Chiêu trò 'bồi da, đắp thịt, vỗ béo' AVG cho phi vụ 8.900 tỷ đồng
Cập nhật lúc
09:50
Móc nối dữ liệu kết quả thanh tra, điều tra
vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) cho
thấy kịch bản dẫn đến thương vụ này khá ly kỳ. Thông tin đối tác nước ngoài
hỏi mua AVG; doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ, mua thêm cổ phần các công ty
khác chỉ là chiêu trò “bồi da, đắp thịt, vỗ béo” AVG nhằm chuẩn bị cho vụ “áp
phe” trị giá 8.900 tỷ đồng sau này.
AVG trong những năm đầu thành lập chủ yếu bán các đầu thu phát sóng
Ảnh: A. Tuấn
“Bồi da đắp
thịt” kỳ lạ?
Năm 2008, AVG
được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp với vốn điều lệ khi thành lập chỉ là 300 tỷ đồng. Ngành nghề chính gồm
4 lĩnh vực, gồm: Kinh doanh bán đầu thu và phụ kiện; Dịch vụ cước thuê bao;
Dịch vụ quảng cáo; Dịch vụ truyền dẫn. Đến ngày 31/12/2014 vốn điều lệ AVG
tăng lên thành 2.150 tỷ đồng.
Năm 2014 cũng là thời điểm AVG bắt đầu chào bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. “Năm 2014, AVG đã thống nhất với đối tác nước ngoài (Công ty 8206 Hồng Kông) về việc AVG sẽ bán ít nhất 49% tỷ lệ cổ phần. Người môi giới của Vũ là Tào Nhân Siêu (không xác định được nhân thân, lai lịch) đã nhận đặt cọc 10 triệu USD trước khi ký hợp đồng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Việc thoả thuận bán cổ phần với Công ty 8206 Hồng Kông không có tài liệu chứng minh và việc nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD chỉ là dự kiến, chưa nhận số tiền này”, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ khai. Cơ quan chức năng xác định lời khai này không có cơ sở.
Theo tài
liệu của Thanh tra Chính phủ (TTCP), ngày 15/10/2014, AVG có văn bản gửi Bộ
TT&TT xin ý kiến chỉ đạo về việc chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước
ngoài, trong đó có nội dung: Giá mua cổ phần bằng 7 lần giá vốn, tức là số
tiền AVG sẽ nhận được khoảng 525 triệu USD khi bán 75% cổ phần…
Qua nội dung
báo cáo trên của AVG cho thấy, AVG đã thoả thuận giá bán và dự kiến đặt cọc
10 triệu USD vào thời điểm trước 15/10/2014. Song câu hỏi đặt ra là vì sao
khi đã “chốt” được khách mua, nhưng chỉ trong hai tháng cuối năm 2014, AVG
vẫn quyết định bỏ hơn 2.400 tỷ đồng để “ôm” lại cổ phần của Công ty Cổ phần
An Viên B.P thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vũ với giá cao gấp 12 lần mệnh giá
cổ phần? Và vì sao AVG “ôm” cổ phần của Công ty CP giống tằm Mai Lĩnh của bà
Hoàng Thanh Hằng và Phạm Thu Trang với giá chuyển nhượng cao gấp 17 lần mệnh
giá cổ phần? Chưa hết, chỉ trong vòng 20 ngày, AVG đã quyết định tăng vốn
điều lệ đến hai lần, nâng từ 2.150 tỷ đồng lên thành 3.628 tỷ đồng vào ngày
19/1/2015.
Khi “ghép
nối” những thông tin nêu trên với kết quả điều tra của cơ quan điều tra
(CQĐT) Bộ Công an vừa công bố sẽ thấy dư luận hồ nghi về thông tin đối tác
nước ngoài hỏi mua AVG, việc tăng vốn điều lệ, mua thêm cổ phần các công ty
chỉ là chiêu trò “bồi da, đắp thịt” của AVG, chuẩn bị cho cú “áp phe” trị giá
8.900 tỷ sau này là hoàn toàn có cơ sở.
Theo kết quả điều tra, hai tháng sau ngày AVG tăng vốn điều lệ, ông Nguyễn Bảo Long, Phó Tổng giám đốc Mobifone gọi điện cho Phạm Nhật Vũ hỏi mua AVG. Tại buổi đàm phán đầu tiên, AVG đã chào bán toàn bộ cổ phần AVG cho Mobifone với giá 15.577 tỷ đồng (trong đó trị giá mảng truyền hình là 600 triệu USD, tương đương 13.194 tỷ đồng), gấp gần 5 vốn điều lệ. Sau 5 lần thương thảo, Mobifone và AVG chốt giá 8.898,3 tỷ đồng cho 95% cổ phần AVG. Trong khi thực tế, TTCP phát hiện sau khi loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình thì trị giá của mảng truyền hình chỉ là 787 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 1.266 tỷ đồng.
Bản thân ông
Nguyễn Bắc Son thừa nhận: biết Phạm Nhật Vũ từ khi ông đương chức Bộ trưởng
Bộ TT&TT và chính ông Son là người chỉ đạo trực tiếp, thúc đẩy thương vụ
Mobifone mua 95% AVG diễn ra trót lọt. Để rồi sau đó, ông Son được hối lộ 3
triệu USD. Vì vậy dư luận có quyền đặt nghi vấn về một kịch bản “đốt” tiền
nhà nước đã được các bị can dàn dựng từ trước.
“Ma thuật” của các công ty thẩm định
Thực trạng
tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác
định trị giá doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn. Tại thời điểm
xác định trị giá doanh nghiệp 31/3/2015 “sức khỏe” AVG rất xấu: Tổng tài sản
là 3.260,6 tỷ đồng; nợ phải trả là 1.266,8 tỷ đồng; trị giá còn lại của tài
sản cố định là 208,5 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá,
doanh nghiệp này hoạt động liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,9
tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ) song với “ma thuật” của các công ty thẩm định
giá, AVG bỗng có trị giá vô cùng lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Điển hình,
kết quả thẩm định trị giá AVG do Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế
toán và Kiểm toán (AASC) thực hiện là 33.299,4 tỷ đồng; do Công ty TNHH Chứng
khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) thực hiện là 24.548,1 tỷ
đồng (VCBS không có tên trong danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện hành
nghề thẩm định giá tài sản); Trị giá AVG do Hanoi Valu thẩm định tại thời
điểm 31/3/2015 là 18.519,9 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và Thẩm định giá AMAX
(AMAX) định giá 16.565 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, kết quả định giá của các công ty này đều không có cơ sở, vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam.
Sau đó, kết
quả thẩm định trị giá AVG của AMAX đã được Mobifone sử dụng để đàm phán giá
chuyển nhượng với các cổ đông AVG. Đáng chú ý, quá trình điều tra, bị can
Phạm Thị Phương An, nguyên Phó Tổng giám đốc Mobifone thừa nhận khi tham gia
xây dựng dự án đã biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh
thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần AVG chênh lệch lớn so với giá
trị thể hiện trên sổ sách nhưng được tổng giám đốc giao nhiệm vụ ký, thực
hiện và nghiệm thu hợp đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG với AMAX. Đặc
biệt, bị can Phương Anh cũng biết, Mobifone đã “tuồn” cho AMAX kết quả định giá
của VCBS cung cấp cho Mobifone.
Bốn
quan chức được Phạm Nhật Vũ hối lộ tổng cộng 6,2 triệu USD (từ trái qua: ông
Sơn - Trà - Tuấn - Hải)
Kết luận
điều tra của cơ quan CSĐT, bị can Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Mobifone khai: Sau
khi được ông Son gợi ý mua cổ phần AVG đã tìm hiểu và biết tình hình tài
chính của AVG xấu, kinh doanh thua lỗ, nợ vay lớn, nếu mua cổ phần AVG sẽ ảnh
hưởng lợi nhuận, kết quả kinh doanh của Mobifone, song vẫn đàm phán giá mua
AVG 8.898,3 tỷ đồng.
Tương tự, bị
can Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc Mobifone khi thấy tình hình tài chính AVG bất
ổn, nếu thực hiện dự án sẽ không khả thi nên đã báo cáo cấp trên là Lê Nam
Trà và Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, nhưng cả ông Son và Trà đều chỉ đạo Hải phải
thực hiện mua dự án.
(Theo Tiền Phong) Lê Dương
|
Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét