PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc:
‘Cán bộ lãnh đạo càng giản dị khiêm tốn càng có sức lan tỏa’
Cập
nhật lúc 22:12
Đề cập đến việc
nêu gương của cán bộ đảng viên, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng
Viện Lịch sử Đảng cho rằng, người cán bộ lãnh đạo càng giản dị, khiêm nhường
bao nhiêu lại càng có sức lan tỏa mạnh mẽ bấy nhiêu.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói: Trong 89 năm qua, uy tín của Đảng
đều phụ thuộc vào kết quả lãnh đạo của Đảng và vào sự phát triển của đất
nước. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần triển khai có hiệu quả hơn nữa các
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về chỉnh đốn, xây dựng Đảng, phòng
ngừa suy thoái, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Ngoài
ra, phải thực hiện tốt Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên,
trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương…
Rạch ròi công tư
Tình trạng sử dụng xe công năm nào cũng được nhắc nhở,
không sử dụng xe công đi lễ chùa, không sử dụng vào việc riêng… Tuy nhiên ở
đâu đó vẫn còn xảy ra những vi phạm. Theo ông, thực trạng trên có nguyên nhân
do đâu?
Phải nói rằng, trong nhận thức của không ít cán bộ, chưa có sự
rạch ròi, còn lẫn lộn giữa cái chung và cái riêng. Cái gì là của chung thì
phải tôn trọng, còn cái gì của riêng thì sử dụng thế nào là quyền của mình.
Rồi còn có chuyện người nhà, người thân của lãnh đạo, nhiều khi hay sĩ diện,
thấy chồng mình ở vị trí đó thì dựa dẫm, lợi dụng một tý, cho dù những cái đó
cũng chẳng mang lại điều gì ghê gớm cả.
Bác Hồ vẫn từng căn dặn “Dĩ công vi thượng”, nên cần phải tôn
trọng của công, dù nhỏ hay lớn. Rồi trong quy định về nêu gương cũng quy
định, không được để vợ con, bố mẹ lợi dụng chức vụ, quyền
hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Sử dụng xe công cũng nằm trong quy định
đó. Nhưng phải thừa nhận, những năm vừa qua chúng ta quản lý chưa được
chặt chẽ, nó cứ diễn ra, nhưng lại không nhắc nhở, nên người ta cứ mặc nhiên
coi đó là chuyện bình thường. Người này nhìn người kia, thấy ông này làm thì
ông kia cũng làm theo.
Trải qua nhiều năm, nên việc này trở nên nặng nề, nan giải, giờ
đưa vào khuôn khổ, bảo sửa ngay cũng khó. Chính vì thế nên phải có sự nhắc
nhở, đưa vào quy định cho rõ rồi mới dần dần thay đổi, đi vào nề nếp. Điều
này cũng thuộc về lối sống của người cán bộ lãnh đạo, phải làm sao cho thuận
mắt ta, ra mắt người.
Từ khi xảy ra chuyện dùng xe biển xanh đưa đón người nhà
lãnh đạo ở Bộ Công Thương thì dư luận nhắc nhiều đến sự nêu gương của người
cán bộ lãnh đạo. Theo ông, làm thế nào để quy định nêu gương thực sự đi vào
cuộc sống và cần cơ chế nào để giám sát việc này?
Quy định nêu gương cũng không phải mới và trung ương đã có nhiều
văn bản quy định về việc này. Vừa qua, quy định 08 của Hội nghị Trung ương 8
đã nhấn mạnh đến việc nêu gương của cán bộ chức vụ cao như Uỷ viên Bộ Chính
trị, Uỷ viên Ban bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng. Trong cả một quá trình
chúng ta đã có quy định về nêu gương, và việc thực hiện cũng có những chuyển
biến tích cực.
Sự thể hiện của nêu gương cũng được đánh giá thông qua những lần
lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, HĐND các cấp và ở Trung ương vừa qua. Đó cũng
là một cách để hiện thực hóa quy định nêu gương. Nhưng để thực hiện cho nề
nếp, hiệu quả hơn, đúng là cũng cần phải có cơ chế theo dõi, giám sát.
Trước đây Trung ương cũng đã có quy định về 19 điều đảng viên
không được làm, rất chi tiết cụ thể, nhưng rồi vẫn có những đảng viên vi
phạm. Chính vì vậy, cũng cần phải có cách thức nào đó, chẳng hạn như các tổ
chức đảng, chính quyền cần theo dõi, nhắc nhở kịp thời đối với các trường hợp
vi phạm. Như vậy chắc chắn việc nêu gương sẽ đi vào nề nếp.
Tuy nhiên giám sát là một chuyện, theo tôi cái quan trọng nhất
vẫn là ý thức tự giác của mỗi cán bộ đảng viên. Có nhắc nhở, giám sát đấy,
nhưng bản thân cán bộ đảng viên không tự giác thì cũng rất khó thực hiện. Mỗi
cán bộ đảng viên phải học từ Bác Hồ, nêu gương ngay từ những việc rất nhỏ,
trở thành một cái rất bình thường, tất yếu trong cuộc sống.
Bên cạnh đó,
chính sự nhắc nhở của báo chí, của dư luận cũng có tác động tích cực. Người
Việt Nam chúng ta có đặc điểm là rất ngại dư luận xã hội. Ngay sự việc vừa
qua ở Bộ Công Thương, phần lớn là các phương tiện thông tin đại chúng đưa
lên, chứ bình thường làm sao biết được. Từ sự nhắc nhở thường xuyên như thế,
bản thân mỗi người cán bộ đảng viên sẽ phải suy tính lại trong mỗi việc làm
của mình.
Cần thời gian
để thay đổi thói quen và văn hóa sử dụng xe công. Ảnh minh họa
“Thương nhau
bằng mười hại nhau”
Từ vi phạm về
nêu gương cũng dễ dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật. Vì vậy cũng cần
phải có công cụ nào đó để kiểm soát, ngăn chặn việc này?
Theo tôi nên có
văn bản nhắc nhở của cơ quan có trách nhiệm đối với từng đối tượng. Ví dụ
Trung ương nên có văn bản nhắc nhở để thực hiện quy định nêu gương. Ở đây
không chỉ là nhắc nhở cá nhân các đồng chí lãnh đạo mà nhắc nhở cả cơ quan,
tổ chức đảng đó, để người ta giám sát, kiểm soát cho tốt. Đây thực chất cũng
là một khía cạnh kiểm soát quyền lực, nếu không kiểm soát tốt thì cũng thế
thôi.
Thế nhưng, đôi
khi bản thân những cán bộ lãnh đạo ấy cũng không hoàn toàn có ý thức lợi dụng
như thế. Bởi có khi cơ quan đó làm vậy để thể hiện sự quan tâm tới thủ trưởng
của mình, rồi cuối cùng lại trở thành “thương nhau bằng mười hại nhau”. Vì
thế, bản thân các cơ quan, cấp dưới cũng cần lưu ý, điều gì cần làm và điều
gì không nên.
Quy định nêu
gương cũng nhấn mạnh tới việc từ chức khi không còn đủ uy tín. Theo ông,
những trường hợp mà dư luận lên án sẽ tác động như thế nào đến uy tín của
người cán bộ lãnh đạo khi để xảy ra sai phạm?
Quy định từ
chức khi không còn đủ uy tín cũng là phù hợp. Thế nhưng ở nước ta, chuyện từ
chức xưa nay còn rất hiếm, trong lịch sử đảng ta cũng chỉ có vài trường hợp.
Cấp cao đã vậy, ở cấp dưới còn khó hơn. Do nếp sống văn hóa của người Việt
mình còn chưa quen với cái đó, nên thành ra khó thực hiện.
Về danh dự
trách nhiệm, có khi từ chức lại giữ gìn được uy tín, nhưng người ta lại không
nhận thức được điều đó. Họ cứ nghĩ từ chức thì hổ thẹn lắm, nên rất ngại
chuyện đó. Còn ở các nước, chuyện từ chức cũng bình thường, mình không làm
được thì để người khác làm thay, rồi nghỉ sớm để người kế cận có đủ điều kiện
làm tốt hơn.
Điều đó rất có
lợi cho đất nước, nhưng đó lại là cả một vấn đề về nếp sống, suy nghĩ, đòi
hỏi sự mạnh bạo trong mỗi người chứ không hề đơn giản. Anh đang ở chức vụ
này, có quyền lợi, có chế độ thế này mà tự rời bỏ thì quả thực là không dễ.
Trong tham vọng quyền lực, người ta phấn đấu vào chẳng được, đằng này lại
phấn đấu ra thì rất khó.
Nêu gương ngay
từ những việc nhỏ
Thực tế không
ít những cán bộ cấp cao còn đương chức, hay đã nghỉ hưu cũng lựa chọn cho
mình một lối sống giản dị, khiêm tốn, nhưng họ lại luôn được xã hội tôn vinh.
Điều này gợi cho ông suy nghĩ gì trước những mảng sáng tối trong việc nêu
gương?
Đúng là như
vậy. Trong thực tế, có những cán bộ cấp cao nhưng lại sống rất giản dị, gương
mẫu. Tôi nghiên cứu lịch sử đảng thì thấy nhiều lãnh đạo hàng đầu gương mẫu
lắm. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những cán bộ cấp dưới, vừa được bổ nhiệm chức
vụ nọ, chức vụ kia đã để xảy ra điều tiếng.
Trong số nhiều
nguyên nhân, cũng phải kể đến yếu tố chủ quan từ chính người cán bộ. Nếu lãnh
đạo nghiêm khắc, thì bản thân vợ con anh cũng phải sợ một phép, sao dám lợi
dụng, làm bừa. Nhưng trong quan hệ gia đình, nhiều khi là cả nể, rồi người
nhà người thân nhiều khi muốn tự khẳng định uy quyền của mình.
Cuộc sống tế
nhị lắm, nhưng điều quan trọng là mỗi người cần ứng xử thế nào cho đẹp. Càng
giản dị, khiêm nhường bao nhiêu lại càng có sức lan tỏa mạnh mẽ bấy nhiêu.
Suy cho cùng, nếu việc nhỏ anh không gương mẫu được thì việc lớn cũng rất khó
làm được.
(Theo Tiền
Phong) LUÂN DŨNG
|
Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét