Thương
mại hóa dâng sao giải hạn
Cập nhật lúc 09:33
Theo PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo: Giáo hội cũng nên lên tiếng về việc tránh thương mại hóa trong chuyện dâng sao giải hạn, giống như đã ra văn bản về việc không đốt vàng mã trong chùa.
Bên ngoài cổng chùa
Phúc Khánh (Hà Nội), người dân ngồi tràn xuống vỉa hè và lòng đường dâng sao
giải hạn. ẢNH: GIANG HUY
Thưa
ông, năm nay không phải là năm đầu nhiều người lên tiếng về việc dâng sao
giải hạn ở chùa nữa. Nhiều ý kiến cho rằng đó không đúng giáo lý nhà Phật. Cố
TS Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cho rằng
việc này không thuộc Phật giáo nguyên gốc. Tuy nhiên, Phật giáo khi du nhập
vào VN đã có sự hỗn dung với Đạo giáo, Khổng giáo. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cũng nghĩ đó là ảnh hưởng từ truyền
thống tín ngưỡng, văn hóa của Trung Quốc. Phật giáo truyền vào VN qua ngả
Trung Quốc (Phật giáo Bắc truyền) chịu ảnh hưởng nhiều quan niệm văn hóa của
Trung Quốc, trong đó có Đạo giáo. Dâng sao giải hạn
là như thế. Phật giáo vốn không có chuyện đó. Hiện nay, nhiều người lên tiếng
về việc dâng sao giải hạn, bởi họ cho rằng nó đang trở nên mê muội.
Theo ông, có điều gì chứng tỏ
hiện trạng người dân dâng sao giải hạn đang mê muội?
Đó là cảm nhận chung, chứ đo đếm thì
chưa có.
Tuy nhiên, tôi thấy dường như càng ngày
người ta càng tin điều đó, ngày càng thực hành dâng sao giải hạn nhiều hơn,
càng ngày càng chi phí hơn cho việc dâng sao giải hạn. Nhưng cái mà người ta
thực sự hiểu ý nghĩa của việc đó thì có lẽ là chưa. Phần lớn làm theo phong
trào, trào lưu xã hội, hoặc do cảm thấy cuộc sống nhiều bất an. Giao thông
bất an, bệnh tật, rủi ro kinh doanh…
Đó là câu chuyện khi tinh thần bất an,
người ta dâng sao để cảm thấy an toàn.
Nhưng khá nhiều người tin rằng chỉ cần
làm lễ dâng sao giải hạn là có thể giải quyết hết vấn đề. Đó là dấu hiệu cho
thấy người ta bắt đầu mê muội. Bởi nếu người ta hiểu, người ta muốn giải trừ
hạn xấu, tìm kiếm sự may mắn thì người ta sẽ phải tích thiện, làm phúc, tích
cực làm điều tốt... Theo đúng giáo lý nhà Phật, làm lành tránh dữ thì hạn xấu
nó mới tiêu trừ chứ. Hoàn toàn không có chuyện làm ác rồi dâng sao giải hạn
là xong.
Chúng tôi cũng quan sát thấy, trong
khoảng chục năm gần đây mức độ cầu cúng tăng rất nhiều. Dâng sao giải hạn,
cầu tài cầu lộc - những cái không phải ở Phật giáo - đều nhiều hơn. Nó nhiều
hơn hẳn so với việc đến chùa để tụng kinh, học tập giáo lý, thực hành giáo
luật Phật giáo...
Việc dâng sao giải hạn, theo
truyền miệng, nhiều khi còn hấp dẫn do có người bảo nhau quan chức cũng dâng
sao ở chùa đó. Liệu có nên yêu cầu lãnh đạo không đến đó để “giải đông”
không, làm như vậy có ảnh hưởng tới quyền tự do tín ngưỡng của họ không?
Tôi nghĩ rằng, luật pháp luôn tôn trọng
và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người. Theo tôi,
không nên tuyệt đối hóa việc quá tải ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là do
các vị lãnh đạo đã đến đó. Việc các không gian thiêng quá tải trong mùa lễ
hội là chuyện hết sức bình thường. Điều quan trọng là cách thức tổ chức như
thế nào để hạn chế những chuyện phản cảm, lộn xộn. Có thể du khách đến rất
đông, nhưng nếu cách thức tổ chức tốt thì vẫn ngăn nắp, trật tự, văn minh.
Việc nhà chùa nhận giúp người
dân cúng dâng sao giải hạn có kèm theo tiền, liệu đó có thể gọi là dịch vụ
tôn giáo không, thưa ông?
Đó là một dịch vụ, người dân có nhu cầu
thì nhà chùa đáp ứng thôi. Đó là dịch vụ chứ không phải một chức năng hay
giáo lý giáo luật Phật giáo quy định cho nhà chùa. Ở đây rất rõ là người dân
có nhu cầu thì chùa đáp ứng. Thì xưa đến nay mình vẫn thế, bất cứ cái gì cần
người dân đều có thể nhờ đến sư, và sư như một người có thể giải đáp tất cả.
Khi đi lễ chùa chúng ta có thể
bỏ tiền giọt dầu tùy tâm. Nhưng với dâng sao giải hạn, có khoản nhất định đối
với từng chùa. Ông đánh giá việc đó như thế nào, đó có còn là làm phúc không?
Thực ra nếu quy định thu tiền là không
đúng. Lễ phải ngần này tiền rõ ràng là không đúng. Nên tùy tâm để người ta có
chút cúng dường chư Phật, như thế cũng tạo cho người ta tâm bố thí. Quy định
như thế thì không đúng. Như vậy, tôi cho rằng đó là dấu hiệu thương mại hóa.
Như vậy là đã xuất hiện việc
thương mại hóa. Giáo lý nhà Phật cũng không chấp nhận việc dâng sao giải hạn.
Các hòa thượng cũng lên báo nói việc dâng sao giải hạn không đúng giáo lý nhà
Phật. Tuy nhiên, chưa thấy có việc nói giáo hội yêu cầu các chùa phải dừng
việc đó lại.
Những năm vừa rồi, chúng ta nói rất
nhiều đến việc đốt vàng mã. Sau đó, Giáo hội Phật giáo đã có văn bản quy định
các chùa, các cơ sở Phật giáo không đốt vàng mã. Đó là một phản ứng của giáo
hội. Vấn đề dâng sao tôi nghĩ nó sẽ khó hơn đốt vàng mã.
Nếu việc dâng sao giải hạn đáp ứng nhu
cầu tâm linh của người dân, mà cách làm không phải thương mại hóa thì có lẽ
cũng không bị phản ánh nhiều như vậy. Nhưng nếu thương mại hóa thì không nên.
Giáo hội cần lên tiếng về việc không nên thương mại hóa chuyện đó. Quy định
thu tiền khiến cho hình ảnh Phật giáo cũng mất đi cái đẹp. Cứ để cho người
dân tùy tâm tự nguyện.
Nói cách khác, giáo hội cũng nên lên
tiếng về việc tránh thương mại hóa trong chuyện dâng sao giải hạn, giống như
đã ra văn bản về việc không đốt vàng mã trong chùa.
(Theo Thanh Niên) Trinh Nguyễn
|
Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét