Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

Nhìn lại vụ khủng bố 11.9: Ngày nước Mỹ mất sức mạnh bất khả xâm phạm

Cập nhật lúc 14:30    

Vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 để lại những bài học đau đớn và những cảnh báo về sức mạnh bất khả xâm phạm của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ.


Tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy khi chuyến bay 175 của United Airlines bị không tặc lao vào. Ảnh: Getty Images

Hình ảnh hai chiếc máy bay chở khách lao vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York vào ngày 11.9.2011 sẽ được khắc vĩnh viễn vào ký ức người dân Mỹ và thế giới.
Kể từ đó, khủng bố dường như đã lan tràn khắp nơi, đã có sự hoảng loạn ở nhiều quốc gia. Bởi đây là lần đầu tiên nước Mỹ bị một thế lực nước ngoài tấn công kể từ năm 1941 khi Nhật Bản nhắm vào Trân Châu Cảng ở Hawaii và cũng là lần đầu tiên lục địa Mỹ bị tấn công kể từ sau chiến tranh cách mạng thế kỷ 18.
18 năm sau vụ khủng bố lịch sử, những bài học nằm lòng đã được rút ra không chỉ với Mỹ và cả thế giới.
Không nước nào là bất khả xâm phạm
Sự táo bạo và kế hoạch tỉ mỉ của al-Qaeda đã phơi bày lỗ hổng an ninh của tất cả các nước trên thế giới. Không có quốc gia nào có thể được coi là bất khả xâm phạm, kể cả Mỹ.
Vụ tấn công 11.9 đã phá tan nhầm tưởng về sự bất khả xâm phạm. Lần đầu tiên, thế giới rút ra bài học rằng chủ nghĩa khủng bố là chính sách của một số thế lực và tổ chức khao khát có được quyền lực chính trị bằng cách kích động chủ nghĩa tôn giáo.
Chính sách là chìa khóa
Chính sách là chìa khóa để ngăn chặn bất kỳ tội phạm nào, kể cả chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, chính sách không chỉ được thực hiện bởi lực lượng cảnh sát mà là tất cả các cơ quan. Vài ngày sau vụ tấn công 11.9 đã xuất hiện các đoạn video những kẻ không tặc đâm máy bay vào Lầu Năm Góc đã được chiếu tại sân bay Dulles của Washington.
Nhân viên an ninh trong video đã cho qua 1 kẻ nằm trong danh sách theo dõi chống khủng bố và 1 kẻ không có ảnh căn cước. Điều này đã xảy ra ở Mỹ, nơi được biết đến là một quốc gia hùng mạnh và an ninh cao.
Nếu việc kiểm soát được thực hiện hiệu quả thì âm mưu có thể đã bị phơi bày hoặc ít nhất 1 mục tiêu có thể đã được cứu và những kẻ khủng bố đã bị bắt sống. 


Trung tâm Thương mại Thế giới bị máy bay không tặc tấn công ngày 11.9.2001. Ảnh: Getty Images
Không nên bỏ qua thông tin tình báo
Hầu hết các quốc gia hùng mạnh hoặc những nước khao khát trở nên hùng mạnh đều tự hào về việc thu thập thông tin tình báo. Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã cảnh báo về cuộc tấn công khủng bố "sắp xảy ra" trên đất Mỹ.
Các báo cáo cho thấy CIA đã gửi báo cáo tới bà Condoleezza Rice - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống George Bush - vài tháng trước vụ 11.9. Tình báo CIA nói cụ thể rằng al-Qaeda đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ở Mỹ.
Những cảnh báo tương tự đã được gửi đến Nhà Trắng và Tổng thống Bush, nhưng dường như phần lớn bị các cơ quan chức năng bỏ qua. Bài học rút ra là thông tin tình báo về âm mưu khủng bố không bao giờ được xem nhẹ.
Dòng tiền
Bất kỳ mọi cuộc tấn công khủng bố nào đều có yếu tố về tiền. Trong vụ tấn công 11.9, dòng tiền đã chảy qua các tổ chức quốc tế nhưng lại không được để ý.
Điều tra về vụ 11.9 cho thấy tiền đã được gửi đến những kẻ không tặc từ nước ngoài. Từ đó, chúng gửi tiền đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong 4 đợt, chỉ 3 ngày trước vụ tấn công làm thế giới choáng váng.
Tất cả 4 khoản thanh toán đã được thực hiện thông qua Western Union nhưng công ty hoặc các các cơ quan an ninh không để ý những giao dịch đáng ngờ này.


Thành phố New York nhìn từ trên cao sau khi Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ. Ảnh: AFP
Bất ổn chính trị ươm mầm khủng bố
Sự bất ổn chính trị hoặc đấu đá nội bộ có thể là nơi sản sinh của khủng bố. Đây là một bài học được ngụy trang nhưng rất quan trọng từ vụ khủng bố 11.9, theo cả hai cách: bất ổn chính trị ở một quốc gia nguồn (ví dụ Pakistan, Afghanistan), và một quốc gia mục tiêu (chẳng hạn Mỹ, Ấn Độ).
Cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc
Cuộc chiến chống khủng bố là bài học chưa bao giờ kết thúc với bất kỳ nước nào. Mỹ đang chiến đấu để tiêu diệt hạ tầng và các nhóm khủng bố ở Trung Đông và Afghanistan. Theo chỉ số khủng bố toàn cầu, 77 nước đã hứng chịu những hành động khủng bố trong năm 2017.
(Theo Lao Động) NGỌC VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét