Chặn đứng âm mưu độc chiếm biển Đông
Cập nhật lúc 14:14
Những hành vi của Trung Quốc dùng máy bay chiến đấu và máy bay không
người lái để kiểm soát biển Đông rất có thể là một bước để họ tiến tới tuyên
bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông - một phần trong âm mưu chiếm
trọn biển Đông
Trừ vài giai đoạn ngắn, từ khoảng giữa tháng 6-2019 tới
nay, tàu khảo sát thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống
bằng một số lượng lớn tàu hải cảnh, hải giám trang bị vũ khí hạng nặng, tàu
dân quân biển giả dạng tàu cá và đôi khi cả tàu chở hàng đã liên tục xâm phạm
vùng biển Việt Nam để thực hiện thăm dò địa chất.
Từng bước độc chiếm biển Đông
Việc này không chỉ xảy ra với vùng biển Việt Nam mà còn
với một số nước khác trong khu vực.
Từ lâu, Trung Quốc thể hiện rõ mục tiêu từng bước độc
chiếm biển Đông. Họ đã và đang thực hiện việc đó bằng chiến thuật "tằm
ăn lá dâu", "cây bắp cải" và "vùng xám". Chiến thuật
"tằm ăn lá dâu" giúp họ từng bước chiếm trọn biển Đông; trong khi
chiến thuật "cây bắp cải" và "vùng xám" là họ sử dụng rất
nhiều lực lượng khác nhau, trong đó chủ yếu là lực lượng dân quân biển ngụy
trang dưới dạng các tàu cá được trang bị vũ khí để sẵn sàng phối hợp với các
tàu chấp pháp dân sự trên biển như tàu hải cảnh và các loại tàu khác, thậm
chí tàu chở hàng để quấy nhiễu vùng biển các nước khác.
Việt Nam cần gửi công hàm tới Tổng Thư ký,
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để phản đối Trung
Quốc và khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam Ảnh: LIÊN HIỆP QUỐC
Cần chú ý rằng Trung Quốc và các nước ASEAN đang đàm phán
xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Có nhiều ý kiến cho
rằng bằng các hành động bắt nạt trên thực địa, Trung Quốc đang gây sức ép với
Việt Nam và các nước ASEAN khác để bắt các nước thuận theo những đề xuất của
Trung Quốc.
Việt Nam cần làm gì?
Đối mặt với nguy cơ mới, để đấu tranh một cách hiệu quả
với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Việt
Nam cần cấp bách thực hiện một số giải pháp.
Cần tiếp tục các hoạt động phản đối về mặt ngoại giao với
Trung Quốc, tất cả tài liệu phản đối sau này sẽ được sử dụng trong cuộc đấu
tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền. Trên thực địa, ta cần tiếp tục kiên quyết,
kiên trì phản đối các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc.
Tăng cường các hoạt động truyền thông để cung cấp cho nhân
dân trong nước và bạn bè quốc tế biết về hoạt động của các tàu Trung Quốc và
những hoạt động đấu tranh của Việt Nam. Cần cung cấp chi tiết, cập nhật
thường xuyên hiện trạng hoạt động của các tàu Trung Quốc và các tàu thực thi
pháp luật trên biển của Việt Nam trên bản đồ và các bảng số liệu. Nên tổ chức
các chuyến đưa phóng viên trong nước và nước ngoài tới hiện trường Trung Quốc
vi phạm vùng biển Việt Nam để lan tỏa thông tin, khẳng định tính chính danh
của Việt Nam.
Cần tận dụng tất cả diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt
là các diễn đàn ASEAN và Liên Hiệp Quốc (LHQ), để thông báo cho bạn bè thế
giới biết về các hoạt động vi phạm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc cũng như
các nỗ lực kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc
gia trên biển của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam cần gửi công hàm tới Tổng Thư
ký, Hội đồng Bảo an LHQ, Đại hội đồng LHQ để phản đối Trung Quốc và khẳng
định lập trường chính nghĩa của Việt Nam.
Cần vận động để tìm cơ hội điều trần tại nghị viện các nước,
đặc biệt là Mỹ và các nước lớn khác, về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc
trên biển Đông và vùng biển Việt Nam để các nước khác hiểu và tham gia đấu
tranh chống các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.
Cần tuyên bố công nhận và ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng
tài thường trực về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc; đồng thời xem xét
các khả năng xin tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và Tòa án Quốc tế về
Luật Biển (ITLOS) về việc diễn giải các phán quyết của Tòa Trọng tài thường
trực đối với vùng biển Việt Nam.
Cần xem xét tới đề xuất của GS Carl Thayer về việc thông
báo sẽ bắt giữ các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt
Nam và đề nghị Cảnh sát quốc tế (Interpol) truy nã các tàu đó. Cần thông báo
rộng rãi chủ trương này cho các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là LHQ.
Cần tích cực chuẩn bị hồ sơ và sẵn sàng kiện Trung Quốc ra
một tòa án quốc tế thích hợp về việc Trung Quốc xâm phạm và hoạt động trái
phép trong vùng biển Việt Nam.
|
Theo Người Lao
Động
PGS-TS Vũ Thanh Ca (Trường ĐH Tài nguyên và
Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ,
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét