Một cách nhìn đúng đắn từ Trung Quốc
Cập nhật lúc 20:34
Ngày càng có
nhiều người Trung Quốc hiểu biết, tôn trọng lẽ phải, nhất là những người lính
đã từng tham gia cuộc chiến tranh ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm phản bác lại
những điều mà họ từng ngộ nhận; công bố và phân tích về những thực tế phũ
phàng của cuộc chiến tranh phi nghĩa, trái đạo lý ấy...
Đã 40 năm trôi qua kể từ 17/2/1979, chính quyền Trung Quốc khi đó
nói, họ tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” để đáp trả “những
hành động khiêu khích chống Trung Quốc của Việt Nam”,... rêu rao họ đã giành
chiến thắng và đạt được mục đích đề ra”.v.v. và v.v… Tuy nhiên, sự thực hoàn
toàn không phải như vậy.
Người Việt Nam không im lặng chịu trận
Theo tài liệu “Chiến
tranh Trung – Việt, bước ngoặt của Chiến tranh Lạnh” đăng
trên một số báo mạng Trung Quốc, “mức độ đẫm máu, ác liệt của cuộc chiến
tranh này đến giờ vẫn khiến người ta rùng mình kinh sợ. Trong các trận đánh
tiến công cụ thể, Trung Quốc thường sử dụng binh lực đông gấp từ 5 đến 7 lần
để bao vây tấn công quân Việt Nam. Trung Quốc cũng chiếm ưu thế áp đảo về hỏa
khí, đạn dược. Trong cuộc chiến tranh này Trung Quốc đã bắn 883.381 quả đạn
cỡ trên 82mm, lượng đạn bắn bình quân mỗi ngày nhiều gấp 6 lần Chiến tranh
Triều Tiên; phía Việt Nam chỉ bắn lượng đạn không tới 1/10 số đạn Trung Quốc
đã bắn”.
Chiến tranh đã mang lại nỗi đau mất con
cho hàng vạn bà mẹ Trung Quốc
Còn theo số
liệu tổng kết của Cục Hậu cần Quân khu Côn Minh: Cuộc chiến tháng 2 năm 1979
chỉ kéo dài 1 tháng, nhưng tổng cộng đã tiêu hao 1,06 triệu quả đạn pháo các
cỡ,… bị chết 8.531 người, bị thương hơn 23.000, bị bắt làm tù binh 239, bình
quân mỗi ngày có 1 trung đoàn bị loại khỏi vòng chiến. “Thương vong lớn ngoài
dự kiến là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải kết thúc sớm
cuộc chiến. Trong 2 ngày đầu, Trung Quốc đã mất hơn 4.000 quân, đến mức quân
y không kịp trở tay”.
Phía Trung Quốc
cũng phải thừa nhận: “Điều không thể phủ nhận là người Việt Nam không im lặng
chịu trận. Binh sĩ Việt Nam kinh nghiệm phong phú, từng trải chiến trận trong
3 ngày đầu tiên đã khiến quân đội Trung Quốc thương vong nặng nề. Người Việt
Nam sử dụng chiến thuật phục kích, tập kích khiến lực lượng tiến công của
quân đội Trung Quốc trở nên khá hỗn loạn”.
Nguyên nhân thảm bại
Diễn đàn Cường
quốc của Nhân dân Nhật báo điện tử ngày 13/7/2016 đã đăng một bài viết, cho
rằng “sự thê thảm, ác liệt của cuộc chiến tranh khiến người ta kinh sợ, nhưng
điều khiến người ta phẫn uất nhất là hàng mấy vạn binh lính Trung Quốc đang
tuổi thanh xuân phơi phới đã phải chết thảm trong cuộc chiến tranh giống như
trò chơi ấy.
Bài báo viết:
Cuộc chiến diễn
ra ác liệt, thê thảm như thế do mấy nguyên nhân sau:
1. Trung Quốc
dùng “chiến thuật biển người” để xung phong đánh trận địa đối phương... Lâu
ngày sống trong hòa bình, ít được huấn luyện quân sự, chiến sĩ không biết
đánh nhau, sĩ quan không biết chỉ huy, lại thiếu sự huấn luyện đánh rừng núi
và đánh ban đêm; bộ đội tăng, thiết giáp và bộ binh không thể tác chiến hiệp
đồng, vì thế đã phải trả giá rất lớn.
2. Quân đội
Trung Quốc sử dụng đơn vị cơ giới hóa thọc sâu bao vây, nhưng quên rằng phía
Bắc Việt Nam toàn là vùng núi và rừng rậm nhiệt đới, không lợi cho tác chiến
tăng, thiết giáp. Quân Việt Nam được trang bị vũ khí chống tăng của Liên Xô
và thu được của Mỹ, dễ dàng hạ gục xe tăng của quân đội Trung Quốc.
3. Đánh giá
không đầy đủ về ý chí chiến đấu của người Việt Nam nên bị hố to.
4. Về mặt chiến
tranh du kích, Việt Nam vận dụng phương châm “địch tiến ta lui, địch dừng ta
quấy, địch mệt ta đánh, địch lui ta đuổi” giỏi hơn chúng ta nhiều.
5. Khi đó quân
đội Trung Quốc chưa thực hiện chế độ quân hàm, sĩ quan chỉ huy đều mặc áo 4
túi, chiến sĩ áo hai túi. Sau khi bộ đội bị đánh tan tác, ai chỉ huy và có
phục tùng nhau hay không trở thành vấn đề lớn. Đó cũng là một nguyên nhân
khiến quân đội Trung Quốc thương vong lớn.
6. Có một số
đơn vị sĩ khí rất kém. Có đơn vị, sĩ quan dẫn cả đại đội ra đầu hàng tập thể.
Một đơn vị khi bị bao vây, cán bộ chỉ huy đã vứt bỏ bộ đội một mình chạy về,
còn giả vờ bị thương để chui vào bệnh viện.
7. Coi chiến
tranh thành trò chơi luyện binh. Mục đích chiến tranh mà Trung Quốc đề ra ban
đầu đều không đạt được. “Người anh em Khmer Đỏ” Polpot bị gục ngã trước sự
tiến công của quân đội Việt Nam. Vấn đề là, binh sĩ Trung Quốc liệu có đáng
phải đổ máu vì cái chính quyền như thế không?...
* *
*
Đã 40 năm trôi
qua kể từ khi xảy ra cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979; hai nước
Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ, Hiệp định phân định biên
giới trên bộ đã được ký kết và công tác phân giới cắm mốc đã hoàn thành, biên
giới trên bộ đã thực sự là đường biên giới hòa bình, hợp tác. Quan hệ
về chính trị, ngoại giao hai bên chặt chẽ; hợp tác về kinh tế, thương mại, du
lịch đang phát triển rất nhanh. Hai nước hiện nay đang tích cực phát triển quan
hệ hợp tác toàn diện trên các mặt...
Chiến
tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tháng 2/1979 là một câu chuyện buồn trong
lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó
vẫn là lịch sử, cần phải được nhìn nhận với sự thật đầy đủ. Cần thiết
phải nhắc để nhân dân ta và các thế hệ sau ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh những
chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc, như chúng ta đã
và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh giải
phóng dân tộc. Chiến tranh bảo vệ biên giới Tháng 2/1979 không thể bị
lãng quên.
(Theo Tiền Phong) THUẬN HÓA
|
Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét