Giỗ Cha thì có, sao lại Giỗ trận Bạch
Đằng?
Đã bỏ công sức, kinh phí xây dựng một khu di tích lịch sử,
văn hóa tâm linh thì không nên bỏ qua các chi tiết dù rất nhỏ...
Một clip giới
thiệu về khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Thủy Nguyên – Hải Phòng) được quảng
bá trên mạng xã hội, lời giới thiệu trong clip ghi:
“Di tích Bạch Đằng Giang có bãi cọc lim mô phỏng lịch sử ba lần
thủy chiến”.
Có thể thấy những người thiết kế, phê duyệt thiết kế hoặc là rất
thiếu kiến thức lịch sử, hoặc là rất tùy tiện trong việc tạo dựng mô hình bãi
cọc này.
Sử sách ghi
nhận trên sông Bạch Đằng đã xảy ra ba trận thủy chiến đẫm máu của người Việt
chống lại bọn xâm lược phương Bắc.
Năm 938 Ngô Quyền chỉ huy quân dân Đại Việt tiêu diệt
thủy quân Nam Hán.
Năm 981 Lê Đại Hành lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt đánh quân Tống,
Trận Bạch Đằng thứ ba do quân dân nước Việt thời nhà Trần dưới sự chỉ huy
trực tiếp của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chống lại quân Nguyên - Mông vào
năm 1288.
Trong trận chiến Bạch Đằng lần thứ ba, cọc gỗ được tập kết tại
hang Đầu Gỗ, một hang đá rộng cách không xa thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng
Ninh (một số người gọi là hang Giấu gỗ).
Sau đó được vận chuyển đến đoạn sông Bạch Đằng thuộc địa phận Yên
Hưng – Quảng Yên ngày nay.
Cọc được đóng xuống lòng sông sao cho khi thủy triều lên thì bị
ngập trong nước, khi thủy triều rút thì nhô lên khỏi mặt nước. Các cọc gỗ đầu
được đẽo nhọn và bọc sắt.
Mục đích tạo bãi cọc là khi nước rút, đầu nhọn cọc nhô khỏi mặt
nước, chiến thuyền quân giặc lao vào sẽ bị cọc nhọn đâm thủng.
Với dự kiến như vậy cọc gỗ phải đóng nghiêng xuống lòng sông, đầu
nhọn hướng về phía thuyền chiến của giặc chạy tới.
Vậy những chiếc cọc cắm thẳng đứng (mà những người quản lý khu di
tích Bạch Đằng cho tạo dựng) có thể đâm thủng thuyền chiến của địch?
Quan sát ảnh chụp các di chỉ khảo cổ bãi cọc Bạch Đằng, không khó
để thấy các cọc đều nằm nghiêng, hướng về cùng một phía dù thời gian trôi
quan đã gần một nghìn năm.
Những người đến tham quan khu di tích lịch sử này nghĩ gì về cách
cắm cọc trong khu di tích?
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành
phố Hải Phòng có nên làm lại bãi cọc mô phỏng này hay để mặc cho khách tham
quan đinh ninh ngày xưa vua Ngô Quyền và Hưng Đạo vương sai binh lính đóng
cọc thẳng đứng như vậy?
Báo Laodong.vn trong bài: “Di tích Bạch Đằng Giang đông nghịt
người tham quan, dâng hương đầu năm” đăng thông báo của Ban quản lý di tích
Bạch Đằng Giang như sau: [1]
“Các lễ hội chính trong năm gồm có: Mùng 6
tháng Giêng - khai hội; 14 - 15 tháng Giêng - khai ấn đầu năm; 18 tháng Giêng
- giỗ vua Ngô Quyền; 8.3 âm lịch - giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng
- 15.4 âm lịch: đại lễ Phật đản - 15.7 Âm lịch: Lễ Vu lan và 20.8 âm lịch:
Giỗ Đức thánh Trần (Đại vương Trần Quốc Tuấn)”.
Với người Việt từ xưa đến nay, cúng giỗ là truyền thống văn hóa
thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tấm lòng kính trọng, tiếc thương của
người đang sống với người đã khuất.
Theo giải thích
trong một số từ điển “Giỗ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán của người
Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã qua đời.
Giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất theo Âm
lịch của người được thờ cúng.
Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở con cháu về
những người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một
gia đình, dòng họ, đôi khi trong cùng nghề”. [2]
Có thể thấy trong tín ngưỡng của người Việt, khái niệm “giỗ” liên
quan đến những người đã khuất, “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”, “Giỗ tổ
Hùng vương”,… không có chuyện “giỗ” các sự kiện mà là “Lễ kỷ niệm, tưởng
niệm,…”
Vậy thành phố Hải Phòng tổ chức “Giỗ trận Bạch Đằng” là giỗ các
tướng sĩ người Việt tử vong, giỗ “trận đánh” hay giỗ tất cả người đã khuất
trong đó có cả bọn xâm lược?
Nổi bật tại khu di tích là bức (tạm gọi là) phù điêu dịch câu của
Phạm Sư Mạnh thời Trần: “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (Khí thiêng sông
núi hội tụ về Bạch Đằng).
Trong từ điển Hán Nôm, chữ “山” có thể đọc là “san” hoặc “sơn” và đều có nghĩa là “núi”, do đó
“giang san” hay “giang sơn” có nghĩa như nhau.
Hầu hết các tra cứu từ “giang san” đều được hướng dẫn tra theo từ
“giang sơn”.
Đa số người Việt lớn tuổi đều biết nghĩa từ “giang” và từ “hà” là
“sông” còn “sơn” nghĩa là núi, trong khi nghĩa từ “san” là gì thì lại không
mấy người biết.
Câu thành ngữ “Giang sơn dị cải, bản tính nan di” được dịch
sang tiếng Việt là “núi sông dễ đổi, bản tính khó dời”.
Bỏ nhiều công sức tìm một văn bản sử dụng cụm từ “San hà xã tắc”
không thấy nhưng tìm “Sơn hà xã tắc” thì không ít.
Trong bài thơ nổi tiếng được cho là Bản tuyên ngôn độc lập đầu
tiên của nước Việt (do Lý Thường Kiệt viết?) câu: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”
được dịch là “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, dân gian hay dùng “giang sơn gấm
vóc”, hoặc “giang sơn thu về một mối” chứ không thấy viết “giang san gấm
vóc”, cũng không thấy viết “giang san thu về một mối”.
Việc dịch câu thơ của Phạm Sư Mạnh không sai song người đọc không
khỏi cảm thấy hơi lạ.
Phải chăng đó là chủ ý để thu hút sự chú ý của du khách hay dựa
vào lời khuyên của một vị cao nho nào đó?
Đã bỏ công sức, kinh phí xây dựng một khu di tích lịch sử, văn
hóa tâm linh thì không nên bỏ qua các chi tiết dù rất nhỏ bởi có thể chi tiết
rất nhỏ đó lại phá hỏng toàn bộ ý tưởng của người thiết kế.
Tài
liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/xa-hoi/di-tich-bach-dang-giang-dong-nghit-nguoi-tham-quan-dang-huong-dau-nam-592174.ldo
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BB%97
|
Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét