Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

BOT phải minh bạch

Cập nhật lúc 09:41                 

Với một số trạm thu phí BOT, nhiều tài xế khi trả tiền cho dịch vụ mình sử dụng cứ cảm thấy thiệt thòi, cho nên họ bức xúc. Vì sao tài xế bức xúc?

 BOT phải minh bạch - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt ở vị trí không hợp lý khiến tài xế bức xúc - Ảnh: CHÍ QUỐC


Vụ cướp 2,2 tỉ đồng diễn ra ở trạm thu phí Dầu Giây (Đồng Nai) hôm mùng 3 tết đã khép lại. Nhưng một vấn đề khác được dư luận đặt ra: doanh thu thật của một trạm thu phí là bao nhiêu; có tiêu cực, có lợi ích nhóm cấu kết để móc túi người dân hay không?
Với một số trạm thu phí BOT, nhiều tài xế khi trả tiền cho dịch vụ mình sử dụng cứ cảm thấy thiệt thòi, cho nên họ bức xúc. Do đó, đòi hỏi lớn nhất hiện nay của việc sử dụng, vận hành, quản lý một cơ sở hạ tầng có hình thức BOT phải minh bạch và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên: Nhà nước, nhà đầu tư và tài xế.
Vì sao tài xế bức xúc? Vì trên thực tế, ở một số nơi, họ như "cá chui vào lưới", buộc phải trả phí mà không có lựa chọn bởi có BOT đặt trên đường độc đạo. Việc làm BOT trên đường độc đạo, nói gì thì nói, cũng có sự lạm dụng và góp phần làm cho cái nhìn về BOT méo mó mà điển hình là BOT Cai Lậy, Tiền Giang.
Việc này vừa qua Quốc hội đã tháo gỡ: từ nay không cho làm BOT trên đường độc đạo nữa. Phải để người chi trả có quyền lựa chọn, ví như đi qua đèo Cả, đèo Cù Mông, đèo Hải Vân: lên đèo không mất tiền; chui hầm phải chi tiền. Thuận mua vừa bán, chẳng ai phàn nàn. Hay đi vào các đường cao tốc cũng vậy.
Thứ nữa, phải minh bạch trong việc thu phí mà hình thức thu phí tự động không dừng (ETC) phải được áp dụng ngay, hạn chót 31-12-2019 tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc phải ứng dụng công nghệ này. Lúc đó, không còn chuyện khai gian doanh thu để trốn thuế như vừa diễn ra ở các trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà công an đang vào cuộc. Việc chậm trễ ứng dụng ETC thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT. Bộ phải thấy vấn đề đang vướng ở đâu để gỡ ngay.
Định kiến xấu về các nhà đầu tư BOT không chỉ là biểu hiện người dân thiếu niềm tin mà còn làm nhà đầu tư chân chính nản lòng. Nhà nước phải có động tác điều chỉnh, phải có lời giải, cũng như không để những nhà đầu tư chụp giật trà trộn, đánh lận con đen. Việc này từng diễn ra ở nhiều dự án như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và hiện nay là Trung Lương - Mỹ Thuận, khi dự án được giao cho những nhà đầu tư thiếu năng lực, để sau đó ì ạch và phải tìm nhà đầu tư có năng lực giải cứu.
Tóm lại, để xua đi những ý nghĩ tiêu cực về BOT, để lấy lại niềm tin cho người dân và để khuyến khích, tôn trọng nhà đầu tư BOT chân chính, không còn cách nào khác là phải minh bạch trong đấu thầu, chọn thầu; áp dụng công nghệ trong thu phí; để người dân có lựa chọn trên con đường họ đi. Đó chính là bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Cuối cùng, trong điều kiện Nhà nước thiếu vốn, các nhà tài trợ ngày càng thắt chặt hầu bao thì mô hình hợp tác công tư (PPP) sẽ là đòn bẩy kích thích nền kinh tế. Do đó, cần sớm có luật về PPP để có công cụ điều chỉnh quan hệ kinh tế mới mẻ và quan trọng này.
(Theo Tuổi trẻ) ĐẶNG ĐẠI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét