Vụ
cô gái giao gà: Dân phát hiện, sao khen thưởng lực lượng phá án?
Cập nhật lúc 10:02
Tại buổi họp báo thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ cô gái đi giao
gà bị bắt cóc, hãm hiếp tập thể rồi sát hại ở Điện Biên, các tập thể, cá nhân
tham gia điều tra, bắt các nghi phạm đã được khen thưởng "nóng".
Công an tỉnh Điện
Biên công bố thông tin điều tra ban đầu và khen thưởng đột xuất các tập thể,
cá nhân phá án - Ảnh: GIANG LONG
Dư luận chung và cộng đồng mạng ngay lập tức nổi lên hai
luồng ý kiến: phẫn nộ, lên án 5 nghi phạm và bất phục, thậm chí chỉ
trích việc chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên và giám đốc Công an tỉnh khen thưởng
đột xuất cho các tập thể, cá nhân tham gia điều tra và bắt giữ các nghi phạm.
Lên án kẻ thủ ác thì rõ rồi, nhưng vì sao việc khen thưởng
những người tham gia phá án cũng bị chỉ trích?
Khoản 2 điều 3 Luật thi đua khen thưởng 2003 ghi rõ:
"Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến
khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Có thể hiểu rằng, mục đích khen thưởng đột xuất của chủ tịch
UBND tỉnh và giám đốc Công an tỉnh Điện Biên là nhằm "ghi nhận, biểu
dương, tôn vinh công trạng" của những tập thể, cá nhân trong việc sớm
tìm ra nghi phạm bắt giữ, hãm hiếp và giết chết cô gái.
Tuy nhiên, nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật
thi đua khen thưởng, tại khoản 3, điều 13 quy định "khen thưởng đột xuất
là khen thưởng cho tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất. Thành tích
đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập
thể, cá nhân phải đảm nhiệm".
Việc tìm ra nghi phạm gây án có phải là thành tích đạt
được ngoài nhiệm vụ của ban chuyên án hay không mà phải khen thưởng đột xuất?
Đây chính là căn cớ khiến dư luận không đồng tình và chỉ trích việc khen
thưởng dành cho các cán bộ tham gia phá án.
Thông tin mà Công an tỉnh Điện Biên công khai với báo chí
cho thấy mặc dù gia đình đã trình báo 2-3 ngày nhưng việc phát hiện chiếc xe
máy và thi thể nạn nhân đều là của… người dân.
Việc còn lại của cơ quan điều tra chỉ là tìm bắt thủ phạm.
Và ai cũng biết, đây là nhiệm vụ đương nhiên và là nghiệp vụ bình thường của
những người tham gia điều tra, của ban chuyên án.
Nói đến đây sẽ có ý kiến cho rằng việc ban chuyên án sớm
tìm ra thủ phạm cũng là đáng khen. Nói vậy không sai nhưng chưa thuyết phục,
vì phải mất 3 ngày sau khi người dân tìm thấy thi thể nạn nhân, nghi phạm mới
bị bắt giữ thì khó mà nhận định sớm hay muộn. Trong khi đó, việc phải khai quật
lên khám nghiệm lại chứng tỏ công tác khám nghiệm tử thi trước đó đã qua loa,
hời hợt. Đây là điều đáng trách!
Chưa kể, việc "thưởng nóng" cho những người tìm
bắt hung thủ diễn ra nhanh chóng trong khi câu hỏi "Suốt hai ngày kể từ
lúc được gia đình trình báo, công an địa phương đã tìm kiếm như thế nào mà
rồi nạn nhân bị sát hại?" vẫn chưa được trả lời cũng khiến dư luận không
khỏi bất bình.
Có công thì thưởng, có tội thì trừng. Tội nhỏ có thể tha,
công lớn cần được tưởng thưởng xứng đáng. Đạo lý ở đời xưa nay vốn đã vậy và
luật pháp được xây dựng cũng không ngoài cái lẽ này.
Chờ đến khi những kẻ thủ ác lãnh án, vụ án chính thức khép
lại, UBND tỉnh và Công an tỉnh Điện Biên mới cùng lúc xử phạt những người tắc
trách trong việc tìm kiếm ban đầu và tuyên dương lực lượng phá án thì dư luận
không có lý do gì để bức xúc.
Vì thực tế, có rất nhiều vụ phá án được thưởng
"nóng", người dân và cộng đồng mạng vỗ tay khen chứ có ai phản đối
đâu!
(Theo Tuổi Trẻ) NGUYỄN TRIỀU
Một việc làm rất phản cảm. Đương lúc
người dân phẫn nộ vì tội ác hoành hành, gia đình nạn nhân trong đau thương
tột cùng thì những người lẽ ra không để xảy ra chuyện đó lại vẻ vang trao nhận
thành tích cho nhau (mà thành tích chưa hẳn đã vẻ vang). Nên chăng cần xem
xét trách nhiệm cán bộ chủ trì địa phương này vì đã không làm tốt bảo đảm an
ninh trật tự, khi có trình báo tội phạm lại quá chậm chạp khiến hậu quả đau lòng.
Thương Giang
|
Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét