Thiết bị y tế cập cảng 13 tỉ, về đến
bệnh viện 40 tỉ đồng
Cập nhật lúc 10:21
Tình trạng giá
thiết bị lộn xộn, bị đẩy cao đã diễn ra nhiều năm nay. Có thiết bị giá nhập
khẩu đến cảng Việt Nam trên 13 tỉ đồng, nhưng giá trúng thầu vào đến bệnh
viện hơn 40 tỉ đồng!
Hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 của Quảng Bình và Quảng Trị vừa mua -
Ảnh: QUỐC NAM
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày
3-5, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài
chính (hướng dẫn mua sắm tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức xã
hội...) hướng dẫn khi mua sắm các mặt hàng không thuộc diện Nhà nước quản lý
giá, các đơn vị có thể lấy căn cứ tại một trong các tài liệu, bao gồm: giá dự
toán giao; báo giá của các nhà cung cấp; thẩm định giá; kết quả trúng thầu
trước đó.
"Khoảng trống pháp lý của các căn cứ này là rộng, từ đó đã dẫn
đến tình trạng mỗi nơi một giá, giá "tù mù" do đơn vị sau không
biết đơn vị trước mua bao nhiêu, mặt bằng thị trường thế nào... do không được
công khai" - chuyên gia này cho biết.
Tuy nhiên, trước tình trạng đấu thầu, chỉ định thầu đều dẫn đến một
kết quả chung là giá thiết bị y tế bị đội cao so với giá nhập khẩu, đường đi
của thiết bị lòng vòng, nâng giá, vị đại diện này cho biết trước đây đấu thầu
thuốc cũng có tình trạng tương tự, nhưng hiện đã có quy định công khai giá
trúng thầu thuốc, giá bán buôn, giá nhập khẩu dự kiến trên website chính thức
của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, nhờ đó các đơn vị đấu thầu và chấm thầu giá
cao hơn giá công bố là bị phát hiện ngay.
Trong khi giá thiết bị y tế, vật tư y tế hiện chưa bị bắt buộc công
khai các mức giá này, quy định "hở sườn" nên giá lộn xộn.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tình trạng giá thiết bị lộn xộn, bị đẩy cao
đã diễn ra nhiều năm nay. Có thiết bị giá nhập khẩu đến cảng Việt Nam trên 13
tỉ đồng, giá trúng thầu vào bệnh viện hơn 40 tỉ đồng!
Tình trạng này từng xảy ra với giá thuốc vào bệnh viện và đã được khắc
phục phần nào, nhưng giá thiết bị y tế, vật tư y tế vẫn để hở, dẫn đến tình
trạng giá bị đẩy cao như việc mua máy xét nghiệm trong dịch COVID-19 này.
Ông Lê Văn Phúc - trưởng ban Dược, vật tư y tế Bảo hiểm xã hội Việt
Nam - cho biết quy định hiện hành bảo hiểm có tham gia các hội đồng đấu thầu
thuốc, nhưng đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế thì không.
"Chúng tôi có thống kê dữ liệu trúng thầu thiết bị và vật tư để
gửi cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương, tránh tình trạng nơi mua 7, nơi
mua 10 và thanh toán giá cao với bảo hiểm, nhưng về lâu dài Bộ Y tế nên có
chế tài để xử lý tình trạng này, nếu công khai được giá trúng thầu như với
thuốc chữa bệnh hiện nay cũng rất tốt" - ông Phúc nói.
Công khai sẽ giảm loạn giá
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết sau kiểm toán có ý kiến giá kim tiêm
cánh bướm có nơi hơn 1.000 đồng/kim, có nơi hơn 7.000 đồng/kim.
Bộ Y tế đã có văn bản giải thích do tính năng kỹ thuật của từng kim
khác nhau, không phải bệnh viện "dại dột" đến mức bệnh viện bạn mua
hơn 1.000 đồng/kim mà mình mua hơn 7.000 đồng/kim.
Pháp luật hiện hành không cấm cùng một loại thiết bị, loại tính năng,
model nhưng giá khác nhau, lý do thời điểm đấu thầu, chính sách của hãng cung
cấp, số lượng cung ứng... cũng liên quan đến mức giá.
Trong
trao đổi với Tuổi Trẻ, vị đại diện
Bộ Y tế cho biết như trên và nhấn mạnh "nếu bắt buộc công khai giá nhập
khẩu, giá trúng thầu trước đó sẽ khó có cơ hội đẩy giá thiết bị".
(Theo Tuổi trẻ) L.Anh
|
Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét