Đất 'vàng'
lòng vòng vào tay tư nhân thế nào?
Cập nhật lúc 08:27
Sau nhiều lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư,
một khu đất "vàng" được UBND TP.HCM cho Công ty in Trần Phú (thuộc
Bộ VH-TT&DL ) thuê để góp vốn liên doanh với nước ngoài, đã rơi vào tay
tư nhân sau khi được chuyển nhượng lòng vòng.
Sau nhiều thủ tục
“ziczac”, khu đất vàng rộng hơn 2.000m2 tại số 11D Thi Sách (P.Bến Nghé, Q.1,
TP.HCM) đã rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là khu đất rộng hơn 2.000m2 tại số 11D Thi Sách (P.Bến Nghé,
Q.1, TP.HCM), góc ngã tư đường Thi Sách và đường Nguyễn Siêu, được UBND
TP.HCM cho Công ty in Trần Phú thuê 35 năm để góp vốn liên doanh xây dựng căn
hộ và văn phòng cho thuê.
Điều đáng nói là sự "biến
mất" của cổ đông nhà nước trong liên doanh do phần vốn góp này được một
lãnh đạo Bộ VH-TT&DL chấp thuận bán "chỉ định" cho một cá nhân.
Bán chỉ định cho cá nhân
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tháng
5-1995, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư đã quyết định cho
thành lập Công ty liên doanh Trung tâm thương mại và căn hộ Sài Gòn (sau này
là Công ty TNHH Trung tâm thương mại và căn hộ Sài Gòn), do Nhà máy in Trần
Phú (sau này là Công ty TNHH MTV in Trần Phú) góp 30% vốn pháp định bằng giá
trị quyền sử dụng 2.240m2 đất tại 11D Thi Sách.
Đối tác ngoại Công ty TNHH Reaves
(British Virgin Island) chiếm 70% vốn điều lệ. Công ty liên doanh có tổng vốn
đầu tư 12,57 triệu USD (làm tròn), vốn pháp định 4 triệu USD, trong đó phía
nước ngoài chiếm 70%. Sau hai lần xin tăng vốn đầu tư lên thành 26 triệu USD,
vốn pháp định tăng lên 7,8 triệu vào năm 1997, đối tác ngoại được thay bằng
Công ty Centrepoint Properties Ltd (Singapore), cơ cấu góp vốn vẫn giữ nguyên.
Tháng 12-2001, liên doanh được bổ
sung mục tiêu kinh doanh, trong đó có hạng mục xây dựng tòa nhà căn hộ, văn
phòng để cho thuê và bán cho người VN. Đến tháng 10-2003, liên doanh xin điều
chỉnh giảm vốn đầu tư dự án xuống còn 8,8 triệu USD, vốn pháp định còn 4,7
triệu USD, tỉ lệ góp vốn như cũ.
Tháng 7-2010, trong giấy chứng nhận
đầu tư cấp cho doanh nghiệp xuất hiện nhà đầu tư mới là Công ty CP Phương Gia
Phú thay chỗ cho nhà đầu tư Singapore, nắm giữ 70% vốn điều lệ. Ngày
19-9-2012, trong giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần hai, do phó chủ tịch
UBND TP Lê Mạnh Hà ký, đã xác nhận việc Phương Gia Phú chuyển nhượng một phần
vốn điều lệ trong liên doanh cho cổ đông mới là bà Đặng Phương Nam (hợp đồng
chuyển nhượng vốn vào ngày 7-11-2011).
Theo đó, Công ty in Trần Phú vẫn giữ
30% vốn điều lệ, Phương Gia Phú chỉ còn nắm 50% và bà Nam giữ 20% vốn. Sau
khi tham gia, bà Nam trở thành người đại diện theo pháp luật cho Công ty Căn
hộ Sài Gòn, giữ vai trò tổng giám đốc công ty này.
Và đến tháng 10-2015, theo giấy chứng
nhận đầu tư thay đổi lần thứ 6 của Công ty Căn hộ Sài Gòn, cổ đông nhà nước
duy nhất là Công ty in Trần Phú cũng không còn nắm giữ vốn trong Công ty Căn
hộ Sài Gòn, trong khi tỉ lệ sở hữu của bà Nam đã được nâng từ 20% lên 50% vốn
điều lệ công ty này.
Trước đó, theo điều tra riêng của
Tuổi Trẻ, ngày 2-7-2013, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã có công
văn gửi Công ty TNHH MTV in Trần Phú với nội dung "đồng ý về chủ
trương" cho phép Công ty in Trần Phú được chuyển nhượng phần vốn góp của
công ty này tại Công ty Căn hộ Sài Gòn cho bà Đặng Phương Nam, người đang nắm
giữ 20% vốn tại Công ty Căn hộ Sài Gòn.
Đồ họa: N. KHANH
Đất "vàng" bị thâu tóm
Cũng theo tài liệu mà chúng tôi có
được, vào ngày 30-6-2015, trong giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ 5,
Công ty Căn hộ Sài Gòn xuất hiện một nhà đầu tư mới là Công ty TNHH phát
triển dự án Ánh Dương, nắm giữ 50% vốn điều lệ, sau khi mua đấu giá tài sản
là phần vốn góp của nhà đầu tư Công ty cổ phần Phương Gia Phú.
Theo điều tra của Tuổi Trẻ, trong quyết định công nhận sự thỏa thuận
của đương sự do TAND Q.1, TP.HCM ban hành tháng 9-2014, Ngân hàng TMCP Bưu
điện Liên Việt ký hợp đồng đầu tư trái phiếu vào Phương Gia Phú với số tiền
là 100 tỉ đồng từ năm 2011, được đảm bảo bằng 70% giá trị quyền tài sản phát
sinh tại dự án số 11D Thi Sách.
Tuy nhiên, do Phương Gia Phú không
thể thanh toán khoản nợ này cùng lãi nên hai bên đã thỏa thuận khoản nợ bằng
quyết định của TAND Q.1. Theo đó, chậm nhất là ngày 15-9-2014, nếu
quá thời hạn trả nợ trên mà Phương Gia Phú không trả được nợ, Ngân hàng TMCP
Bưu điện Liên Việt có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền
phát mãi 70% giá trị căn hộ và văn phòng hình thành trong tương lai tại dự án
này.
Cũng theo thỏa thuận này, bà Đặng
Phương Nam (thời điểm này đang nắm giữ 20% vốn cổ phần) cũng chấp thuận phát
mãi tài sản nếu bị đơn không trả được nợ.
Tháng 10-2014, do Phương Gia Phú
không trả được nợ như cam kết, Chi cục Thi hành án dân sự Q.1 có quyết định
thi hành án theo đơn yêu cầu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Vốn góp
của Phương Gia Phú trong dự án (42,33 tỉ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ của Công
ty Căn hộ Sài Gòn) được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 76 tỉ đồng, theo
thông báo của Công ty đấu giá Đại Quang Minh.
Kết quả, Công ty Ánh Dương trúng đấu
giá với số tiền 42,3 tỉ đồng (tổng vốn đầu tư của dự án tại thời điểm này vẫn
là 8,8 triệu USD, tương ứng 158,67 tỉ đồng - PV). Và đến tháng 10-2018, tỉ lệ
nắm giữ của Công ty Ánh Dương tại Công ty Căn hộ Sài Gòn được nâng lên 95%,
trong khi tỉ lệ nắm giữ của bà Đặng Phương Nam tại công ty này giảm từ 50%
xuống còn 5%. Khu đất "vàng" này hoàn toàn rơi vào tay Công ty Ánh
Dương.
Căn hộ 6 sao, giá 9 tỉ đồng/căn
Được khởi công từ năm 1998 nhưng dự án số 11D Thi Sách đã bị tạm ngưng
thi công vào năm 2001 do khủng hoảng kinh tế. Đến năm 2007, sau một thời gian
khởi động lại, dự án tiếp tục bị tạm ngưng do vi phạm an toàn xây dựng. Năm
2012, khi thi công hạng mục phần móng, công trình lại bị ngừng do gây ra sự
cố sụt lún.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dự án hiện đang được khởi động lại và
được một số công ty phân phối bất động sản rao bán ra thị trường với tên gọi
thương mại là SaiGon Luxury. Dự án được giới thiệu bao gồm 18 tầng và 3 tầng
hầm xây trên diện tích 2.148m2, trong đó có văn phòng và căn hộ hạng sang 6
sao, diện tích 80-170m2/ căn cùng giá bán dự kiến khoảng 9 tỉ đồng/căn.
Phải đấu giá công khai
Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, Công ty TNHH MTV in Trần Phú được
chấp thuận cho bán chỉ định đối với cổ đông Đặng Phương Nam vào tháng 7-2013.
Nhưng đến ngày 14-10-2015, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần
thứ 6 chính thức ghi nhận việc hoàn thành giao dich, trong đó, cổ đông nhà
nước là In Trần Phú hoàn toàn "biến mất".
Trong khi đó, theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ
1-9-2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với
doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, điều 30, điểm 1, khoản c
quy định việc chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp bắt
buộc doanh nghiệp phải thực hiện đấu giá trên nguyên tắc công khai, minh
bạch, bảo toàn vốn.
(Theo Tuổi Trẻ) HOÀNG ĐIỆP - TRẦN VŨ NGHI
|
Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét