Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

Tề Trí Dũng sai phạm gì khiến bị khởi tố, bắt giam?
Cập nhật lúc 15:080                

Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), vừa bị khởi tố, bị bắt tạm giam 4 tháng. Vì sao?

 Gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng /// Ảnh: KIỀU PHONG
Gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng

Vì sao ông Tề Trí Dũng bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bị bắt tạm giam để điều tra về tội "tham ô tài sản" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí"?
Là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ lên đến khoảng 2.900 tỉ đồng, IPC hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con từ năm 2010.
 IPC có 9 công ty, trong đó có 1 công ty con là Công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL); 4 công ty liên doanh gồm Công ty TNHH Sepzone Linh Trung, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), Công ty CP thương mại - dịch vụ Hiệp Tân (HTC); 4 công ty liên kết: Công ty CP Long Hậu (LHG), Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC), Công ty TNHH Tân Thuận (TTC) và Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Ông Tề Trí Dũng từng tham gia chương trình đào tạo 300 thạc sĩ - tiến sĩ của TP.HCM; từng làm Phó bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Bến Thành. Đến tháng 5.2015, ông này làm Phó bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc IPC khi mới 34 tuổi.
Vào các năm 2016, 2017, ông Tề Trí Dũng còn được IPC cử làm đại diện vốn nhà nước tại 4 công ty con, liên doanh, liên kết IPC.
Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ trong một thời gian ngắn khi ông Tề Trí Dũng nắm quyền lực chi phối, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại IPC như xem thường pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, có dấu hiệu lợi ích nhóm; sai phạm trong những “phi vụ” ném tiền qua cửa sổ; lũng đoạn tài sản nhà nước thông qua việc chuyển nhượng dự án, "phù phép" tăng vốn điều lệ…

Quy định pháp luật bị "vô hiệu hóa" dưới thời ông Tề Trí Dũng

Một trong các sai phạm nghiêm trọng điển hình xảy ra tại Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC). HIPC có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, trong đó IPC sở hữu hơn 60%, tương đương hơn 182 tỉ đồng. Với quyền lực chi phối của ông Tề Trí Dũng, IPC đã chỉ đạo biểu quyết thống nhất phát hành 20 triệu cổ phiếu cho Công ty Tuấn Lộc với giá 15.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm tháng 12.2016, làm giảm tỷ lệ sở hữu của IPC từ hơn 60% xuống còn hơn 40%.


Nghiêm trọng hơn, nhiều công ty liên doanh, liên kết mà IPC có vai trò chi phối do sở hữu vốn điều lệ lớn, trong nhiều năm liên tục “đẻ trứng vàng” với hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận cho IPC, đến giai đoạn 2016 - 2017 khi ông Tề Trí Dũng làm tổng giám đốc đã làm trái chủ trương của UBND TP.HCM và bằng nhiều “chiêu thức” khác nhau “phù phép” để chủ động giảm tỷ lệ sở hữu vốn, cho tư nhân vào “thao túng” tài sản nhà nước.
Sự lũng đoạn này, bước đầu được xác định, không chỉ gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng giá trị vốn nhà nước trong định giá bán cổ phần trái quy định, mà còn làm tụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Minh chứng là lợi nhuận thực hiện năm 2016 hơn 804 tỉ đồng, nhưng qua năm 2017 còn khoảng 650 tỉ đồng.

Thanh tra TP.HCM khẳng định quá trình chọn cổ đông chiến lược (Công ty Tuấn Lộc) không được báo cáo đầy đủ, minh bạch. Các sai phạm trong phi  vụ này có dấu hiệu nhóm lợi ích và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Tại IPC và các công ty con, liên doanh, liên kết IPC, nhiều quy định về quản lý tài chính, tài sản, chế độ kế toán, đầu tư và chuyển nhượng dự án… bị “vô hiệu hóa” dưới thời ông Tề Trí Dũng.
Cụ thể, khoản lợi nhuận sau phân phối các năm trước còn lại tại thời điểm cuối năm 2017 có căn cứ để xác định lên đến hơn 684 tỉ đồng được IPC đem “cất kho”. Khi Thanh tra TP.HCM vào cuộc và phát hiện, IPC viện lý do “xin giữ lại để tăng vốn điều lệ của công ty”.
Trong khi đó, trong 2 năm 2016 và 2017, mặc dù IPC có sẵn hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận, nhưng lại chủ động ký hợp đồng vay vốn với 4 chi nhánh ngân hàng thương mại với tổng tiền vay 400 tỉ đồng, lãi suất từ 5,2 - 6,2%, mục đích vay “để nộp lợi nhuận vào ngân sách nhà nước”, và “tạo quan hệ tín dụng lần đầu”.
Với kiểu quản lý tài chính “ngược đời” này, Thanh tra TP.HCM khẳng định IPC vi phạm quy định pháp luật.

Tề Trí Dũng sai phạm gì khiến bị khởi tố, bắt giam? - ảnh 2
Sadeco được xem là doanh nghiệp “đẻ trứng vàng” cho IPC. Thế nhưng, vào thời điểm “đỉnh cao” lợi nhuận, cũng chính là lúc tài sản nhà nước tại Sadeco bị lũng đoạn, tư nhân “thâu tóm” với sự “can dự” trực tiếp của ông Tề Trí Dũng và nhiều lãnh đạo chủ chốt IPC, Sadeco...

Để tư nhân lũng đoạn tài sản nhà nước

Sau khi khởi tố, bắt giam Tề Trí Dũng vào ngày 14.5, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), để điều tra về hành vi "tham ô tài sản" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".


Một điểm rất đáng chú ý, nhóm cổ đông nhà nước từng chiếm 62,8% (trước khi “bán đứt” quyền biểu quyết tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim), có Văn phòng Thành ủy TP.HCM (chiếm khoảng 2%), Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy, chiếm khoảng 15%). Vào thời điểm 18.5.2017, Văn phòng Thành ủy có Văn bản số 495 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.


Trong các phi vụ lũng đoạn tài sản nhà nước tại IPC và các công ty con, thành viên, liên kết IPC, điển hình là phi vụ tại Sadeco.
Sadeco được xem là doanh nghiệp “đẻ trứng vàng” cho IPC. Trong một thời gian dài, Sadeco ngày càng phát triển với quỹ đất dự án hàng trăm héc ta tại nhiều vị trí đắc địa ở TP.HCM. Nhờ đó, năm 2016 lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 153 tỉ đồng, trong khi doanh thu thuần chỉ hơn 290 tỉ đồng; đến năm 2017 có doanh thu hơn 265 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 111 tỉ đồng; và có năm tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%.
Thế nhưng, vào thời điểm “đỉnh cao” lợi nhuận, cũng chính là lúc tài sản nhà nước tại Sadeco bị lũng đoạn, tư nhân “thâu tóm” với sự “can dự” trực tiếp của ông Tề Trí Dũng và nhiều lãnh đạo chủ chốt IPC, Sadeco... “Kịch bản” mà các cá nhân có sai phạm “vẽ” ra là tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, ngày 29.6.2017, tại đại hội cổ đông Sadeco, đại diện vốn góp nhà nước (do IPC cử) thời kỳ liên quan, gồm 4 thành viên: ông Tề Trí Dũng; ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC; bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Sadeco và ông Trần Mạnh Khôi, Phó trưởng ban Kiểm soát Sadeco, biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Tiếp đó, ngày 19.10.2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỉ đồng.
Thanh tra TP.HCM khẳng định, bản chất vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp. Việc làm này là “trái quy định pháp luật”, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỉ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.  
 Việc kinh doanh bất động sản của IPC cũng xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng
Một trong những phi vụ điển hình là góp vốn hơn 473 tỉ đồng vào Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty liên kết với IPC) thực hiện dự án xây dựng khu định cư An Phú Tây, H.Bình Chánh (TP.HCM).
Ông Tề Trí Dũng đã tự ý ký 4 hợp đồng (vào năm 2016); ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC, ký 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích chuyển nhượng gần 25.000 m2, đơn giá từ 7 - 8,8 triệu đồng/m2, tổng số tiền thu được chỉ hơn 186 tỉ đồng, mà không thông qua đấu giá theo quy định.
Về các sai phạm, thiếu sót đã xảy ra tại IPC, Thanh tra TP.HCM khẳng định trách nhiệm chính thuộc về HĐTV, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc được phân công phụ trách lĩnh vực và công việc có liên quan, kiểm soát viên, kế toán trưởng, nhóm đại diện vốn nhà nước... tham mưu từng thời kỳ có liên quan đến vụ việc.
Điều đáng nói hơn, trong quá trình thanh tra, IPC và công ty con, liên doanh, liên kết “có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra”.
(Theo Thanh Niên) Đình Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét