Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

“Tin mừng! Giời ạ! Tin mừng - Vui thì vui đấy nhưng… đừng có tin!”

Cập nhật lúc 09:56      

 

Rồi đây, sinh viên các nước dắt đầy túi USD sẽ đổ về Việt Nam theo học và họ sẽ rất tự hào vì đã được đào tạo ở một nền giáo dục top 10 thế giới. Rồi con cháu quan chức, đại gia sẽ lũ lượt trở về nước để mỗi năm, không chảy hàng tỉ USD ra nước ngoài cho giáo dục và đào tạo.


“Tin mừng! Giời ạ! Tin mừng - Vui thì vui đấy nhưng… đừng có tin!” - 1
 Tin vui như "cá tháng 5"!

Đó là cảm giác khi đọc thông tin được PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nêu ra trong buổi toạ đàm "Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số" tại Trường Đại học Sài Gòn chiều ngày 2/5.
Theo PGS Bình, báo cáo của Bộ kế hoạch Đầu tư gửi Uỷ ban kinh tế Quốc hội cho biết, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Chao ôi, nếu thế thì mừng và tự hào quá bởi đã nhiều, rất nhiều năm nay, giáo dục luôn là nỗi lo đau đáu của nước Việt không chỉ hôm nay mà của cả tương lai.
Một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại (đứng thứ 10 thế giới đâu phải chuyện bỡn) không chỉ đào tạo ra những người tài giỏi, đức độ cho đất nước mà còn là một ngành kinh tế mang lại nguồn thu ngoại tệ khổng lồ cho ngân sách như Mỹ, Singapore, Anh, Nhật… hiện nay chẳng hạn.
Rồi đây, sinh viên các nước dắt đầy túi USD sẽ đổ về Việt Nam theo học và họ sẽ rất tự hào vì đã được đào tạo ở một nền giáo dục top 10 thế giới…
Rồi con cháu quan chức, đại gia sẽ lũ lượt trở về nước để mỗi năm, không chảy hàng tỉ USD ra nước ngoài cho giáo dục và đào tạo.
Con cháu chúng ta sẽ được thụ hưởng một nền giáo dục tinh hoa, hiệu quả là đào tạo ra những thế hệ đủ đức, đủ tài để đưa đất nước đi lên.
Những tiêu cực như bạo lực học đường, gian lận thi cử và cảnh bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng sẽ chỉ là chuyện bịa đặt…
Nghĩ đến thế thôi, đã thấy lòng dạt dào sung sướng!
Thế nhưng không biết đánh giá này Bộ KH-ĐT lấy từ đâu? Các nước và tổ chức quốc tế là những quốc gia nào? Tổ chức quốc tế là tổ chức nào? Có đáng tin cậy không? Rồi số liệu ra sao và dựa trên các tiêu chí nào?...
Có lẽ vì thế nên dư luận trong nước phản ứng dữ dội.  
Trên báo Dân trí, tại buổi Toạ đàm: "Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn vừa qua, hầu hết những người có mặt đều nghi ngờ về thông tin này.
Một hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng, “Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay đang kém nhất thế giới chứ không phải trong 10 nước tiên tiến nhất thế giới. Nếu chúng ta không kịp thay đổi thì trong vòng 5 năm nữa, Việt Nam tiếp tục thua kém. Đặc biệt, khi thay sách giáo khoa, đổi mới chương trình, chúng ta đang làm rất lạ lùng…”.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, một trong những chuyên gia hàng đầu về văn hóa học và ngôn ngữ học nói trắng ra: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới còn có thể hiểu được, còn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”.
Nói thẳng ra, chẳng cần lý giải gì nhiều, chỉ cần so sánh con số sinh viên, học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, kinh doanh… với học sinh, sinh viên các nước đến theo học tại các trường đại học của Việt Nam là ra kết quả.
Tóm lại, thông tin này mà có ai đó tin thì cũng… lạ!
Còn người viết bài này thì: “Tin mừng! Giời ạ! Tin mừng - Vui thì vui đấy nhưng… đừng có tin!”.
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét