Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

 Câu hỏi lớn tại các trạm BOT:

Mập mờ việc thu phí thủ công ở các trạm BOT

Cập nhật lúc 15:17      
                           
Câu chuyện về minh bạch doanh thu phí đường bộ tiếp tục "nóng" thời gian gần đây, khi một số vụ việc liên quan tới che giấu doanh thu phí xảy ra. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí tự động không dừng lại chậm tiến độ, dù lợi ích của nó ai cũng thấy rõ.

 Trạm thu phí Dầu Giây nơi xảy ra vụ cướp đến nay số tiền thu phí hằng ngày nơi đây vẫn là dấu hỏi Ảnh: M.T
Trạm thu phí Dầu Giây nơi xảy ra vụ cướp đến nay số tiền thu phí hằng ngày nơi đây vẫn là dấu hỏi Ảnh: M.T

Trước Tết Nguyên đán ít ngày, một số cá nhân của Cty Yên Khánh bị cơ quan điều tra khởi tố vì dùng công nghệ che giấu, giảm doanh thu thu phí thực tế trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Mới đây nhất, ngay mùng 2 Tết Kỷ Hợi, vụ cướp 2,22 tỷ đồng tiền thu phí tại trạm thu phí trên cao tốc TPHCM - Dầu Giây cũng khiến nhiều người nghi ngờ về doanh thu thực của trạm thu phí này. Một số ý kiến cho rằng, doanh thu mỗi ngày của trạm thu phí này cao hơn nhiều con số báo cáo. Dù sau đó, Cty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị thu phí) có lý giải hơn 3,2 tỷ đồng trong két sắt tại trạm thu phí khi xảy ra vụ cướp là tiền của 8 ca thu phí từ ngày 4 đến 6/2/2019. 
Liền sau đó, Tổng Cty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục lên tiếng để thuyết phục dư luận về sự minh bạch, chặt chẽ trong thu phí đường cao tốc. Lãnh đạo VEC cho rằng, đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tuân thủ các quy định hiện hành. VEC đã xây dựng các quy trình tổ chức thu, giám sát thu, hậu kiểm và đảm bảo minh bạch, công khai, quản lý chặt chẽ chống thất thoát tiền thu phí. Ngoài sử dụng con người, còn có phần mềm, camera để giám sát thu phí... Hằng ngày, các đơn vị được VEC giao thu phí đều báo cáo về lưu lượng, doanh thu từng trạm thu phí gửi về VEC. Định kỳ hằng quý, VEC báo cáo Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT... 
Tuy nhiên, những lý giải trên của VEC và các đơn vị thành viên vẫn không thuyết phục được những nghi ngờ của dư luận, khi thu phí vẫn thực hiện thủ công. 
Từ năm 2017, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT phải thực hiện thu phí tự động không dừng tại các trạm trên toàn bộ Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh trong năm 2018, và các trạm thu phí BOT khác trong năm 2019. Rất tiếc, đến nay tiến độ thực hiện thu phí tự động của Bộ GTVT chậm so với mốc kế hoạch Thủ tướng giao. Rất nhiều vướng mắc đã được chỉ ra, dù lợi ích của thu phí tự động ai cũng thấy rõ. 
Hệ thống thu phí các tuyến cao tốc của VEC vẫn thực hiện thu thủ công qua thẻ từ. Trong khi đó, việc áp dụng thu phí tự động vẫn ở dạng thí điểm. Theo lý giải của lãnh đạo VEC, đơn vị đang chuẩn bị đấu thầu để chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Còn đơn vị thu phí tự động mà Tổng cục Đường bộ đang chọn (VETC) không đáp ứng đủ năng lực tài chính để cung cấp dịch vụ thu phí tự động cho toàn bộ trạm thu phí cao tốc của VEC, nên VEC cần thêm thời gian đấu thầu chọn đơn vị khác.

Thu phí tự động: Nhà đầu tư BOT không hào hứng
Giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu, đơn vị này phải quan tâm triển khai, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thu phí tự động không dừng. Theo ông Thể, thu phí tự động được cả xã hội quan tâm, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. “Thu phí tự động không dừng sẽ giúp giám sát việc thu phí, doanh thu thu phí dễ hơn thu phí thủ công rất nhiều. Cùng đó, lợi ích xã hội vô cùng to lớn, như giảm thời gian dừng xe trả phí, tâm lý của lái xe và người dân tốt hơn, yên tâm và tin tưởng hơn vào hoạt động thu phí”, ông Thể nói. 
Người đứng đầu ngành Giao thông cũng yêu cầu cấp dưới phải giám sát hoạt động thu phí chặt chẽ. Không để xảy ra trường hợp như một số cá nhân bị khởi tố vì sử dụng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng được Tổng cục Đường bộ lựa chọn) cho biết: Việc triển khai thu phí tự động hiện còn một số vướng mắc khi đàm phán với các nhà đầu tư BOT đường bộ. Trong đó có vướng mắc về bàn giao nhân lực thu phí, tài sản trạm thu phí. Cũng có nhà đầu tư BOT không mấy "hào hứng" với thu phí tự động. Cùng đó, hiện số lượng chủ xe nộp tiền vào tài khoản và sử dụng trả phí tự động cũng không nhiều.
Trong khi, doanh thu của đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động phụ thuộc vào số lượng xe sử dụng dịch vụ. Hiện mỗi trạm thu phí VETC được trả phí cung cấp dịch vụ khoảng 10-20 triệu đồng/tháng. Trong số xe đã dán thẻ và có tài khoản thu phí tự động, cũng chỉ khoảng 30% nộp tiền vào tài khoản, trong số chủ phương tiện đã nộp tiền cũng chỉ có khoảng 20% xe sử dụng dịch vụ thu phí tự động.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Tổng cục Đường bộ đã chọn nhà thầu của VNPT để giám sát toàn bộ việc truyền dữ liệu của các trạm thu phí ETC về Tổng cục Đường bộ. Như vậy, việc thu phí ETC sẽ có 3 kênh giám sát: nhà đầu tư BOT giám sát nhà cung cấp dịch vụ ETC, VNPT giám sát việc truyền dữ liệu thu phí đến cơ quan liên quan và Tổng cục Đường bộ giám sát thông qua việc quản lý dữ liệu thu phí. 
Dấu hỏi quanh số tiền thu phí ở trạm Dầu Giây?
Ngày 7/2, hai đối tượng thực hiện vụ cướp hơn 2,2 tỷ đồng trong tổng số hơn 3 tỷ đồng tại két sắt của  Trạm thu phí Dầu Giây thuộc đường cao tốc TP HCM- Long Thành Dầu Giây (HLD). Vụ việc đang làm dấy lên câu chuyện số tiền thu thực tế của Trạm thu phí này mỗi ngày là bao nhiêu?
Nếu số tiền trong két sắt bị cướp là của 1 ca, thì 3 ca/ngày, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) có thể thu được số tiền lên đến 8 - 9 tỷ đồng. Một chuyên gia cho biết, thời điểm sau 30 tết, các loại phương tiện đóng phí cao như xe tải, xe container rất ít, vậy ngày bình thường số tiền thu được sẽ còn cao hơn. Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật( đường cao tốc Việt Nam VEC E), tổng kết 2018 công ty này thu được 1.100 tỷ đồng tiền thu phí, tính ra trung bình 1 ngày bình thường công ty thu toàn tuyến khoảng từ 3,3 - 3,4 tỷ đồng.
Ngày 8/2, ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) giải thích: Thời điểm xảy ra vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây, tổng số tiền có trong két sắt là 3.230.660.000 đồng bao gồm tiền doanh thu 2 ca ngày 4/2, 3 ca ngày 5/2, 3 ca ngày 6/2 (1ca/8h), tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ phục vụ 10 ngày Tết(do ngân hàng không đổi tiền lẻ trong suốt dịp tết). Số tiền thực tế còn lại sau được kiểm đếm sau vụ cướp là 1.010.660.000 đồng.
Về công tác tổ chức thu phí, đại diện VEC cho biết tổng công ty này được thành lập từ năm 2004, là doanh nghiệp nhà nước, nòng cốt trong xây dựng các tuyến đường cao tốc của quốc gia. VEC được Nhà nước giao làm chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác 4 tuyến đường bộ cao tốc: Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và TP HCM-Long Thành-Dầu Giây (các dự án của VEC không phải các dự án BOT).
VEC khẳng định công tác tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm của VEC tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với từng điều kiện hiện trường tại mỗi dự án đường cao tốc, bảo đảm công khai và minh bạch.
Mạnh Thắng được Nhà nước giao làm chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác 4 tuyến đường bộ cao tốc: Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và TP HCM-Long Thành-Dầu Giây (các dự án của VEC không phải các dự án BOT).
VEC khẳng định công tác tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm của VEC tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với từng điều kiện hiện trường tại mỗi dự án đường cao tốc, bảo đảm công khai và minh bạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét