Hàng chục nghìn tỷ nợ khó đòi tại các tập đoàn nhà nước
Cập nhật lúc 10:17
Kết quả kiểm
toán năm 2018 gửi đến Quốc hội nêu rõ, năm 2018 Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành
kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng
vốn nhà nước năm 2017 của 253 doanh nghiệp thuộc 31 tập đoàn (TĐ), tổng công
ty (TCT) và công ty; 1 chuyên đề và 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây
dựng.
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên gần như mất vốn đầu tư tại 3 đơn vị.
Ảnh: P.V
Kết quả kiểm toán cho thấy, 30/31 TĐ, TCT, công ty nhà nước kinh
doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn, trong đó nhiều doanh nghiệp đã
đi đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ, thu nhập bình quân của người
lao động cao, điển hình như SCIC 37,8 triệu đồng/tháng; Mobifone 24,68 triệu
đồng/tháng; TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (Công ty Hoa tiêu I là 34,2
triệu đồng/tháng, Công ty Hoa Tiêu IX là 25,49 triệu đồng/tháng)...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả
đạt được, KTNN cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập. Phần lớn các TĐ, TCT và
công ty nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ
với NSNN. Vì thế qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn,
doanh thu, chi phí; kiến nghị tăng thu NSNN 10.896 tỷ đồng và 336.999 USD.
Bên cạnh đó, nhiều “ông lớn” còn
quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu khó đòi lớn, điển hình như
Công ty mẹ PVN 11.368 tỷ đồng, PVFCCo 354 tỷ đồng; VNPT - Công ty mẹ 432 tỷ
đồng, Vinaphone 385 tỷ đồng... Một số doanh nghiệp thuộc PVN gửi tiền tại
OceanBank bị chậm luân chuyển do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kiểm soát
trực tiếp, trong đó PVN: Công ty mẹ 5.026 tỷ đồng, 86.016.801 USD và 2.171
EUR.
Đặc biệt, giai đoạn năm
2010-2015, Ban Quản lý Dự án công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi
tiền tại 2 ngân hàng, nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế
toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật 22,1 tỷ đồng. KTNN đã chuyển hồ sơ sang
cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp
có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn
vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài
chính, như tại PVN có Công ty TNHH MTV Khách sạn Dầu khí PTSC 4,8 lần, Công
ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi 22,4 lần; tại EVN: Công ty mẹ-EVNGENCO1 là
5,48 lần, Công ty mẹ-EVNGENCO3 là 6,41 lần, Công ty CP Phong Điện Thuận Bình
5,02 lần...
Kinh doanh thua lỗ, sử dụng đất lãng phí
KTNN cũng chỉ rõ tình trạng hoạt
động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trực thuộc TĐ, TCT không hiệu
quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể. Lỗ lũy kế đến
31/12/2017 như tại PVN là Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí lỗ 3.377 tỷ đồng.
Cũng tại PVN, Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí âm vốn chủ sở hữu 1.780 tỷ
đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỷ đồng.
Nhiều khoản đầu tư, góp vốn của
các TĐ, TCT cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ. Đứng đầu danh sách vẫn là PVN với
7/11 công ty ngoài ngành kinh doanh chính lỗ lũy kế lớn; Công ty mẹ - Pvoil
có 11/45 đơn vị lỗ; hay Công ty CP Gang thép Thái Nguyên gần mất vốn đầu tư
tại 3 đơn vị; Công ty CP Kim Khí TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào 2 đơn vị đều thua
lỗ; Công ty mẹ - Handico có 4/18 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 19 tỷ
đồng, 4/14 công ty (đầu tư dài hạn khác) lỗ lũy kế 1.238 tỷ đồng...
Trong quản lý và sử dụng đất đai,
KTNN cho rằng, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các doanh nghiệp được giao
rất lớn, song chưa được bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quản lý chặt chẽ. Vẫn còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử
dụng không hiệu quả, như trường hợp ở Công ty mẹ - Satra với 2 khu đất đã
được UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước,
nhưng chậm triển khai thực hiện. Cũng có nhiều trường hợp còn sử dụng không
đúng mục đích, như doanh nghiệp Sagri với 140 héc ta.
Đặc biệt, KTNN cũng chỉ ra một số
dự án của PVN đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, có nguy cơ không đảm
bảo cơ cấu vốn được phê duyệt hoặc tiềm ẩn rủi ro phát sinh chi phí, giảm
hiệu quả đầu tư. Nhiều dự án nghiệm thu, thanh toán, quyết toán còn sai sót
về khối lượng, đơn giá và chưa đầy đủ thủ tục nên KTNN đã kiến nghị thu hồi,
giảm thanh toán 210 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 5.681 tỷ đồng.
(Theo Tiền Phong) Luân Dũng
Đã đến lúc Nhà nước phải bỏ Doanh
nghiệp nhà nước mà chỉ giữ Kinh tế Nhà nước (Ngân hàng, Kho bạc, Thuế quan).
Nếu cứ ôm mãi DN thì đây mãi là khối u thất thoát tài sản chứ họ chẳng làm ra
lợi nhuận. Các Doanh nghiệp ngoài nhà nước mạnh, làm ra nhiều của cải sẽ giúp Kinh
tế Nhà nước vững mạnh. Còn giữ mãi Doanh nghệp nhà nước sẽ làm suy yếu Kinh tế
Nhà nước. Nhiều người hiểu nhầm và có người cố tình hiểu đồng nhất giữa Kinh tế
NN với Doanh nghiệp NN để đòi giữ mô hình này.
Thương Giang
|
Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét