Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

Bộ Công Thương thông tin chính thức kết quả kiểm tra giá điện

Cập nhật lúc 14:49

Việc chốt chỉ số côngtơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện đúng quy định.


 Bo Cong Thuong thong tin chinh thuc ket qua kiem tra gia dien hinh anh 1
Nhân viên EVN Hà Nội tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bộ Công Thương vừa có báo gửi Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, cơ quan này khẳng định, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT được được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá và đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.
Bên cạnh đó, công tác ghi chỉ số côngtơ, chốt chỉ số, tính tiền điện trong tháng thay đổi giá, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN, cũng như tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP về ghi chỉ số côngtơ, thanh toán tiền điện vả Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương.
 Các công ty điện lực đã thực hiện đúng
Thông tin thêm, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, qua kiểm tra thực tế, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao.
Một nguyên nhân nữa là do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% vào ngày 20/3, trong khi kỳ ghi chỉ số côngtơ của tháng Tư cũng nhiều hơn 3 ngày so với tháng Ba.
Đáng chú ý, việc chốt chỉ số côngtơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện đúng quy định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm điện.
Liên quan đến việc kiểm tra công tác kinh doanh dịch vụ, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, phía ngành điện đã chuẩn bị kỹ càng, có kết hoạch đầy đủ cho việc giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện.
“Kết quả thực tế xử lý tại các cuộc gọi kiểm tra xác suất, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết,” đại diện Bộ Công Thương nói.
Theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ 20/3 đến 4/5, toàn Tập đoàn đã tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị thắc mắc về chỉ số côngtơ, hoá đơn tiền điện. Kiểm tra cho thấy, các thắc mắc đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hoá đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại.
Hướng tới mục tiêu giảm bù chéo
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua cơ quan này đã nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi về các phương án giá điện bậc thang. Tuy nhiên, khi tính tới các mục tiêu như bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đơn giản trong sử dụng thì phương án như hiện nay vẫn được nhiều người chấp nhận hơn cả.
Ước tính, năm 2018, số hộ sử dụng điện ở mức 100 kWh/tháng trở xuống là hơn 9 triệu hộ (chiếm kihoanrg 35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt cả nước. Do vậy, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (từ 0-50 kWh) và bậc 2 (từ 51-100 kWh) được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân, nhằm mục tiêu hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp, các bậc thang còn lại có giá cao hơn.
Dù vậy, Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước để nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử đụng điện trên cả nước, đồng thời khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Ngoài ra, trong kiến nghị và đề xuất với Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiền của EVN theo đúng quy định hiện hành, cũng như thực hiện việc chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, bao gồm cả chức năng vận hành hệ thống điện và chức năng vận hành thị trường điện thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc EVN.
“Với chức năng quản lý nhà nước về ngành điện, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, để xuất và báo cáo Thủ tướng về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ…,” đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.
Trước đó, Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn để kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.
Đối tượng được kiểm tra bao gồm các Tổng công ty Điện lực và một số khách hàng sử dụng điện.
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ ngày 4/5, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ chủ trì thanh tra việc tăng giá điện và phối hợp với các bộ, ngành liên quan.
"Tinh thần làm bảo đảm, kết luận chính xác khách quan, làm rõ đúng sai theo chỉ đạo của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán điện và thứ hai là phương pháp tính, cách tính sau khi có quyết định. Sau khi có kết luận sẽ bảo đảm công khai theo quy định kết luận thanh tra," ông Bùi Ngọc Lam thông tin./.
Đức Duy (Vietnam+)

Thực ra ngay từ đầu dư luận đã không hy vọng kết quả trung thực từ vụ “bố kiểm tra con” này và quả đúng như vậy. Điểm cốt yếu là bảng giá điện bậc thang phi lí đã bị họ phớt lờ dù đây là vấn đề bức xúc dư luận nhất. Nay chỉ mong Thanh tra Chính phủ làm việc công tâm, giúp chính phủ chấn chỉnh EVN.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét