Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

“Bài” tranh chấp
Cập nhật lúc 11:10   

Tại Đồng Nai đang xảy ra một số vụ việc kẻ côn đồ từ nơi khác bỗng dưng đến quây rào, dựng lều chiếm đất của người dân. Chúng làm cả những cuốn sổ đỏ giả trưng ra để tạo nên sự tranh chấp với chủ đất, buộc người dân cuốn vào một “cuộc chiến” tranh chấp hao tổn và vô vọng…
Việc trên bỗng khiến tôi liên tưởng tới sự tranh chấp ở quy mô rất lớn mà dân tộc ta đang bị cuốn vào một cách phi lí, ấy là tranh chấp chủ quyền biển đảo hàng chục năm qua.
Con dân đất Việt ngày nay có quyền tự hào về tầm nhìn cương vực xa rộng của cha ông từ hàng trăm năm trước. Trong lịch sử, cha ông ta chưa bao giờ tranh chấp với ai trên biển Đông, trái lại họ còn là những chủ nhân đầy trách nhiệm trước vùng biển chủ quyền. Mọi chuyện tranh chấp chỉ xuất phát từ đầu năm 1948, khi chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ nên tấm bản đồ biển Đông có thêm 9 đoạn, còn gọi dân dã là đường lưỡi bò. Mọi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đều phải được ghi nhận bằng sự quản lí thực tế. Vẽ nên một tấm bản đồ để tự nhận sở hữu là sự phi lí không thể chấp nhận.

Bản đồ cổ vẽ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Vào năm 1634 chiếc tầu Grootebroek của Hà Lan trên đường từ Indonexia tới Turon (Đà Nẵng) bị đắm ở khu vực Paracels (Hoàng Sa). Những thuỷ thủ sống sót đã đưa được 4 thùng bạc lên một đảo lớn ở Hoàng Sa, rồi cử 1 nhóm 12 người đi thuyền vào Phú Xuân gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xin trợ giúp. Chúa đã cho phép họ thuê tầu trở lại đảo đón 50 thuỷ thủ và lấy 4 thùng bạc...
Nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong bộ Phủ biên tạp lục: “Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa (Trung Quốc) nói rằng, năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh tổng Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, một ngày tháng 7 đến Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán...”.  
Năm 1895, tàu La Bellona (của Đức) và năm 1896 tàu Imeji Maru của Nhật bị đắm gần Hoàng Sa. Những người đánh cá ở Hải Nam đến cướp bóc. Các công ty bảo hiểm của hai con tàu này (thuộc nước Anh) phản đối chính quyền Trung Hoa. Chính quyền đã trả lời là không chịu trách nhiệm với lí do Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của họ. Sau đó vụ việc được quan chức tại Hải Phòng (Việt Nam) giải quyết và xác nhận cho các công ty bảo hiểm trên về vụ việc…
Bản đồ được Trung Quốc vẽ thêm hình lưỡi bò để nhận chủ quyền

Những sự kiện trên cho thấy người Việt đã thực thi quản lí chủ quyền trên thực địa và khai thác nguồn lợi biển tại Hoàng Sa từ mấy trăm năm nay. Trung Quốc luôn từ chối trách nhiệm xử lí khi phát sinh vụ việc bởi họ không coi đây là lãnh hải của mình. Một viên quan thời nhà Thanh còn khẳng định “Hải Nam là thiên nhai hải giác (chân trời góc biển), đất của Thiên triều đến đây là hết rồi”.   
Đấy là những chứng cứ thực thi chủ quyền của cha ông ta với Hoàng Sa, Trường Sa. Còn những chứng cứ khác trên văn tự, bản đồ thì hiện nay có rất nhiều tại kho tư liệu, bảo tàng của nhiều quốc gia trong đó cả ở Trung Quốc.
Khi chứng liệu lịch sử được phủi đi lớp bụi thời gian, công khai thì chân lí của Việt Nam về chủ quyền biển đảo càng thêm sáng tỏ.
Mỗi quốc gia đều có pháp luật để bảo đảm trật tự xã hội, nền tảng cho sự phát triển. Hành tinh chúng ta đang sống đã bước vào giai đoạn phát triển văn minh, thịnh vượng, định hình được những giá trị chung, đó là hệ thống các công ước, quy ước, hiệp định… bảo đảm cho thế giới phát triển trong ổn định, hòa bình, mang lại lợi ích cho mọi quốc gia.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là một giá trị chung được các quốc gia đồng tâm xây dựng và kí kết, là nền tảng ổn định trật tự biển đảo, lãnh hải quốc tế mấy chục năm qua. Mọi tranh chấp chủ quyền cần được soi chiếu theo bộ quy ước tiến bộ này. Nền văn minh không cho phép bất kì ai coi đó là mớ giấy lộn./.
 (Theo blog dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét