có năng lực và sử dụng ngân
sách công cho việc đó.
Theo ông Thành, đó là những trường đào tạo những người ở
độ tuổi lớn hơn tuổi học phổ thông. Và nếu có đào tạo ở độ tuổi phổ thông,
thì rất hãn hữu và trong những hoàn cảnh đặc biệt (như Israel, một nước nhỏ
rất cần nhân tài để phục vụ tổ quốc tự vệ trước các nước láng giềng không hề
thân thiện). Và điểm cốt yếu ở đây là, những người ấy sau khi được đào tạo xong,
thì phải phục vụ bộ máy nhà nước, là nơi đã bỏ tiền ra đào tạo anh. Điều này
giống như trong các trường công an, quân đội hiện nay của ta thôi.
"Tôi khẳng định, đó là những con người công cụ. Bất
kể họ tài cán thế nào, khi họ nhận sự tài trợ đặc biệt từ nhà nước để phát triển
lên, họ đã chấp nhận một thỏa ước rồi: phục vụ cho nhà nước, phục vụ cho
những người đã đóng tiền thuế để tài trợ cho việc học của họ, tức là trở
thành công cụ cho nhà nước và nhân dân.
Vậy những học sinh ở Amsterdam hoặc các trường chuyên, học
xong họ có chấp nhận là một con người công cụ như vậy không? Họ có thực hiện
thỏa ước đó không? Và rộng hơn, triết lý giáo dục có nên khuyến khích mô hình
đào tạo ra những con người công cụ như vậy không? Dù là những công cụ “tốt”.
Tôi ngờ là ngay từ đầu họ còn không nghĩ tới một thỏa ước
như thế, cả những học sinh thi vào trường lẫn những người cấp ngân sách cho
trường Amsterdam. Họ muốn vào Amsterdam chỉ vì ở đó có chất lượng giáo dục
cao hơn trung bình mà tiền học thì lại thấp. Như vậy, mục đích “đào tạo nhân tài”
theo đúng nghĩa không hề tồn tại và nếu tồn tại, cũng chưa bao giờ được thực hiện",
ông Thành nêu.
Thứ ba, quan điểm coi trường
Amsterdam hoặc các trường chuyên là mô hình để thí điểm một loại trường
tiên tiến, chất lượng cao trong giảng dạy nhằm giúp toàn bộ hệ thống
giáo dục cũng có chất lượng cao tương ứng cũng được cho là chưa thuyết
phục.
Theo ông Thành, nếu đó là mục đích chính của thí điểm thì
trường ấy phải nhận các em học sinh đa dạng về thành phần (trí tuệ, đạo đức,
thu nhập, sắc tộc…) y như ngoài đời thực, tức là phải có em giỏi em dốt, em
ngoan em chưa ngoan, em có điều kiện em không có điều kiện, v.v… như thế mới
có thể bảo đảm đó là một thí nghiệm trên một môi trường giống như môi trường
thực tế, và khi thành công, mới có thể nhân rộng.
Nhưng, nếu xây dựng một trường điểm, trường kiểu mẫu, mà chỉ
dạy các em học sinh giỏi, học sinh ngoan, học sinh sáng dạ, trên mức trung
bình, thì làm sao có thể bảo đảm mô hình ấy sau này áp dụng cho toàn xã hội
được?. Và nếu như thế, thì việc gì phải thử nghiệm mô hình ấy ngay từ đầu làm
gì vì đã thiết kế thí nghiệm sai rồi?.
Thứ tư, về ý kiến coi
trường Amsterdam hoặc trường là điều kiện cho người nghèo nhưng có tài có cơ
hội vươn lên, quan điểm này cũng khiến TS Thành băn khoăn.
Ông băn khoăn vì từ trước tới bây giờ số học sinh
nghèo theo học được trong trường rất hạn chế.
Nhưng điều sâu xa hơn, là nếu vậy thì các em học sinh
nghèo mà bị coi là bình thường, là không có tài thì sao? Họ không xứng đáng
để được đầu tư hay sao?
Điều này khiến ông đặt ra vấn đề: đối với những người đang
ở trong cùng một hoàn cảnh, nên đầu tư cho những người có năng lực vượt trội
hay cho những người có năng lực bình thường hoặc thậm chí là yếu. Hay đơn
giản là cứ đầu tư bình đẳng cho họ, trao cho họ cơ hội giáo dục như nhau là
đủ?. Ông Thành cho rằng, trả lời câu hỏi này cần một nền tảng triết lý nhân
văn về con người và xã hội.
Thứ năm, với lý
do tạo ra các trường chuyên như Amsterdam là bộ mặt giáo dục
cho thành phố, cho địa phương nói cách khác là coi các trường chuyên như một
cái tủ kính trưng bày những cái đẹp đẽ nhất có thể và vì thế phải đóng tiền
duy trì . Và các em học sinh – những người được tuyển lựa để trưng bày – bỗng
nhiên được hưởng một môi trường giáo dục long lanh như trong tủ kính, nhưng
lại không phải trả tiền nhiều. Với quan điểm này, ông Thành cho rằng với
số đông biết suy nghĩ, thực dụng và tự tin, họ sẽ không tiêu tiền cho mục
đích phù phiếm này.
Với tất cả 5 lý do nêu trên, ông Thành kết luận không thấy có cái nào phù hợp
với thực tế cần phải dùng tiền của số đông tài trợ một cách vượt trội cho một
nhóm nhỏ các em học sinh ở trong trường Amsterdam hay trường chuyên, trường
điểm. Nói cách khác, sự tồn tại của các trường này hiện nay đang không có mục
đích rõ ràng.
Xét lại từ góc độ cá nhân, ông Thành cho rằng trường
Amsterdam cũng đã không đạt được mục đích nào trong số các mục đích nêu trên
khi đào tạo, vậy nhưng học sinh học ở đây vẫn được hưởng một sự
giáo dục rất tốt với chi phí cao do người khác – đa số trong số ấy có con
không bao giờ học trường Amsterdam, chi trả.
"Tự tôi thấy đó là điều không công bằng, và tôi muốn
điều ấy chấm dứt", ông Thành nói.
Ông Thành cũng lập ra một cuộc Thảo luận về chủ đề
này và xem đây là cách ông trả ơn những người đã tài trợ cho ông trong
suốt thời gian theo học tại đây.
(Theo Đất Việt) Lam Nguyễn
|
Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét