Đội vốn - căn bệnh trầm kha: Nhiều dự án bất thường
Cập nhật lúc
09:13
Kết quả kiểm
toán cho thấy, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến
Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 29.937,6 tỷ đồng; dự án
đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ
8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng... Thậm chí có dự án đội vốn gấp 39 lần so
với ban đầu.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án đội vốn
khủng. Ảnh: hồng vĩnh
Phải chỉ định
thầu cho nước ngoài
Theo kết quả kiểm toán năm 2018
đối với niên độ ngân sách năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều
bất cập trong các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Kết quả kiểm toán
cho thấy, hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao,
công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; các
định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần,
giải ngân chậm.
Kết quả kiểm toán cho thấy, việc
đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải
chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài. Điển hình trong số đó là dự án Cát
Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng,
chiếm 77% tổng mức đầu tư. Có dự án chịu sự ràng buộc trong sử dụng hàng hoá,
dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay, như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô
thị số 1 TP.Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Dự án này phải sử dụng
hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc Nhật Bản từ 30% trở lên, nhà thầu chính phải
là nhà thầu Nhật Bản.
Bên cạnh đó, cũng không ít dự án
phải sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao, như: Dự án đầu tư tuyến đường
nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sử
dụng tư vấn quốc tế với chi phí gấp 8,5 lần tư vấn trong nước; dự án đầu tư
xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên QL2C gấp 7,8 lần; dự án cải thiện môi trường
nước TPHCM, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 gấp 10
lần; dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi gấp 11 lần chi phí tư vấn...
Không chỉ vậy, KTNN cũng chỉ ra thực trạng thanh toán phần nội tệ
bằng tiền nước ngoài làm tăng chi phí. Trong số này phải kể đến dự án đầu tư
tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh
Bình. Theo cơ quan kiểm toán, do Hiệp định vay từ nguồn EDCF quy định thanh
toán phần nội tệ bằng đồng won đã làm tăng giá trị vay 2.753,3 triệu won, tương
đương 53,9 tỷ đồng; dự án cầu Vĩnh Thịnh trên QL2 tăng 703,5 triệu won, tương
đương 13,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý là tình trạng nhiều dự
án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu. Riêng
Bộ GTVT có tới 27/42 dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 122.352 tỷ đồng và
97,27 triệu USD; dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội -
TPHCM điều chỉnh 3 lần, tăng 6.812 tỷ đồng (tương đương 275,61%); dự án xây
dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều
chỉnh tăng tổng mức đầu tư 29.937,6 tỷ đồng (tương đương 172,2%).
Bên cạnh đó cũng còn tình trạng
điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ
tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Đơn cử, dự
án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT lập, thẩm định, phê duyệt
điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ
đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng
Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều
chỉnh dự án đầu tư.
“Cá biệt” tăng vốn 3.834%
Trong hoạt động xây dựng và quản
lý vốn đầu tư, KTNN cũng chỉ ra nhiều bất cập tại nhiều dự án. Điển hình như
việc phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục tại 19/33 dự án thuộc chuyên
đề việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2015- 2017 trên
địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó còn tình trạng
chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn như một số dự án tại tỉnh
Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Hải Dương…
Đặc biệt, tình trạng phổ biến
diễn ra là việc xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác, kéo theo điều chỉnh
vốn nhiều lần. Cá biệt là dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển
Việt Nam (VDB) tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tăng vốn 3.834% (từ 7 tỷ
đồng lên 275 tỷ đồng do điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng). Hay như dự án
đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, tăng 3.956 tỷ đồng (tương đương 233%);
dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận tăng 2.687 tỷ đồng (tương
đương 105%).
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra các
dự án tăng vốn nhiều lần, như dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tăng vốn
3 lần với gần 150 tỷ đồng; dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh tăng vốn
6 lần với gần 4.000 tỷ đồng; dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận
tăng vốn 3 lần với gần 2.700 tỷ đồng...
Không ít
dự án còn sai quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như Khu du lịch
sinh thái và dân cư Rạch Tràm được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt vượt 67,3
ha so với Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
633/QĐ-TTg. Sau đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc tiếp tục phê duyệt quy
hoạch chi tiết 1/500 vượt thêm 4,2 ha; hay dự án đường Nha Trang đi Đà Lạt,
đoạn Nha Trang - Diên Khánh (Cao Bá Quát - Cầu Lùng) quyết định đầu tư chưa
xác định rõ nguồn. (Luân Dũng)
(Theo Tiền Phong) LUÂN DŨNG |
Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét