Cách ứng phó nguy cơ thảm họa
Cập nhật lúc 08:36
Xưa có chuyện, lão phú ông thấy anh hầu
có tính hấp tấp, nhiều khi bẩm báo vụ việc chẳng đến đầu đến đũa, khiến chủ
phát bực, liền yêu cầu từ nay mọi chuyện khi bẩm thưa đều phải ngọn ngành, có
đầu có đuôi.
Hôm ấy thấy phú ông đang ngồi thì gấu áo
the bén lửa từ từ cháy. Anh hầu thủng thẳng kể câu chuyện trồng dâu nuôi tằm,
xe tơ, dệt vải, may đo và cuối cùng ông chủ mua về chiếc áo the, nay ông đang
mặc, chiếc áo của ông đã bén lửa và đang cháy...
Việc ứng phó của chính quyền với vụ cháy
kho hàng của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) vừa
qua, khiến tôi liên tưởng đến chuyện tiếu lâm trên. Có lẽ UBND phường Hạ Đình
(quận Thanh Xuân) đã quá hấp tấp, không theo quy trình, báo cáo đầu đuôi nên đã bị
phê bình khi khuyến cáo người dân phòng ngừa?
Đám cháy lớn, độc hại, UBND phường cảnh báo, chỉ dẫn dân phòng ngừa nên suýt bị kỉ luật!
Chuyện là, khi kho chứa hàng rộng cả
nghìn mét vuông phát cháy, nhiều người dân đã cảm nhận bầu không khí khác
thường, gây khó chịu. Khi đó UBND phường Hạ Đình đã nhanh chóng ban hành văn
bản khuyến cáo, chỉ dẫn người dân cách phòng ngừa. Trong hai mục khuyến cáo gồm
mục 1 về vệ sinh cá nhân, có 7 nội dung như đeo khẩu trang, rửa mắt, mũi, súc
miệng, ăn uống bảo đảm vệ sinh, sơ tán trẻ em người già ra khỏi khu vực ảnh
hưởng…; mục 2 về vệ sinh môi trường gồm hướng dẫn thay giặt quần áo nhiễm
khói bụi, vệ sinh nhà cửa vật dụng… nói chung là rất cần thiết với người dân
quanh khu hỏa hoạn của cơ sở sản xuất công nghiệp độc hại. Chỉ có nội dung
cuối cùng (thứ 4 của mục 2) yêu cầu “tiêu hủy rau, trái cây tự trồng trong
bán kính 500m…” là không cần thiết và có thể xem là ngoài thẩm quyền.
Văn bản của UBND phường Hại Đình, quận Thanh Xuân bị thu hồi
Cách xử lí của UBND phường Hạ Đình bị coi
là vượt thẩm quyền và đã bị kiểm điểm, văn bản bị thu hồi. Có lẽ theo quy
trình thì phường phải báo cáo quận, quận báo cáo thành phố rồi thành phố đề
nghị ngành chức năng (y tế, môi trường) xuống thẩm định xem có đúng là ô
nhiễm đến mức nguy hiểm đến sức khỏe hay không để có hành động tiếp theo! Tóm
lại, dù gì thì câu chuyện cũng phải “có đầu có đuôi” như chuyện cháy áo của lão
phú ông!
Và đúng như vậy, sau 8 ngày kể từ khi vụ
hỏa hoạn xảy ra, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4/9, lãnh đạo Bộ Tài nguyên
và Môi trường đã chính thức xác nhận quy mô và mức độ ô nhiễm chất độc hại ra
môi trường (ước tính nguồn thủy ngân có thể phát tán ra sau vụ cháy là hơn 15
đến trên 27 kg). Thông tin này giờ chỉ có tác dụng nhìn nhận rõ thực trạng để
có giải pháp khắc phục hậu quả, làm sạch môi trường, còn với người dân chịu
ảnh hưởng, nó không còn mấy ý nghĩa!
Vậy hãy nhìn lại những khuyến cáo của
UBND phường Hạ Đình và đặt câu hỏi, nó có kịp thời và thiết thực với người
dân hay không? Tin rằng những ai đã nghe và làm theo khuyến cáo đó đã bớt đi phần
nào sự lo ngại cho sức khỏe của mình cùng gia đình.
Đằng sau cách xử sự vô trách nhiệm, khó
hiểu của quận Thanh Xuân là cái gì? Nên chăng, các cấp, ngành “bên trên” chịu
“hạ cố” xuống Hạ Đình để cùng phường kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc cho
cách ứng xử với một nguy cơ thảm họa môi trường!?
(Theo Báo Người cao tuổi) Đinh
Hoàng
|
Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét