Phía sau cú đấm của U15 Thái Lan là sự
bất lực của một nền bóng đá
Cập nhật lúc 09:21
Đó không chỉ là những cú đấm, đó là sự bất lực khi
U15 Thái Lan không thể vượt qua U15 Malaysia, là sự tuyệt vọng của một nền
bóng đá đã đánh mất vị thế bá chủ khu vực.
Chúng ta sẽ còn nói rất nhiều về tình
huống xô xát cuối trận chung kết Giải U15 Đông Nam Á 2019 giữa các cầu thủ
Thái Lan và Malaysia trong trận đấu diễn ra tối 9/8. Thời điểm xảy ra sự cố
là khi U15 Malaysia đang dẫn 2-1 và sẽ giành chức vô địch nếu giữ nguyên kết
quả ấy tới hết giờ.
Những tình
huống câu giờ chiến thuật của cầu thủ Malaysia đã khiến người Thái tức giận.
Sau vài pha tranh chấp quyết liệt, họ không còn giữ được bình tĩnh và kết quả
cuối cùng là một cú đấm mở đầu cho cuộc hỗn chiến.
Điều gì ẩn phía
sau hành động ấy? Thất bại tại chung kết là lần thứ hai ở Giải U15 Đông Nam Á
2019, Thái Lan không thể vượt qua Malaysia. Trước đấy, họ bị đối thủ cầm hòa
ở trận đấu cuối vòng bảng và chấp nhận mất ngôi đầu. Hai lần gặp U15
Malaysia, Thái Lan không thắng nổi một trận. Cả hai lần, họ đều để đối thủ
giành được những kết quả như ý.
Những cú đấm
trên sân Chonburi là sự kích động từ một tình huống cụ thể, nhưng nó cũng là
sự bộc phát được dồn nén từ cảm giác bất lực. Anh được đá trên sân nhà, anh
là nền bóng đá cao hơn, anh đã dẫn bàn trước (U15 Thái Lan mở tỷ số nhưng
thua ngược 1-2), anh tưởng như có mọi lợi thế. Vậy mà mặc kệ tất cả, anh vẫn
không thắng được người ta.
Cú đấm của những chàng trai U15 Thái Lan, về bản chất, không khác
với cái tát của Thitipan Puangchan dành cho Đoàn Văn Hậu,
không khác với pha vào bóng hằn học của Theerathon Bunmathan với Công Phượng,
không khác với tiếng cổ vũ của người Thái dành cho Curacao trong trận chung
kết King’s Cup.
Những hành động
ấy nói lên rất nhiều điều. Rằng các đội tuyển Thái Lan, những người vốn được
cho là tài năng hơn, bản lĩnh hơn, thông minh hơn ấy rốt cuộc cũng đầy rẫy
khuyết điểm. Khi không còn được nâng đỡ bởi sự vượt trội về chuyên môn, cầu
thủ Thái Lan cũng không hơn gì những đồng nghiệp tại Đông Nam Á. Họ cũng bối
rối vì thất bại, sợ hãi khi thua trận.
Họ không còn là những kẻ cao cao không thể vươn tới, không còn ở
vị trí áp đảo quần hùng, không còn giữ được sự tôn nghiêm. Những điều đó
không bị đánh rơi khi họ thua tan nát trước Nhật Bản hay Saudi Arabia ở châu
Á, nó chắc chỉ mất khi Adisak Kraisorn đá hỏng phạt đền khiến Thái Lan bị
Malaysia loại ở AFF Cup, chỉ
mất khi Quang Hải đi bóng qua 4 người trong màn hủy diệt U23 Thái Lan ở Mỹ
Đình.
Trước Malaysia
hay Việt Nam, những cú đấm không chứng minh người Thái là kẻ mạnh. Đó chỉ cho
thấy họ đã yếu hơn, đó là sự tuyệt vọng của kẻ thua trước người thắng, là sự
bất lực đến từ cảm giác chênh lệch chuyên môn.
Có tình cờ
không khi Malaysia cùng với Việt Nam chính là hai nền bóng đá đã góp mặt ở
chung kết AFF Cup hồi năm ngoái? Tình cờ không khi Việt Nam đã vào tới chung
kết U23 châu Á còn Malaysia góp mặt ở tứ kết. Những điều đó, người Thái đều
không làm được.
Nếu sự thua kém
của Thái Lan trước Việt Nam đã được thể hiện rõ qua hàng loạt cuộc đối đầu
gần đây thì sự thua kém của họ trước Malaysia cũng có thể nhìn thấy được. Hai
giải U15 và U19 Đông Nam Á gần nhất, Malaysia đều vô địch và không một lần
bại trận trước Thái Lan. AFF Cup năm ngoái, Malaysia loại Thái Lan ngay tại
thánh địa Rajamangala. Vòng loại U23 châu Á vừa qua, Thái Lan thảm bại ở Mỹ
Đình và chỉ đi tiếp nhờ tư cách chủ nhà, còn U23 Malaysia bị loại vẫn ngẩng
cao đầu khi cầm hòa Trung Quốc của Guus Hiddink.
Khi Việt Nam và Malaysia gặp nhau ở chung kết AFF Cup năm ngoái,Zing.vn đã
đề cập tới hai thế hệ vàng của hai nền bóng đá - những người đang không chỉ
thống trị khu vực mà còn khiến cả châu Á phải tôn trọng. Với Malaysia và Việt
Nam, Thái Lan không còn là điều không thể với tới.
Những cú đấm
của người Thái ở Chonburi, vì thế, là biểu hiện bất lực của một vị hoàng đế
không chấp nhận ngai vàng đã mất.
(Theo Zing.vn) Minh Chiến
|
Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét