Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Để lấy lại niềm tin phải quyết liệt hơn trong vụ sửa điểm

 

Cập nhật lúc 15:19                

 

Cần phải truy cứu trách nhiệm của Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Với cương vị đứng đầu ngành giáo dục địa phương, những người này không thể không liên đới trách nhiệm trong các vụ án sửa điểm ở địa phương mình.

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Các bị can gồm 5 cán bộ Sở Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT) tỉnh Sơ La;  2 cán bộ Công an tỉnh Sơn La; và Hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu, TP. Sơn La.
Kết quả điều tra cho thấy ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo “bảo lãnh” nâng điểm cho 13 thí sinh do cấp trên, đồng nghiệp và người quen “nhờ”. Đáng chú ý, trong lời khai của ông Yến có 8 trường hợp do Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La "gửi gắm".
Theo Báo Tuổi trẻ, ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức, gọi ông Yến đến phòng làm việc và đưa hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo "đặt hàng". Trong đó 5 thí sinh nhờ nâng đủ 27 điểm; 3 thí sinh nhờ nâng đủ 24 điểm.
Phụ huynh của 8 trong số 13 thí sinh mà ông Trần Xuân Yến “giúp” nâng điểm gồm: Phó Chánh thanh tra tỉnh; Chánh thanh tra sở GD&ĐT; Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT; Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Sơn La; Phó Chủ tịch UBND TP. Sơn La; Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mai Sơn; cán bộ Cục Thuế; cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ Sơn La.
Ông Yến lập danh sách 13 thí sinh ông nhận “giúp đỡ”, gồm các thông tin họ tên, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, các mã đề, tổng số điểm cần nâng của từng thí sinh, sau đó chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga chuyên viên Phòng KT&QLCL là thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm để Nga sửa bài thi và nâng điểm cho các thí sinh.
Kết quả điều tra cho thấy ngoài bị can Trần Xuân Yến nhận “giúp đỡ” 13 thí sinh, các bị can còn lại nhận “giúp” số lượng thí sinh như sau: Nguyễn Thị Hồng Nga: 16; Lò Văn Huynh, Trưởng phòng: 7; Nguyễn Thanh Nhàn, Phó phòng: 4; …

Để lấy lại niềm tin phải quyết liệt hơn trong vụ sửa điểm
Công an đọc quyết định khởi tố bà Nguyễn Thị Hồng Nga. Ảnh: Công an Sơn La.

Ngày 29/6/2018, Nguyễn Thị Hồng Nga tổng hợp thông tin tất cả thí sinh được "nhờ"  thành một danh sách theo địa điểm thi để thuận lợi khi tìm bài thi.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, có bị can khai, để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt tổng điểm theo yêu cầu của tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỉ đồng. Được biết, trong quá trình điều tra, một số bị can của vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Theo lời khai của các bị can là cán bộ Phòng KT&QLCL, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và lực lượng an ninh, họ đã thông đồng lấy bài thi của các thí sinh theo “đơn đạt hàng” mang về nhà sửa theo đáp án của Bộ GD&ĐT để nâng điểm.
Như vậy sửa bài thi, nâng điểm cho 44 thí sinh trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2018 ở Sơn La đã có sự thông đồng giữa Phó Giám đốc sở GD& ĐT với các cán bộ Phòng KT&QLCL, các thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và lực lượng an ninh trong một chu trình tổ chức chặt chẽ.
Phải khẳng định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi các rất nhiều lý do.
Vụ sửa điểm kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 ở Sơn La cùng các vụ vi phạm tương tự ở hai tỉnh Hòa Bình và Hà Giang là vụ án nghiêm trọng nhất được phát hiện từ trước tới nay của ngành giáo dục, làm ảnh hưởng nghiêm trọng kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia, để lại vết nhơ lâu dài cho nền giáo dục Việt Nam.
Các bị can vụ án này đều là cán bộ công tác trong ngành giáo dục và công an tỉnh Sơn La, có nhiệm vụ cầm cân nẩy mực kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 của địa phương này.
Hành vi vi phạm pháp luật của các bị can đều có tính toán, bàn bạc, hiệp đồng tổ chức chặt chẽ.
Các bị can không chỉ phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà còn có dấu hiệu phạm “tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ” quy định tại Điều 364, điều 365 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài các bị can trên đây, còn nhiều người khác, nhất là hàng loạt phụ huynh các thí sinh được sửa điểm có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc “tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ” (đến nay chưa khởi tố điều tra). Vì không một ai cố tình vi phạm pháp luật nếu không bị đồng tiền hoặc quyền lực chi phối.
Chính các bị can đã bị khởi tố và những kẻ phạm tội chưa bị khởi tố trong vụ sửa điểm kỳ thi Tột nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang chứ không phải ai khác đã tước đoạt cơ hội học đại học chính đáng của hàng trăm học sinh có tố chất và ý thức học tập nghiêm túc, trung thực.
Để không lặp lại các vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng trong ngành giáo dục và các ngành nghề khác; để lấy lại niềm tin của nhân nhân đối với nền tư pháp nước nhà, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục điều tra cẩn trọng, kiên quyết không để sót tội, sót người trong vụ án này.
Không thể không xem xét và kết luận về trách nhiệm và năng lực tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 của các cán bộ liên quan, các cơ quan chức năng liên quan của Bộ GD&ĐT.
Bí thư tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh là những người chịu trách nhiệm về mọi mặt của địa phương, nên không thể không làm rõ khuyết điểm, yếu kém về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của lãnh đạo ba địa phương này.
Cần phải truy cứu trách nhiệm của Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Với cương vị đứng đầu ngành giáo dục địa phương, những người này không thể không liên đới trách nhiệm trong các vụ án sửa điểm ở địa phương mình. Đặc biệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La có dấu hiệu tham gia vào đường dây sửa điểm.
Bộ Công an cần phải vào cuộc điều tra, làm rõ vai trò của những người là phụ huynh của những thí sinh được sửa điểm. Kẻ nào phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc phạm “tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ” thì xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nếu để cho công an địa phương điều tra như hiện tại sẽ không khách quan và sẽ dẫn đến lọt tội, lọt người.
Nếu có phụ huynh không dùng quyền lực hoặc tiền bạc tác động để sửa điểm cho con em mình thì phải làm rõ động cơ của những kẻ đã sửa điểm cho các trường hợp này. Phải chăng đây là hành vị cố tình “lợi dụng việc đó (sửa điểm) để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?” như ý kiến của ông Triệu Tài Vinh Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang (con gái ông Vinh được nâng 5 điểm so với điểm thật).
Thay cho lời kết, xin mời các quan chức liên quan đến các vụ án sửa điểm và các quan chức nước nhà nói chung đọc và ngẫm lá thư của bà Josefa González-Blancochia Bộ trưởng Bộ Môi trường Mexico chia sẻ trên Twitter ngày 26/5/2019, khi bà từ chức do đã làm trễ một chuyến bay 40 phút vì phải chờ bà để cất cánh (mặc dù chuyến bay đó bà Bộ trưởng đi công tác).
Vị Bộ trưởng này viết trong thư rằng bà "không có lời biện minh nào cả". "Sự thay đổi thật sự của Mexico đòi hỏi một sự tuân thủ hoàn toàn vào các giá trị của công bằng và công lý. Không ai được hưởng đặc quyền và lợi lộc, ngay cả khi để hoàn thành nhiệm vụ của họ. Họ không nên được đặt trên lợi ích của đám đông".
Còn với các phụ huynh có con được sửa điểm dù quan chức, viên chức hay chủ doanh nghiệp thì hãy đọc và ngẫm lời hối lỗi của Bà Felicity Huffman, diễn viên Hollywood, bị can trong vụ bê bối chạy trường ở Mỹ được phát hiện các đây chưa lâu, đã tự giác đến tòa án nhận tội và bộc bạch về tội lỗi của mình:
“Tôi xấu hổ và thấy tội lỗi vì hành động của mình. Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn vì những gì đã xảy ra và chấp nhận mọi hình phạt từ sai lầm đó. Tôi xấu hổ khi đã khiến con gái tổn thương, xấu hổ với nền giáo dục. Tôi xin lỗi, lời xin lỗi sâu sắc nhất dành cho những học sinh chăm chỉ học tập để có thể vào đại học. Tôi xin lỗi cha mẹ của các em, những người hy sinh để mong con gái học tập và đỗ đạt một cách trung thực”.
(Theo Tuần VietNamNet) Nguyễn Huy Viện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét