Thứ Hai, 11 tháng 2, 2019

Sân bay Quốc tế Long Thành: Đội vốn gấp đôi nếu chậm tiến độ


Cập nhật lúc 14:46  

Nếu lùi lại 5 năm so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỉ USD thay vì 5,4 tỉ USD như dự tính hiện nay.  
 Sân bay Quốc tế Long Thành: Đội vốn gấp đôi nếu chậm tiến độ - Ảnh 1.
Bộ GTVT chốt thiết kế hoa sen cho sân bay Long Thành - Ảnh: ACV
Đây là ý kiến của ông Đỗ Tất Bình - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ. 
Ông Bình cho rằng cần phải xác định chủ đầu tư xây dựng sân bay Long Thành trước khi Đồng Nai giải phóng xong mặt bằng và báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) trình Chính phủ.

Chúng tôi đang xây dựng phương án, quyền quyết định cuối cùng vẫn là Chính phủ. Sau khi Chính phủ thảo luận chọn phương án nào thì ra nghị quyết, chúng tôi sẽ thực hiện phương án đó.
Bộ trưởng NGUYỄN VĂN THỂ
Chủ đầu tư, không ai khác, theo ông Bình, chính là ACV, đơn vị hiện đang quản lý và khai thác 21 cảng hàng không trong nước.
Vậy ACV có đủ năng lực tài chính? "Không đơn vị nào ở Việt Nam có bộ máy có
kinh nghiệm quản lý khai thác 21 cảng hàng không như ACV và có năng lực tài chính để thực hiện dự án lớn như sân bay Long Thành" - ông Bình khẳng định.
Vị này cho rằng đầu tư sân bay Long Thành không giống như sân bay Vân Đồn quy mô nhỏ, tư nhân có thể làm được, nhưng thừa nhận nếu có tư nhân tham gia thì tiến độ sẽ nhanh hơn.
"Giả sử Nhà nước cho phép ACV áp dụng cơ chế như đối với tư nhân thì ACV làm nhanh hơn tư nhân nhiều và không bị ràng buộc bởi quy định quản lý vốn của Nhà nước" - ông Bình nói.
Ông Bình cho rằng việc chậm triển khai đầu tư xây dựng sân bay Long Thành không chỉ ảnh hưởng đến việc vận chuyển mà còn có nguy cơ dự án bị đội vốn. Nếu lùi lại 5 năm so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỉ USD thay vì 5,4 tỉ USD như dự tính hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay Bộ GTVT và ACV đang phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai giải phóng mặt bằng, cố gắng hoàn thành khoảng 1.800ha giai đoạn 1 trong năm 2019-2020. Phần mặt bằng này phần lớn là diện tích trồng cao su và khoảng 200 hộ dân.
Theo ông Thể, tháng 3-2019 sẽ hoàn thành đánh giá tác động môi trường và đến tháng 6-2019 tư vấn JFC sẽ hoàn thành báo cáo FS.
"Theo kế hoạch, tháng 10-2019 sẽ trình báo cáo FS lên Quốc hội. Sau khi Quốc hội thông qua sẽ ủy quyền cho Chính phủ phê duyệt dự án. Sau khi phê duyệt, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu thiết kế trong năm 2020. Tư vấn sẽ tiến hành khảo sát nhiều thứ để lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán trong năm 2020 để đủ các điều kiện khởi công xây dựng vào năm 2021 nhằm hoàn thành và đưa dự án vào khai thác trong năm 2025" - ông Thể cho biết.
(Theo Tuổi Trẻ) CÔNG TRUNG - TUẤN PHÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét