Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Vì sao khó chống tẩu tán tài sản tham nhũng?

Cập nhật lúc 08:22                  

TS Cao Sĩ Kiêm chỉ ra một số điểm yếu trong phòng chống tham nhũng khiến tỉ lệ thu hồi tài sản từ tham nhũng còn thấp.

Bàn tiếp về vấn đề thu hồi tài sản từ tham nhũng, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ ra 3 điểm yếu nhất trong công tác phòng chống tham nhũng khiến tỷ lệ thu hồi tài sản từ tham nhũng còn thấp; việc hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng còn phức tạp. 
Thứ nhất, cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng chưa hoàn chỉnh, chặt chẽ ngay từ khâu điều tra, phát hiện án. Lẽ ra khi phát hiện án, cơ quan chức năng phải có các biện pháp quản lý tài sản ngay, nhưng bởi các khâu thiếu đồng bộ, bộc lộ nhiều sơ hở nên các đối tượng tham nhũng lợi dụng để tẩu tán tài sản ngay.
Có những vụ án sau khi xử xong mới phát hiện đối tượng tham nhũng đã tẩu tán tài sản từ lúc nào rồi: họ chuyển dịch tài sản cho người thân, họ hàng, tẩu tán ra nước ngoài... Điều đó cho thấy, ngay từ đầu đã thiếu sự thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan điều tra, kiểm soát, xử lý.
Thứ hai, qua nhiều vụ án lớn có thể thấy khâu quản lý đương sự, tội phạm còn lỏng lẻo. Có tình trạng khi vừa khởi tố hoặc chưa kịp khởi tố thì một số đối tượng liên quan đã trốn ra nước ngoài, như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, rồi cả Dương Chí Dũng trước đây.
Thứ ba, chưa phát huy được khả năng giám sát của nhân dân. Nhiều khối tài sản kếch xù được các cán bộ, quan chức tham nhũng sang tên cho vợ con, họ hàng. Đó không phải là cây kim sợi chỉ và người dân đều biết chuyện đó, vậy tại sao không phát huy khả năng giám sát của người dân? Người dân tỉnh táo, nhiều tai mắt, có thể nhìn nhận, phân tích, phát hiện được rất nhiều, vì thế đây là yêu cầu quan trọng để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả.
Một điểm khác được TS Cao Sĩ Kiêm chỉ ra, đó là việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức vẫn mang tính hình thức.


Bất động sản là thị trường mà các đối tượng tham nhũng có thể lợi dụng để rửa tiền, hợp thức hóa tài sản tham nhũng

"Việt Nam có thực hiện kê khai tài sản nhưng kê khai xong lại để ngăn kéo cơ quan, tổ chức cán bộ quản lý, đến khi có việc gì mới mở ra xem. Như vậy không có tác dụng gì hết. Kê khai tài sản phải công khai, minh bạch, người dân biết rõ vị quan chức ấy có bao nhiêu cái nhà, bao nhiêu mảnh đất, tài sản khác thế nào, nếu công khai bản kê khai tài sản họ mới có cơ hội so sánh, đối chiếu với thực tế, nếu không khớp là phát hiện ra ngay", nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói.
Đặc biệt, ông cho biết, chính thói quen giao dịch bằng tiền mặt, kể cả với giao dịch những tài sản lớn như bất động sản là nguyên nhân quan trọng khiến việc phòng chống các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng trở nên khó khăn.
"Khi đã thanh toán bằng tiền mặt thì nó có thể lẩn trốn, trí trá rất nhanh, nếu không có biện pháp quản lý, kiểm soát thường xuyên, nghiêm ngặt thì ắt sẽ xảy ra hoạt động rửa tiền.
Ở các nước, việc thanh toán bằng tiền mặt được kiểm soát rất chặt chẽ, trong khi ở Việt Nam, người ta biếu xén, đút lót, chạy chọt dự án... toàn bằng tiền mặt. Chính thói quen thanh toán bằng tiền mặt đã khiến tình trạng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản tham nhũng, mà thực chất là rửa tiền, trở nên sôi động.
Nhiều vụ án diễn ra thời gian qua cho thấy một người có thể sở hữu rất nhiều đất đai nhà cửa. Việc sở hữu số lượng bất động sản nhiều và lớn là do hầu hết các giao dịch mua bán đều bằng tiền mặt, hơn nữa tài sản lại được đứng tên bởi bất cứ ai mà không có ai theo dõi, không có người quản lý", TS Cao sĩ Kiêm chỉ ra thực tế.
Khẳng định Việt Nam đã có nhiều công cụ để phòng chống rửa tiền, đặc biệt là có Luật Phòng chống rửa tiền, trong đó quy định chi tiết từ đối tượng, dấu hiệu giao dịch đáng ngờ, nguồn nước ngoài, nguồn trong nước thế nào, truy xét, kiểm soát ra sao..., TS Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh, điều quan trọng là những quy định ấy có được thực hiện nghiêm túc hay không.
""Trước đây Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật, chưa có chế tài xử lý hoạt động này thì đã đành, nhưng những năm gần đây chúng ta đã có chế tài, có bộ máy, có định hướng rõ ràng, vấn đề là làm như thế nào. Điều này phụ thuộc vào chủ quan của chúng ta chứ không phải do khách quan hay ở đâu mang đến.
Quan trọng là các cơ quan quản lý có muốn làm hay không, làm có mạnh mẽ, đúng tầm không, hay chỉ nói cho xong rồi đẩy trách nhiệm sang người khác, như thế thì không bao giờ có kết quả", ông nói.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét