Không loại trừ, các 'nhóm lợi ích' sẽ đẩy đất nước vào nguy cơ
khó lường
Cập nhật lúc 10:10
Đây đúng là “cuộc chiến” không hề đơn
giản khi các “nhóm lợi ích” hiện nay thường câu kết một cách ngầm ẩn, rất khó
phát hiện.
Những vụ án, xử lý kỷ luật liên quan lợi ích nhóm gần
đây
Từ hàng loạt
đại án tham nhũng, kỷ luật cán bộ từ T.Ư tới địa phương thời gian qua, ông Lê
Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư (ảnh), đánh
giá “các nhóm lợi ích” đang xuất hiện ở nhiều nơi và nếu không sớm có biện
pháp kiên quyết, đất nước có thể đứng trước nguy cơ khó lường.
Theo nguyên
Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư, những vụ việc như vụ án MobiFone
mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) là một điển hình của
“nhóm lợi ích” liên kết với nhau để “làm bậy”, gây thiệt hại cho tài sản của
nhà nước. “Rõ ràng đó là cuộc bắt tay giữa doanh nghiệp với những người giữ
các chức vụ, trọng trách trong bộ máy nhà nước, thậm chí mua chuộc bằng hối
lộ, từ đó dùng thủ đoạn nâng giá Công ty AVG để trục lợi”, ông Thưởng đánh
giá và cho rằng, có thể vẫn còn những “nhân vật đứng sau” chưa được lôi ra
ánh sáng trong vụ việc này...
Ảnh: Ngọc Thắng
“Hư hỏng”, sai phạm tập thể
Nếu không
ngăn chặn được các “nhóm lợi ích”, sự cấu kết, móc ngoặc giữa các doanh
nghiệp với những cán bộ, lãnh đạo hư hỏng trong bộ máy chính quyền, thậm chí
là những cán bộ, lãnh đạo với nhau để thao túng quyền lực và trục lợi thì tôi
e đất nước sẽ phải đối mặt với những nguy cơ khó lường
Không chỉ vụ án AVG mà nhìn lại hàng loạt vụ việc
tại các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, mới đây nhất là Đồng Nai khi liên
tiếp cả dàn lãnh đạo bị kỷ luật, thậm chí khởi tố, nhiều người lo ngại rằng
các “nhóm lợi ích” đang xuất hiện phổ biến, thưa ông?
Chưa thể
đánh giá là phổ biến nhưng rõ ràng là các nhóm lợi ích đang ngày càng nhiều
lên. Đây là điều rất đáng lo ngại. Như ở Đồng Nai là một ví dụ. Mới cách đây
một năm, một phó bí thư tỉnh ủy của tỉnh này là Phan Thị Mỹ Thanh bị cách hết
chức vụ do ký nhiều văn bản để công ty của chồng có được các dự án béo bở của
tỉnh. Rồi mới đây là một loạt lãnh đạo công an tỉnh, trưởng ban nội chính
tỉnh ủy bị kỷ luật với hàng loạt sai phạm. Rõ ràng đây là sai phạm tập thể,
“hư hỏng” tập thể đậm nét và có liên quan chặt chẽ tới nhau.
Hay như vụ
Vũ “nhôm” (Phan Văn Anh Vũ - PV), đó phải là những mối quan hệ lợi ích rất
chằng chịt, lắt léo chứ làm sao một người như Vũ “nhôm” lại có thể “bắt” cả
dàn lãnh đạo TP.Đà Nẵng hay thậm chí là cả một thứ trưởng Bộ Công an quyền
lực như Bùi Thành (Bùi Văn Thành - PV) ký hàng loạt giấy tờ bán nhà đất, công
sản trái pháp luật cho Vũ “nhôm” được.
Sự cấu kết
của các “nhóm lợi ích” để cùng nhau trục lợi rất rõ ràng. Nhưng theo ông vì
sao trong thời gian dài, các “nhóm lợi ích” lại có thể thao túng, “lũng đoạn”
như vậy? Như vụ việc AVG, có đại biểu Quốc hội còn không thể tin rằng, một
hợp đồng lớn như vậy mà qua bao nhiêu quy trình vẫn không ai biết, không thấy
ai nói gì?
Đúng là không thể có chuyện không
ai biết, không ai thấy gì, song đã không ai nói ra. Tôi cho nguyên nhân ở đây
chính là nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ đã không được thực hiện
tốt. Trong nội bộ mà không phát huy dân chủ, không có đấu tranh thì không bật
ra được cái đúng cái sai. Họp hành chỉ xuân thu nhị kỳ rồi chỉ đọc báo cáo.
Khi phát biểu ý kiến thì nể nang, thậm chí sợ anh bí thư, chủ tịch không dám
nói ra hoặc có nói thì chỉ nói theo. Nó dẫn đến sự “tê liệt” của các đảng bộ
cơ sở ở nhiều cấp.
Ở đây cũng
có “phần lỗi” của cơ quan kiểm soát quyền lực T.Ư như Ban Tổ chức T.Ư hay Ủy
ban Kiểm tra T.Ư đã không giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện khuyết điểm,
sai phạm để răn đe, xử lý. Như vụ việc ở Đồng Nai, Đà Nẵng, TP.HCM, những sai
phạm của các cán bộ, lãnh đạo đã xảy ra từ trước nhưng đáng tiếc là họ vẫn
được quy hoạch, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt của địa phương...
Khi địa phương, cơ sở thiếu dân chủ, thiếu tinh thần đấu tranh với cái tiêu
cực, cái sai; cơ quan Đảng cấp trên lại thiếu kiểm tra, giám sát thì đương
nhiên dẫn đến tiêu cực kéo dài.
Phát huy dân chủ là gốc
“Phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khó, phức tạp.
Nó đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người, và lợi ích ở đây là lợi
ích nhóm. Nó liên quan chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất lắt
léo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thực sự có bản lĩnh, có kiến thức, có
kinh nghiệm, đặc biệt là phải trong sáng, công tâm, liêm khiết, phối hợp chặt
chẽ”.
Tổng bí thư, Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng
Rõ ràng cuộc đấu tranh với những tiêu cực, tham nhũng, với các “nhóm lợi ích” không hề đơn giản, thưa ông?
Vừa rồi
chúng ta đã làm một loạt những vụ án lớn, đáp ứng được mong đợi của nhân dân.
Những vụ tiêu cực tham nhũng đó không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc, tài sản
của nhà nước, nhân dân mà còn mất rất nhiều cán bộ, mất niềm tin. Nếu không
ngăn chặn được các “nhóm lợi ích”, sự cấu kết, móc ngoặc giữa các doanh
nghiệp với những cán bộ, lãnh đạo hư hỏng trong bộ máy chính quyền, thậm chí
là những cán bộ, lãnh đạo với nhau để thao túng quyền lực và trục lợi thì tôi
e đất nước sẽ phải đối mặt với những nguy cơ khó lường. Nhưng đây đúng là
“cuộc chiến” không hề đơn giản khi các “nhóm lợi ích” hiện nay thường câu kết
một cách ngầm ẩn, rất khó phát hiện.
Năm sau
(2020), chúng ta sẽ tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của
Đảng, theo ông cần phải làm gì để ngăn chặn các “nhóm lợi ích” câu kết, chạy
chọt để lọt vào cấp ủy, rồi vào T.Ư để rồi tiếp tục thao túng quyền lực và
trục lợi cá nhân?
“Khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh
công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau”
thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình
thức tinh vi, phức tạp hơn... Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần
hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “nhà nước mua đắt, bán rẻ”
các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các
vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi”.
Theo Báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham
nhũng 2019 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Quan trọng nhất là phải phát huy được tinh thần dân chủ trong nội bộ và trong nhân dân. Không có đảm bảo nguyên tắc dân chủ này, không làm gì được hết bởi muốn cho tổ chức vững mạnh, cán bộ trong sáng thì phải dựa vào ý kiến của chính đảng viên, nhân dân. Không một ông cán bộ nào đứng ngoài nhân dân được. Nhưng quan trọng là phải có cơ chế và phải biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của họ. Không nghe, không tiếp thu thì không giải quyết được. Tất cả những vụ việc thời gian vừa qua tôi cho là người ta biết cả nhưng vì mất dân chủ, không phát huy được tiếng nói đúng đắn của những người trong nội bộ, đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực. Nếu như có tiếng nói của nhân dân, của các đảng viên cơ sở thì các “nhóm lợi ích” sẽ không thể làm gì được.
Và như ông
nói ở trên thì công tác giám sát, quản lý cán bộ cũng phải làm tốt hơn?
Phải tổng rà
soát lại tình hình cán bộ của ngành, địa phương xem vấn đề nổi lên là gì? Có
vấn đề cán bộ giàu lên bất thường không? Có cục bộ, địa phương, câu kết với
nhau để làm ăn không? Hay trình độ, năng lực cán bộ, lãnh đạo có phù hợp hay
không? Bên cạnh đó, như tôi đã nói nhiều lần, đánh giá cán bộ cũng phải thay
đổi, hiện nay còn nể nang, dĩ hòa vi quý nhiều quá. Đánh giá cán bộ phải căn
cứ vào sản phẩm thực tế. Anh có sản phẩm không hay anh chỉ ngồi thừa gió bẻ
măng, cần vỗ tay thì vỗ rồi câu kết với nhau để trục lợi?
Chúng ta
không thể chắc chắn 100% những người được bầu vào cấp ủy các cấp không có
những “hạt gạo lép”, “hạt gạo mọt” nhưng nếu phát huy dân chủ, thông qua kiểm
tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch vẫn có thể hạn chế tối đa những
thành phần cơ hội, “lợi ích nhóm”, “chạy chọt” để vào cấp ủy.
(Theo Thanh Niên) Lê Hiệp
|
Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét