Giá điện tăng cao: Bậc thang ưu ái
người rất giàu?
Cập nhật lúc 15:55
Mức chênh giá điện bậc 6 và bậc
5 chỉ 93 đồng/kWh, thấp hơn rất nhiều so với mức chênh ở các bậc trước đó.
Những băn khoăn, lấn cấn của cả chục
triệu người dân mỗi khi phải rút ví thanh toán hóa đơn tiền điện hẳn đã đủ
sức nặng. Ngày 6/5, Thanh tra Chính phủ chính thức tiến hành thanh tra việc
tăng giá điện của EVN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các nhà quản lý
đã khẳng định chắc như ‘đinh đóng cột’, “tinh thần chung là sẽ kiểm tra chặt
chẽ, đảm bảo kết luận khách quan và làm rõ đúng, sai trong quyết định tăng
giá điện”. Thậm chí, sẽ không có bất cứ một sự bao che, dung túng nào cho đứa
con cưng của Bộ Công thương, bởi như vị lãnh đạo ngành nói, nếu cách tính giá
điện của EVN sai, phải xin lỗi và khắc phục.
Quả thật, sau lần tăng giá mới đây, hóa
đơn điện bỗng chất thêm gánh nặng chi phí cho mỗi hộ gia đình. Theo số liệu
do chính EVN công bố, lượng tiêu thụ điện tăng cộng với việc tăng giá bán
điện đã khiến tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân
phải trả tăng hơn so với tháng trước đến trên 35%. Có lẽ không phải là cá
biệt, nhiều gia đình đã chi gấp 3, 4 lần cho điện năng, một thứ nhu cầu chính
đáng và thiết yếu trong xã hội hiện đại. Họ có quyền chất vấn và cho dù kết
quả thanh tra có thế nào, vẫn rất cần lời giải đáp cho những câu hỏi xác đáng
của dư luận.
Đầu tiên là về bậc thang giá điện. Dù
vô tình hay cố ý, mức tiêu thụ chỉ bao gồm các vật dụng cơ bản trong một gia
đình bình thường: đèn, quạt, tủ lạnh, nồi cơm điện, tivi… để được hưởng giá
điện thấp hơn vài chục đồng/kWh hoặc tương đương giá điện bình quân cơ sở đi
ngược với mục tiêu khuyến khích tiết kiệm điện do chính EVN đề ra. Người ta
không thể tiết kiệm ở những nhu cầu tối thiểu, và sẽ là khó thuyết phục nếu
tiếp tục kiên định quan điểm này.
Biểu giá điện lũy tiến hiện nay, nói
theo cách nhã nhặn nhất, cũng không thân thiện với người tiêu dùng. Theo phân
tích của nhiều chuyên gia, mức chênh lệch giá điện giữa các bậc thang đang…
có vẻ như không theo một quy luật nào. Hai bậc thang đầu chỉ chênh nhau 56
đồng/kWh. Mức chênh lệch giữa các bậc 3, 4, 5 lại rất lớn, bậc 4 cao hơn bậc
3 là 522 đồng/kWh, bậc 5 chênh bậc 4 là 298 đồng/kWh. Lạ thay, mức chênh cao
không tiếp tục duy trì khi so sánh giá điện bậc 6 và bậc 5. Bậc cao nhất chỉ
chênh với bậc liền kề trước đó vẻn vẹn 93 đồng/kWh.
Dụng ý có thể dễ thấy hơn nếu nhìn vào
tỷ lệ phần trăm người sử dụng điện ở các bậc thang. Theo số liệu của Bộ Công
Thương, trong số 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tỷ lệ dùng điện
dưới 100 kWh (bậc 1 và 2) chiếm 35,8%; hộ dùng 101-300 kWh (bậc 3 và 4)
khoảng 40%. Hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên 400 kWh chỉ 7%.
Như vậy, nhóm khách hàng sử dụng điện ở bậc 3 và bậc 4 là lớn nhất, đồng thời
chịu mức chênh giá cao nhất trong bậc thang giá điện hiện hành. Giả sử có
chấp nhân giả định, bậc thang giá điện chia sẻ gánh nặng với người nghèo thì
cũng không thể lắc đầu trước một ý kiến khác, cách tính giá điện này cũng ủng
hộ sự tiêu thụ quá mức của người rất giàu.
Sự khó hiểu của người dân tăng lên
tương tự hóa đơn điện tháng 4/2019 khi niềm trăn trở đặt vào giá điện bình
quân cơ sở. Vẫn phải dẫn câu hỏi của một vị chuyên gia độc lập, cơ sở nào cho
ra giá điện bình quân và mức tăng 8,36% như hiện nay?
Giá điện bình quân đã tính đến nhiều yếu
tố, gồm giá phát điện (giá của nhà máy để sản xuất ra được điện), giá truyền
tải điện, giá phân phối điện, tỷ giá, giá quản lý ngành và phần lãi theo quy
định cho EVN. Tuy nhiên, ngành điện chưa bao giờ công khai minh bạch cấu
thành của mức giá này, ví dụ, tỷ lệ dùng thủy điện, nhiệt điện than, điện mặt
trời và giá thành, giá truyền tải điện có tính phần bù lại cho ngân sách đầu
tư hệ thống truyền dẫn, giá quản lý ngành đã bao gồm chi phí xây sân golf,
biệt thự… và chi cho số lượng nhân lực bao nhiêu, nhiều hay ít hơn thông lệ
của các nước có điều kiện phát triển kinh tế tương tự…
Người dân đang phải chấp nhận một mức
giá bình quân cơ sở theo kiểu EVN… cho là thế. Nếu chưa minh bạch vấn đề này,
sẽ rất khó đề cập tiếp tới việc phải sửa đổi bậc thang giá điện ra sao cho
hợp lý.
Khi thông tin còn chưa đầy đủ, lời kêu
than lỗ do chênh lệch tỷ giá của EVN cũng sẽ khó lọt tai dư luận.
Ở đây không phải là một sự thiếu tin
tưởng mơ hồ, mà bởi được củng cố bằng thực trạng các dự án nhiệt điện của EVN
luôn trong tình trạng chậm tiến độ, chưa thể vận hành do thiết bị chưa đảm
bảo… Khi phần lỗi của những người trực tiếp quản lý dự án chưa được chỉ ra và
xử lý nghiêm minh, phần thiệt thòi do tỷ giá thay đổi qua các năm, thiếu
nguồn cung hòa vào lưới điện khiến ngành điện phải mua điện từ nước ngoài với
giá đắt hơn… đều là người dân gánh chịu.
Tréo ngoe hơn, nếu phần lãi theo quy
định đã được tính trong giá điện bình quân cơ sở, EVN đã luôn được đảm bảo
lãi, trừ trường hợp có biến động ở các tham số khác, chủ yếu là giá phát
điện. Và nếu giá điện được tính theo bậc thang, mức lãi của EVN cũng sẽ biến
động tương ứng theo các bậc thang đó.
Tiếp cận theo cách này, khó có thể chấp
nhận rằng, EVN ghi nhận lãi tăng 28% so với năm 2017, song khoản nộp ngân
sách lại giảm gần 1.540 tỷ đồng so với 2016, hay việc EVN là quán quân nợ
theo thông tin công bố giữa năm 2017. Chẳng lẽ, biết bao ưu đãi từ nguồn lực
quốc gia lẫn nguồn lực hộ gia đình đã dồn cho EVN để nhận được kết quả còn
khiêm tốn đó?
Niềm an ủi đến từ lời hứa về một thị
trường điện cạnh tranh lại chưa đủ sức… xoa dịu.
Thứ nhất, bức tranh các doanh nghiệp
đầu tư điện sẽ bán cho EVN, và sẽ có nhiều nhà bán điện cho các hộ gia đình
vẫn đang rất mờ nhạt. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời
đang than khó vì không bán được điện cho EVN, vì không thỏa thuận được giá
hoặc vì không thỏa thuận được cách thức truyền tải. Cách đây không lâu, doanh
nghiệp thủy điện nhỏ chỉ cần được hòa lưới điện của EVN cũng không được. Qua
bao nhiêu bàn cãi và phản biện, EVN đã có cơ chế mua điện từ các hộ gia đình,
nhưng để điều này thành thực, người ta biết, vẫn cần rất nhiều thời
gian. Hẳn nhiên, người dân Việt chưa thể mơ về một thị trường phát điện
vận hành tương tự các nước phát triển.
Thứ hai, ở đầu bán điện, EVN vẫn đang
một mình một chợ. Để có sự thay đổi ở khâu này, chắn chắn người dân còn phải
chờ đợi lâu hơn.
Một giải pháp có thể khiến dư luận tạm
yên lòng trong khi chờ kết luận cuộc thanh tra đã đề cập bên trên là thống
nhất ngày chốt giá điện. Vướng mắc về việc ngành điện không thể chốt công tơ
cùng ngày 20/3 cho hàng chục triệu hộ sử dụng điện khó chấp nhận trong thời
đại công nghệ thông tin ngày nay.
Chưa kể, quy định cho phép quy đổi, nội
suy sản lượng trung bình theo số ngày với khách hàng không thuộc trường hợp
chốt chỉ số điện kế trong ngày 20/3 EVN đang áp dụng có thể gây nên mức vênh
nhất định về lượng tiêu thụ điện tại các hộ gia đình, dẫn đến việc tháng này
họ có thể mừng vì tiền điện giảm nhưng tháng tiếp theo lại tá hỏa khi nhìn
hóa đơn. Rõ ràng, nếu thật sự cầu thị, EVN có thể làm tốt hơn rất nhiều.
(Theo Đất Việt) Khánh Nguyên
EVN và ngành Công Thương luôn lấy giá điện các nước giàu như
Mỹ, Tây Âu để phán rằng giá điện của ta quá thấp, không thể kêu gọi đầu tư
cho ngành này. Họ luôn phớt lờ đi chuyện đầu vào giá điện của các nước đó cao
hơn ta nhiều lần. Ví như lương kỹ sư điện của họ cao gấp ta từ 7 đến 70 lần.
Mức sống của người dân nơi họ thu nhập hàng chục nghìn USD/tháng chịu giá điện chừng 8-9cent/kW khác với dân ta lương bình quân hơn nghìn
đô/tháng (đó là bình quân, còn đa số người dân lương chỉ 6-10 triệu) cũng trả
giá điện như thế. Vậy giá điện của ta cao thay thấp?
Thương Giang
|
Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét