Tập đoàn
điện lực quá "ôm đồm"!
Cập nhật lúc 14:43
Trong một hội thảo về xây dựng thị trường năng lượng cạnh
tranh, tôi từng tuyên bố: Phải để cho EVN phá sản thì ngành điện mới phát
triển được!
Tôi đưa ra kiến nghị đó vì tôi
tin vào thị trường cạnh tranh công bằng và đã nghiên cứu khá kỹ kinh nghiệm
tự do hóa, xây dựng thị trường điện cạnh tranh ở châu Âu, nhất là Đức.
Nhưng,
với thể chế của Việt Nam, việc này không dễ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
là doanh nghiệp (DN) nhà nước và phải thực hiện quá nhiều mục tiêu. Phải cung
cấp đủ, ổn định điện cho nền kinh tế; phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc
gia. Phải là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, có nghĩa khi giá tất cả mặt hàng
tăng thì giá điện phải giữ ổn định; khi giá tiêu dùng ổn định và ở mức thấp
thì giá điện được phép tăng. EVN phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, tức cung cấp
điện bằng mọi giá đến mọi vùng miền của đất nước, kể cả một bản miền núi chỉ
có hơn chục hộ dân nhưng địa hình hiểm trở. EVN cũng đã từng được chọn để
thành quả đấm thép của nền kinh tế và đầu tư ngoài ngành là một trong những
hệ quả của việc theo đuổi mục tiêu này. EVN còn là DN, tức là họ cũng phải
kinh doanh và có lợi nhuận hợp lý.
Trong khi đó, EVN mang tiếng độc
quyền nhưng dư địa hay phạm vi tự chủ, tự quyết định lại rất hạn chế. Các vấn
đề quan trọng của một DN, kể cả tăng giá điện, đều phải có ý kiến của cơ quan
chủ quản và Chính phủ. Tôi nghĩ rằng ở góc độ nào đó nên chia sẻ với EVN vì
họ không phải là "nguyên nhân" mà là "hệ quả" của câu
chuyện liên quan đến thị trường điện. Bởi lẽ, chắc chắn không thị trường nào
giải quyết cùng một lúc tất cả các mục tiêu nói trên. Nếu thể chế chưa thay
đổi thì dù cho "EVN này" phá sản để cho "EVN mới" xuất
hiện thì kết cục cũng không khác.
Cụ thể với câu chuyện tăng giá
điện, do kìm hãm tương đối lâu nên tại thời điểm này, điều chỉnh giá là cần.
Sắp tới, EVN không còn là nơi chủ yếu sản xuất điện nữa mà chỉ tập trung vào
truyền tải và phân phối điện. Hoạt động sản xuất điện dần sẽ chuyển sang các
thành phần hoặc DN khác, nên phải huy động nguồn lực đầu tư. Để có được nguồn
lực đầu tư thì một trong những điều kiện cần là giá điện phải hợp lý, đủ mức
để có lợi nhuận. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá để khuyến khích thúc đẩy sử
dụng năng lượng tiết kiệm cũng là điều rất quan trọng. Nhưng điều đó không có
nghĩa là chúng ta không tạo áp lực buộc EVN phải kinh doanh hiệu quả. Cần yêu
cầu minh bạch các loại chi phí, cách thức, quy trình kinh doanh để cho người
tiêu dùng có thể giám sát được cơ chế họ mua điện như thế nào, phân phối ra
sao...
Giá điện đang ở trạng thái cân
bằng lợi ích, rõ ràng chúng ta chưa có giá thị trường. Thực ra, nếu theo cơ
chế thị trường đúng nghĩa thì giá điện phải có tăng, có giảm. Thậm chí trong
một ngày, tại một thời điểm nào đó mà cung vượt cầu thì phải giảm giá điện
thời điểm đó. Nhưng, có lẽ ở Việt Nam hiện nay, hệ thống điện về mặt kỹ thuật
chưa làm được điều này.
Theo tôi, nên có một cơ chế linh
hoạt hơn trong điều chỉnh giá. Đồng thời, phải minh bạch hơn về cơ cấu giá,
về mức giá và mục tiêu muốn đạt được để cho các bên có liên quan giám sát.
Chỉ khi nào có giám sát và giám sát hiệu quả thì lúc đó mới có áp lực cũng
như công cụ đánh giá khách quan.
TS
Nguyễn Đình Cung
Theo Người Lao Động
|
Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét