Lãnh đạo phải biết ‘lấy đá ghè chân mình’
Cập nhật lúc 09:41
Tự nhận sai lầm trong các đường lối, chính sách quản trị
quốc gia chỉ làm tăng uy tín của lãnh đạo trước nhân dân.
Phải xem việc công khai hóa các sai
lầm, khuyết điểm đích thực và nhận trách nhiệm về những sai lầm ấy, khuyết
điểm ấy, nhất là trong các chủ trương, chính sách của lãnh đạo các cấp trong
quá trình điều hành phát triển đất nước là bình thường.
Người lãnh đạo, dù ở cấp nào, không phải là thánh; đều chứa hai
mặt tốt và xấu trong con người mình. Cho nên, bên cạnh những cống hiến to lớn
đối với đất nước, đối với các ngành và lĩnh vực, họ cũng có những sai lầm,
khuyết điểm.
Điều quan trọng đối với dân, với nước là người lãnh đạo phát hiện
sớm nhất, đề ra kịp thời nhất các giải pháp phù hợp để khắc phục các sai lầm,
khuyết điểm do mình gây nên. Làm được điều này, uy tín của lãnh đạo trước dân
được tăng lên, chứ không hề bị giảm sút.
Năm 1956, chính Bác Hồ công bố sai lầm trong cải cách ruộng đất
và yêu cầu các thành viên lãnh đạo cao cấp: “Các chú phải xuống xin dân tha
thứ vì những lỗi lầm của Đảng”. Đảng đề ra ngay chính sách sửa sai; nhiều
lãnh đạo cấp cao xin từ chức, trong đó có cụ Trường Chinh, lúc bấy giờ là
Tổng bí thư của Đảng.
Sau sự kiện đó, uy tín của Đảng nói chung và lãnh đạo Đảng nói
riêng tăng lên rõ rệt. Và 30 năm sau, năm 1986, cụ Trường Chinh được tín
nhiệm bầu lại làm Tổng bí thư của Đảng lần hai. Chính cụ Trường Chinh là
người nhận những sai lầm của Đảng trong điều hành phát triển đất nước và đưa
được vào Nghị quyết VI những đường lối, thậm chí cả giải pháp rất lớn, rất cơ
bản về đổi mới, mà thực chất đó là các giải pháp sửa sai. Nhờ đó đất nước mới
phát triển như ngày nay.
Thiết nghĩ, thế hệ lãnh đạo các cấp hiện nay và các thế hệ kế
tiếp nên xem đây là bài học rất quý cho chính mình.
Nối dài vài kiến nghị cụ thể
Sau khi đăng bài “Điều gì níu giữ mô hình
Xô Viết trong quản trị quốc gia?”, nhiều bạn đọc đề nghị tôi nên
“nối dài” các kiến nghị khác, nhất là vào dịp đang chuẩn bị đại hội Đảng các
cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đáp lại mong muốn đó, người viết xin nêu tiếp những thí dụ cụ thể
liên quan đến đường lối, chính sách phát triển đất nước để có sự sửa đổi, cải
cách.
Nhân dịp, trên các diễn đàn chính thức (Phiên họp Chính Phủ;
phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; các cuộc hội thảo khoa học gần đây, cũng
như trên các phương tiện thông tin đại chúng), các diễn giả nói nhiều về
đúng, sai trong điều hành giá điện, xăng, dầu…, người viết tập trung nêu các
thí dụ liên quan đến chính sách giá cả hàng hóa và dịch vụ trong khuôn khổ
bài này.
(i) Độc quyền tự nhiên và độc
quyền nhà nước
Trước hết, tôi xin nói đôi lời về độc quyền tự nhiên trong kinh
tế và nhà nước can thiệp vào hình thành giá cả một số hàng hóa và dịch vụ là
tất yếu khách quan.
Ai cũng biết, muốn chuyển sang giá cả thị trường thì điều tiên
quyết là phải xóa bỏ độc quyền trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người
tiêu dùng, cả tiêu dùng cho sản xuất lẫn tiêu dùng cá nhân.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa ai trực tiếp xóa bỏ được “độc quyền
tự nhiên” trong hoạt động kinh tế. Thí dụ, ngành điện (và một số ngành tương
tự khác) chứa đựng yếu tố độc quyền tự nhiên.
Các ngành này có chung một đặc thù là quá trình sản xuất và quá
trình tiêu dùng dịch vụ đó trùng nhau hoàn toàn về mặt thời gian. Trên đời
này, chưa có ai sản xuất ra điện, xong đưa chứa nó vào kho, sau đó đưa ra bán
dần cho những khách hàng có nhu cầu như nhiều ngành khác.
Mùa đông các nhà máy may sản xuất quần áo mùa hè để bán khi mùa
hè đến, còn ngành điện thì không thể sản xuất điện mùa đông để bán mùa hè. Vì
vậy, khác với nhiều lĩnh vực khác, công suất của ngành điện phải đủ đáp ứng
nhu cầu tiêu dùng ở thời cao điểm nhất (trong một ngày đêm; trong một mùa
trong năm…), chứ không phải nhu cầu tiêu dùng trung bình, như ngành may mặc.
Ngành điện từ sản xuất đến tiêu dùng có ba khâu rõ rệt, nhưng có
liên quan mật thiết với nhau: sản xuất, truyền tải và phân phối. Khâu sản
xuất có thể thực hiện tự do cạnh tranh được, nhưng lại lệ thuộc vào hai khâu
sau nên tự do canh tranh ngay ở khâu này cũng bị hạn chế.
Hai khâu còn lại, nhất là khâu phân phối chưa có cách gì thực
hiện tự do cạnh tranh giữa người mua và người bán điện được. Xét về lợi ích
chung của nền linh tế, cũng như của từng doanh nghiệp, không thể có tình
huống hai người cùng xây dựng hai đường truyền khác nhau để cùng bán điện cho
một hộ tiêu thụ.
Vì vậy, trong những trường hợp như thế này bao giờ cũng có sự can
thiệp dưới dạng này hay dạng khác của nhà nước mới bảo đảm được sự hài hòa
lợi ích trước mắt và lâu dài giữa bên mua và bên bán điện, giữa lợi ích ở tầm
vi mô và tầm vĩ mô.
Vấn đề còn lại là Nhà nước can thiệp thế nào, can thiệp vào lúc
nào, can thiệp vào khâu nào… Sự thông minh hay kém cỏi của những người có trách
nhiệm ở chỗ này.
(ii) Vài bài học nhỏ cần rút
ra
Một, nhà nước vẫn còn phải
can thiệp vào việc hình thành giá cả thị trường đối với một số ngành và lĩnh
vực.
Ai cũng biết, giá cả hàng hóa và dịch vụ là nơi biểu hiện rất rõ
nét, rất tập trung quy luật giá trị và các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã
hội. Chính vì vậy, cuộc cải cách giá cả là khó khăn nhất trong cải cách kinh
tế. Ở nước ta cuộc cải cách giá kéo dài gần 10 năm.
Xin nhắc lại phải mất gần 10 năm mới chuyển được hệ thống giá mà
theo thuật ngữ ưa dùng lúc bấy giờ “mua như cướp, bán như cho”; chuyển được
từ chỗ nhà nước định giá từ cây kim, sợi chỉ sang giá thị trường (lúc bấy giờ
thuật ngữ thường dùng “giá thỏa thuận”)… đối với hầu hết hàng hóa lưu thông
trên thị trường.
Trong cuộc cải cách giá cả, chúng ta đạt được mục tiêu bao trùm
về cải cách giá. Đó là thành công to lớn, nhưng cũng để xảy ra không ít sai
lầm, khuyết điểm, để lại hậu quả không tốt.
Nói gọn lại, ở nước ta có quá nhiều kinh nghiệm thành công và
thất bại trong lĩnh vực này từ mấy chục năm trước để lại cho các thế hệ kế
tiếp.
Từ đây về sau, nhà nước vẫn còn phải can thiệp vào việc hình
thành giá cả, bao gồm cả lãi suất ngân hàng… các loại hàng hóa và dịch vụ, ít
nhất là ở những ngành, lĩnh vực còn tồn tại độc quyền tự nhiên.
Vì vậy, ngay trong văn kiện Đại hội XIII cần có phần nêu sai lầm
trong việc đưa ra các chính sách liên quan đến điều hành giá cả gần đây và
những giải pháp khắc phục.
Hai, việc tăng giá một số
hàng hóa, dịch vụ là tất yếu khách quan
Dưới đây lấy ngành điện làm thí dụ.
Trước hết, cần khẳng định, ở nước ta hiện nay đối diện với nhiều
yếu tố khách quan phải tăng giá điện. Nguồn thủy điện, với giá thấp nhất đã
cạn kiệt; than trong nước không còn nhiều, nhưng khai thác càng ngày càng khó
khăn, buộc phải nhập than từ nước ngoài; khí dùng cho sản xuất điện không
nhiều, nhưng điện sản xuất từ khí với chi phí không thấp; điện nguyên tử thì
chi phí sản xuất một đơn vị điện năng không cao, nhưng rủi ro quá lớn.
Chúng ta nên và cần tận dụng năng lượng tái tạo khá dồi dào, lại
sạch đó là gió và nắng, nhưng phải chấp nhận giá cao…Trong bối cảnh đó, những
năm, tháng tới đây đất nước cần tăng nhanh nguồn điện để bù lại việc 3-4 năm
qua không khởi công xây dựng công trình điện lớn nào, đồng thời cũng để đáp
ứng nhu cầu điện để phát triển đất nước tăng rất nhanh, cho dù “tiết kiệm
triệt để” đến mức nào.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, tất cả các nhà đầu tư, không kể nhà
nước hay tư nhân, cả trong và ngoài nước để sản xuất điện (và cả khí…), trước
khi bỏ vốn đầu tư một dự án sản xuất điện, khí cụ thể, bao giờ cũng đòi hỏi
có sự cam kết chắc chắn trước từ bên mua điện, khí về nhiều nội dung kinh tế
rất quan trọng, chẳng hạn: sản lượng tối thiểu có thể tiêu thụ là bao nhiêu?.
Và đặc biệt với giá nào?...
Thí dụ, chúng ta rất thành công trong việc xây dựng Khu
khí-điện-đạm Phú Mỹ, nhưng riêng việc đàm phán với đầu tư nhà khai thác khí ở
Lô 6-1 và xây dựng đường ống để đưa khí vào bờ phải mất gần 4 năm, có lúc
tưởng chừng như đổ vỡ… Trong đó, khó khăn nhất là thỏa thuận về giá mua bán
khí. Nếu đàm phán hồi đó mà đổ vỡ thì nền kinh tế của ta thiệt hại quá lớn
bởi hàng loạt nhà máy điện…đã xây dựng xong chờ khí.
Rất đáng tiếc, vừa qua các cơ quan có trách nhiệm chưa nói rõ,
nói kỹ cho dân hiểu các điều vừa nêu trước khi đưa ra quyết định tăng giá
điện, chỉ tập trung nói phải tăng giá điện là vì ngành điện bị lỗ, vì than
tăng giá…Điều này cũng góp phần không nhỏ gây nên sự phản ứng không thuận
trong dân.
Ba, ngành điện thua lỗ một
phần do chủ trương, đường lối
Giá cả là thước đo bằng tiền đối với hiệu quả sản xuất kinh
doanh. Trong kinh doanh có thể có trường hợp cụ thể người bán bị lỗ, nhưng về
tổng thể doanh nghiệp kinh doanh bao giờ cũng phải có lãi thì mới tồn tại và
phát triển được; ngược lại chắc chắn bị phá sản.
Vì vậy, giá do nhà nước định bao giờ cũng phải bảo đảm bù đắp
được chi phí sản xuất hợp lý và có lãi đối với nhà sản xuất. Chính vì vậy,
trước khi đưa ra quyết định về mức giá cụ thể, các cơ quan có trách nhiệm phải
tính toán hết sức kỹ lưỡng: đâu là chi phí hợp lý, khách quan; đâu là chi phí
tăng do yếu kém trong quản lý…
Việc tăng giá điện vừa qua, hình như nhà nước mới công bố chung
chung rằng ngành điện bị lỗ lũy kế khá nặng, cần phải tăng giá. Nhà nước chưa
nói rõ cho dân biết con số lỗ thực là bao nhiêu; đâu là lỗ do nguyên nhân
khách quan gây nên; đâu là lỗ do chủ quan và chủ quan ở cấp vi mô gây ra lỗ
là bao nhiêu; cấp vĩ mô gây lỗ là bao nhiêu; giải pháp khắc phục ra sao, bao
lâu… Nhân đây, người viết xin nêu vài khía cạnh liên quan đến điều chỉnh giá
điện vừa rồi.
Thứ nhất, một phần số lỗ thực của Tập đoàn Điện
lực Việt Nam (EVN) (và một số tập đoàn kinh tế nhà nước khác) bắt nguồn từ
chủ trương, chính sách, mà người viết cho là sai lầm.
Cụ thể, tại Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX
ngày 10 tháng 4 năm 2006 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội giai đoạn 2006 – 2010 ghi rõ “Thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn
kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong
đó có một số ngành chính.”
Chủ trương trên không hề có định nghĩa xác định “đa ngành, đa
lĩnh vực” là gì, có bị giới hạn nào không; cũng chẳng có quy định nào về hạn
mức vốn mà tập đoàn kinh tế nhà nước được quyền dùng vào kinh doanh ngoài
ngành chính là bao nhiêu…
Thế là từ khi chính sách trên được công bố, các tập đoàn kinh tế
nhà nước như được “cởi trói”, “vừa có tiền” lại thêm “quyền” vô giới hạn, nên
họ dùng tiền của dân một cách vô tội vạ để lao vào như điên trong kinh doanh
bất động sản, ngân hàng, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng…
Hệ lụy là hàng loạt tập tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có
EVN, làm thất thoát của dân hàng trăm nghìn tỷ đồng, cần hàng chục năm để
khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, không ít tập đoàn kinh tế trọng yếu như dầu
khí đã tan nát, phải mất nhiều chục năm mới gây dựng lại được.
Việc xử lý một số cán bộ có liên quan, kể cả cán bộ cao cấp do
“chấm mút” là cần thiết, nhưng chắc chắn không xử lý được vấn đề, nếu không
xóa bỏ được những đường lối, chính sách sai lầm. Mặt khác, cũng khó tránh
“chấm mút” lớn, nhỏ bởi cơ chế quản lý quá ư lỏng lẻo như hiện nay.
Nhiều nhà quản lý có kinh nghiệm, nhiều chuyên gia lớn trên thế
giới khuyên chúng ta: Nhà nước phải có các quy định rất chặt chẽ để bảo vệ
tài sản quốc gia, sao cho “người muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được”.
Còn dân gian của ta có câu mà ai cũng thuộc lòng “chó treo, mèo đậy”.
Chính sách cụ thể vừa nêu trên trong Báo cáo phát triển kinh tế -
xã hội giai đoạn 2006 – 2010 không những không “treo”, cũng chẳng
“đậy”, mà như kiểu dọn thịt mỡ thơm ngon, rồi lệnh cho mèo không được ăn. Đó
là cái lệnh không tưởng, bởi người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, dù ở cấp
nào, trước hết là con người với đủ cung bậc tham sân si.
Rất mong và hy vọng trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII, cần
tìm cho được những chính sách sai lầm tương tự như nêu trên đây, có giải pháp
xóa sớm nó thì dân mới được nhờ.
Thứ hai, rất đáng tiếc, những người có trách
nhiệm hiện nay không chịu khó học các thế hệ trước trong xử lý giá điện,
xăng, dầu… một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, chưa nói đến học kinh nghiệm của
nước ngoài.
Nhà nước đã có chủ trương tăng giá điện từ năm 2017 và đã đưa ra
mức giá điện cần tăng. Giả sử mức giá điện cần tăng đó là đúng, chính xác,
thì giá như năm 2018, nhà nước tăng 3-4% và năm 2019 cũng khoảng từng đó, chứ
không phải 8,36% như công bố, thì dân đỡ sốc hơn nhiều. Nhưng những người có
trách nhiệm không làm theo cách đơn giản đó, tăng giá điện theo cách “dồn
cục” hay “giật cục”mà có lẽ do sợ bóng, sợ gió về vượt trần lạm phát 4% trong
năm 2018.
Một khía cạnh đơn giản khác mà những người có trách nhiệm cũng
chẳng tính tới. Đó là thời điểm bắt đầu thực hiện tăng giá điện. Thực hiện
tăng giá điện vào thời điểm chuyển từ mùa xuân sang hè, khi nhu cầu tiêu dùng
điện của người dân tăng cao hơn, là cái lỗi ấu trĩ bởi chúng ta có cả kho
kinh nghiệm trong cải cách giá cả mấy chục năm về trước.
Những thí dụ liên quan đến việc nhà nước điều hành giá cả hàng
hóa và dịch vụ (bao gồm cả lãi suất ngân hàng) tương tự như nêu trên đây còn
rất nhiều, nhưng bài viết đã dài, người viết xin tạm dừng ở đây.
(Theo Tuần VietNamNet) Hải Lộc
|
Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét